Biên giới Ia Tơi vun đắp niềm tin đi tới

Khi mặt trời vừa ló dạng, trên vùng cao Ia Tơi, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum bừng lên sinh khí của một ngày mới. Trên các ngả đường, người buôn bán, người vào nương rẫy, học sinh nô nức đến trường nhộn nhịp, huyên náo. Ngày mới ở Ia Tơi bây giờ là thế, không còn cảnh hoang sơ, đìu hiu một thuở.

Làng chài Ia Tơi- nơi nuôi trồng cá và điểm du lịch của huyện Ia H'Drai. (Nguồn: Trung tâm thông tin điện tử huyện Ia H’Drai)

Thời gian khó chưa xa

“Từ chỗ phải tha phương để mưu sinh, kiếm sống thì nay ngay trên chính mảnh đất xưa, người dân đã có thu nhập ổn định, nhiều hộ khá giả”. Tâm sự trải lòng bên ly cà phê sáng đầu năm Giáp Thìn của Bí thư Đảng ủy xã Ia Tơi Lê Văn Trung làm khách xa mới đến không khỏi ngỡ ngàng...

Xã Ia Tơi thành lập cuối năm 2013 với hầu hết là người dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp. Xã có khoảng 9,5 km đường biên giới giáp với Campuchia. Một thời chưa xa, khi nhắc đến đất này, người ta nghĩ ngay đến sự nghèo khó; người dân quanh năm phải oằn mình lo miếng cơm manh áo mà nghèo đói đeo bám mãi; cứ quanh quẩn rẫy nương mùa nối mùa đắp đổi mưu sinh mà cái nghèo đằng đẵng không dứt ra được.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lò Thị Sai tâm sự, hẳn muôn người trên đất khó Ia Tơi còn hằn trong ký ức những năm tháng sinh tồn lo miếng ăn qua ngày, còn rùng mình nhớ lúc vượt núi khe ngược xuôi kiếm kế sinh nhai và cả những tháng ngày chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, nắng rát, mưa dầm…

Bắt nhịp cùng dòng chảy đổi mới, nhất là sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ III, đội ngũ lãnh đạo vùng đất biên giới này đã lo trước nghĩ sau, bám sát chỉ đạo của huyện, tỉnh, vận dụng thực tiễn tìm đường hướng, cách làm với quyết tâm, vượt lên khó khăn để dựng xây, kiến thiết quê hương.

Thành quả từ tâm huyết, đồng lòng dốc sức

Những ai đã đến Ia Tơi vài năm trước đây, nay có dịp trở lại đều dễ dàng nhận thấy sự đổi thay nhanh chóng, toàn diện nơi vùng đất khắc nghiệt về khí hậu nằm phía Tây Nam tỉnh Kon Tum. Ấn tượng nhất là kinh tế tăng trưởng, hạ tầng kết nối, nông thôn khởi sắc. Đảng bộ và hệ thống chính trị biết kiến tạo, linh hoạt, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển; khơi thông, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, nút thắt, đi lên trong tâm thế vững vàng, tự tin.

Bí thư Đảng ủy xã Ia Tơi Lê Văn Trung vốn trầm tĩnh, kiệm lời nhưng khi được gợi mở về bước đi, cách làm của địa phương đã hào hứng, sôi nổi hẳn. Anh khẳng định: “Dù còn những lực cản nhất định trên bước đường đi tới nhưng Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc Ia Tơi không cam chịu nghèo khó, chủ động, sáng tạo, cố kết cộng đồng, đoàn kết để gặp chướng ngại biết cách vượt qua, gặp hoạn nạn thì cùng sẻ chia, đùm bọc”. Bởi thế, từ trong gian khó, những người Tày, người Thái, người Nùng, người Kinh… từ muôn phương về lập nghiệp bên dòng Sê San nắm chặt tay, xốc lại đội ngũ, cùng nhìn về một hướng, xây đời sống mới.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ia Tơi cho thấy tinh thần, khả năng chủ động, tích cực, quyết liệt, dám đột phá, dám làm, gặt hái những giá trị tích cực, thực chất, tiến những bước vững chắc trên chặng đường phát triển, hội nhập. Những thành tựu đạt được thời gian qua có dấu ấn đậm nét về vai trò của Ban chấp hành Đảng bộ, lãnh đạo chủ chốt trong đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn từ chủ trương tới hành động, vun đắp và nuôi dưỡng tâm huyết, khát vọng vươn lên như chưa bao giờ vơi cạn.

