Biên khu Việt Quế - bài ca đẹp về nghĩa tình biên giới Việt Nam-Trung Hoa

Với mong muốn tái hiện một chiến dịch lớn, có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị, kề vai sát cánh chiến đấu giải phóng đất nước của quân đội hai nước, Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh đã hoàn thành tiểu thuyết 'Biên khu Việt Quế'. Đây là tác phẩm văn học đầu tiên viết về chiến dịch đặc biệt này, có kết cấu 7 chương, trên 7 vạn từ. Tiểu thuyết 'Biên khu Việt Quế' của nhà văn Phạm Vân Anh đã dựng lại cho độc giả một hình dung đầy hào sảng, tự hào về một chiến dịch hết sức ý nghĩa, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó, 'nhường cơm, sẻ áo', 'chia lửa, chia máu' giữa những chiến sĩ Giải phóng quân nhân dân Trung Hoa và Giải phóng quân nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn từ tháng 6 đến tháng 10/1949.

Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh. Ảnh: Phùng Hiệu

Sử liệu ghi lại, năm 1949, theo đề nghị của đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tư lệnh Biên khu Việt Quế (Quảng Đông - Quảng Tây), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam phái một lực lượng vũ trang sang giúp Trung Quốc mở chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn nhằm “xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung - Long - Khâm liền với biên giới Đông Bắc ta, thông ra bể, tạo điều kiện khuếch trương lực lượng, đón Đại quân Nam Hạ” (Mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam, ngày 23/4/1949), giúp cách mạng Trung Quốc xây dựng, củng cố khu Điền Quế - Việt Quế.

Ngay sau khi mệnh lệnh được phát ra, đầu tháng 5/1949, hàng trăm chiến sĩ ưu tú từ các đơn vị đã hành quân về hội tụ tại làng Bằng, Bắc Giang. Tại đó, được sự cưu mang đùm bọc của nhân dân, vượt qua tai mắt của quân Pháp, các cán bộ, chiến sĩ “Thập Vạn Đại Sơn” được chỉnh huấn tư tưởng, học tập về nhiệm vụ quốc tế, tìm hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ của nhân dân nước bạn, rèn luyện yếu lĩnh quân sự, kỹ năng chiến đấu... và ráo riết chuẩn bị lên đường. Đồng thời, bổ sung trang bị vũ khí, phương tiện thông tin, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng... Bước vào chiến dịch, tháng 6/1949, từ làng Bằng, các đơn vị vượt núi rừng qua Hữu Lũng, Bắc Sơn để tiến về hai mặt trận. Đêm hành quân, ngày ẩn nấp, lấy ánh lân tinh từ củi mục để tránh lạc đường, đại quân đã vượt đường 4 và vượt biên giới sang hội quân cùng bạn tại Long Châu (Quảng Tây) và Khâm Châu, Phòng Thành (Quảng Đông).

Trong suốt 4 tháng, các chiến sĩ Giải phóng quân Việt Nam và Giải phóng quân Trung Quốc đã chiến đấu, công tác không ngừng nghỉ với tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả, chiến thắng trong 9 trận chiến đấu lớn, hàng chục trận chiến nhỏ, bức rút nhiều cứ điểm địch, nối liền hai khu Thập Vạn Đại Sơn và Lục Vạn Đại Sơn, ngăn được tàn quân Quốc dân đảng cát cứ tại biên khu Việt Quế. Với tinh thần không sợ kẻ địch mạnh, không ngại khó khăn gian khổ, không tiếc xương máu, quân đội hai nước đã mang lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân biên khu, được lưu trong sử sách đấu tranh cách mạng của nhân dân khu Thập Vạn Đại Sơn với lời khen tặng “Giải phóng quân Việt Nam, áo màu nâu, mũ mõm trâu, đánh phi thường ác liệt...”.

Với thế mạnh là một nhà thơ, có hàng chục năm gắn bó với biên cương địa đầu của Tổ quốc, có sự thấu hiểu sâu sắc về dư địa chí, văn hóa bản địa và phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới Đông Bắc nên Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh đã viết về người chiến sĩ hai bên biên giới với tình cảm đặc biệt gắn bó đã trên nửa thế kỷ như viết về chính thế hệ mình, con người gan ruột của mình một cách chân thật nhất. Tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế” đã miêu tả thành công quá trình chiến đấu anh dũng của bộ đội Việt Nam phối hợp tác chiến với Quân giải phóng Trung Quốc. Điều đó biểu hiện cụ thể trong tác phẩm ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật, tập trung ở ba phương diện chính là nhân vật, biểu tượng, ngôn ngữ.

Với biên độ thời gian đã 74 năm, hầu hết các nhân chứng lịch sử đều không còn, song bằng tâm huyết với lịch sử và văn chương, bằng sự tri ân quá khứ, biết ơn các thế hệ cha anh, nhà văn Phạm Vân Anh đã triển khai thi pháp của “Biên khu Việt Quế” một cách chân thực, sinh động với giọng văn giàu chất thơ, mở được không gian quá khứ cùng cảnh vật, con người, suy nghĩ, cách nói... của giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Tuy lần đầu thử sức với thể loại tiểu thuyết, song Phạm Vân Anh đã triển khai rất chắc tay, điềm tĩnh. Các chi tiết, sự kiện tuy được văn chương hóa song đều từ nền tảng sự thật, văn phong luôn tràn đầy cảm hứng sáng tác tự hào, thậm chí có những phân đoạn “sử thi hóa” nhân vật của mình.

Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh đã triển khai khắc họa thành công về một trong những sứ mệnh quốc tế đầu tiên mà quân đội ta thực hiện khi điều kiện trong nước đang diễn ra cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ ác liệt chống thực dân Pháp. Những chiến sĩ cách mạng hai nước mang vẻ đẹp của người cộng sản và tinh thần quốc tế vô sản đã kề vai sát cánh, cùng nhau chiến đấu để giải phóng một vùng biên khu Điền Quế - Việt Quế rộng lớn. Chiến dịch kết thúc thắng lợi ngay trước khi Cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (1/10/1949).

Bìa cuốn tiểu thuyết "Biên khu Việt Quế". Ảnh: Phùng Hiệu

Ngay mở đầu tiểu thuyết, hình ảnh của đội quân vượt 10.000 ngọn núi lớn, sắc nhọn đá tai mèo đã được miêu tả: “Quần áo mỗi người mỗi kiểu, nhưng đa phần áo nâu, quần buộc túm gấu đề phòng vắt và muỗi dĩn luồn lên trên ống đồng. Gió đồng rừng thổi mạnh kèm theo sương đêm thấm áo làm lộ ra những thân hình gầy gò, khắc khổ, đi như chúi về phía trước. Trên lưng vài người đi đầu mỗi nhóm có thêm khẩu súng trường hoặc tiểu liên, còn lại anh em đều mang giáo nhọn, chĩa mũi sắt sáng loáng trên nền đêm. Nhưng ánh sáng của mũi giáo cũng chỉ là một đốm nhỏ trong hằng hà sa số lân tinh lấp lánh như những vảy bạc vờn múa trên vai người lính, tỏa ra từ những khúc củi mục là tín hiệu dẫn đường trong đêm rừng... Người nối người, chân bám đất đến sần chai, ứa máu, mắt đăm đăm trong đêm, nhìn ánh lân tinh trên vai đồng đội mình lập lòe như ma trơi phía trước mà dấn bước”.

Với tinh thần không sợ kẻ địch mạnh, không ngại khó khăn gian khổ, không tiếc xương máu, đội quân đó đã chiến đấu anh dũng, được nhân dân khu Thập Vạn Đại Sơn khen tặng: “Giải phóng quân Việt Nam, áo màu nâu, mũ mõm trâu, đánh phi thường ác liệt...”. Đặc biệt là tình người, tình đồng chí, đồng đội, tinh thần nhân văn, tính trong sáng vô tư giúp đỡ lẫn nhau của hai đội quân cách mạng Việt Nam và Trung Quốc đã được ngòi bút Phạm Vân Anh phản ánh chân thực và sinh động tới tầng bản chất. Đó là những Biên Cương, Trần Bình, Long Xuyên, Lê Ban, Văn Giang, Văn Hai, Lê Giang... của quân đội Việt Nam, là Đường Minh, Liêu Ninh, Thông Pháy, Sần Dừn, Voòng Tắc Lềnh... của quân đội Trung Quốc.

Tình nghĩa giữa họ là quyết định “chết thay” cho một bộ đội Việt Nam (Lý Ban) đang bị thương của đồng chí Sầm Dừn, lấy thân mình làm mục tiêu hút những làn đạn của quân thù để bộ đội Việt Nam an toàn; là sự sẻ chia từng nắm cơm, đôi giày rơm, viên thuốc, tấm khăn quàng... Ngày chiến thắng chia tay, bộ đội Việt Nam vẫn mặc áo cũ, Chính trị viên Long Xuyên đã giải thích với Khu ủy viên Thông Pháy của bạn: “Không hẳn là chiếc áo quê hương... Trên áo còn có những mũi khâu, mụn vá của nhân dân biên khu Việt Quế. Còn máu của đồng đội, của giải phóng quân Trung Quốc vẫn bám trên sợi vải...”. Đó là biểu tượng liên văn hóa về tình hữu nghị anh em đích thực, trọn vẹn!

Khép lại về bố cục là hình ảnh chiến sĩ quân đội hai nước hội ngộ sau 60 năm, cùng đồng thời mở ra một tương lai, hi vọng thật đẹp về tình đoàn kết, hữu nghị sẽ mãi mãi bền chặt, vững vàng như dãy Thập Vạn Đại Sơn trùng điệp: “Sương tụ thành mây, bay ngang lưng núi như những dải lụa mềm. Mặt trời lên rạng rỡ như tô điểm thêm cảnh sắc biên cương ngời sức sống. Những chiến sĩ biên phòng hai nước đứng nghiêm trang chào những người cựu chiến binh năm xưa đã hi sinh xương máu, tuổi trẻ vì một miền biên khu hòa bình, no ấm. Đoàn xe từ từ lăn bánh hướng về biên khu xưa, mang theo tiếng hát của những người lính già hai dân tộc: “Hoa Nam nơi đây chúng ta. Mối tình quốc tế chan hòa. Việt Nam - Trung Hoa thiết tha xây đẹp hai miền biên giới...”.

Nhà văn Phùng Hiệu

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bien-khu-viet-que-bai-ca-dep-ve-nghia-tinh-bien-gioi-viet-nam-trung-hoa-post470573.html