Lãnh đạo xã Ia Tơi luôn quan tâm chăm lo cuộc sống người dân. (Ảnh. N.C)

Theo Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Văn Bình, kinh tế của xã duy trì tốc độ tăng trưởng khá, nhất là xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Đến cuối năm 2023, đạt 16/19 tiêu chí, thêm Thôn 9 đạt chuẩn thôn nông thôn mới trước kế hoạch, thôn Ia Dơr đạt thêm hai tiêu chí. Tỷ lệ giảm nghèo vượt chỉ tiêu với 12,7 %, giảm 15,48 % so với năm 2022; hộ cận nghèo còn 10,79 %, giảm 10,35 % so với năm 2022. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao giành nhiều thành tựu, bảo đảm tốt nhu cầu của Nhân dân.

Về Ia Tơi hôm nay, từ thôn 1, 7, 8, 9 đến Ia Dơr, từ những bản làng tới những khu tái định cư đều trải dài một màu xanh của cao su, cà phê, cây trái bạt ngàn, xanh thẳm; ở đâu cũng có thể nhận ra vùng đất đang vươn mình trỗi dậy, đầy triển vọng. Những thành quả đó được dựng xây bằng bàn tay, khối óc, bằng tâm huyết, vươn tới không ngừng.

Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng, Ia Tơi huy động mọi nguồn lực phát triển 10.700 ha cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, cây ăn quả; 423 ha lúa, mì, bí, bắp và trên 15.000 con gia súc, gia cầm; tạo dựng được nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân như chăn nuôi bò, dê, heo rừng lai, cá lồng trên lòng hồ Sê San. Đồng thời tập trung phát triển các mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác và hợp tác xã với một nhà máy chế biến tinh bột sắn, hai hợp tác xã và trên 70 hộ sản xuất, kinh doanh buôn bán, dịch vụ đang hoạt động hiệu quả. Nếu năm 2015, thu nhập bình quân mới đạt 11,2 triệu đồng/người/năm thì đến nay, bình quân thu nhập đã tăng lên 42,5 triệu đồng vào cuối năm 2023.

Chúng tôi đến thăm 32 hộ dân sống quanh lòng hồ Sê San là người từ An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang… đến làm nghề chài lưới dưới lòng hồ. Ông Nguyễn Văn Triều vừa kéo cá vừa xúc động: “Ngót nghét cả thập kỷ sống trôi dạt, lênh đênh trên mặt nước, những tưởng rằng sẽ không bao giờ có được một ngôi nhà trên đất liền. Nhưng đời người làng chài đã “sang trang” kể từ cuối năm 2019, khi chính quyền chấp thuận cho các hộ dân nhập khẩu, cấp cho mỗi hộ 400 m2 đất và 50 triệu đồng để làm nhà. Bao nhiêu năm trôi nổi, lênh đênh, trên trăm con người chẳng thể ngờ rằng, hôm nay họ được đặt chân lên đất liền định cư, xây đời mới”, giọng ông nghẹn lại.

Chăm lo gia đình chính sách góp phần xây dựng và bảo vệ biên giới. (Ảnh. N.C)

Trả lời câu hỏi: Vì sao Ia Tơi có chuyển tích cực, đúng hướng, Bí thư Trung tâm đắc: “Đoàn kết thực chất là yếu tố hàng đầu; kế đến là dân chủ được thực hiện đầy đủ ở cơ sở, sau đó là mọi chủ trương, đường hướng, mục tiêu phát triển đều phải được bắt nguồn từ thực tiễn, tất cả vì cuộc sống của người dân”.

Có thể nhìn rõ lộ trình đổi mới phương thức lãnh đạo ở Ia Tơi, Đảng ủy phân công cán bộ bám chi bộ thôn, làng sinh hoạt, cùng bàn, tháo gỡ những vướng khó của người dân, tìm hiểu thực tiễn, gặp gỡ, đối thoại với dân để xử lý công việc tại chỗ với phương châm “Nói cho dân tin, làm cho dân theo, không để dân chờ, dân đợi”. Gần dân, sâu sát thực tiễn nên hiệu quả công việc thấy rõ, nhất là niềm tin, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được khơi dậy với tinh thần mọi chủ trương phải bắt nguồn từ cuộc sống.

“Ia Tơi tiếp tục chủ động biến tiềm năng thành nguồn lực, hóa giải các nguy cơ, năng động, tự lực, tự cường”, Bí thư Trung khẳng định. Điều đó cho thấy hiện rõ bước đi, cách làm với tầm nhìn của đội ngũ cán bộ đã mang lại bước tiến vững chắc trên vùng đất biên cương. Với tư duy phát triển dài hạn, có lộ trình và đội ngũ lãnh đạo tâm huyết, dám làm vì dân, chắc chắn Ia Tơi sẽ sớm giành những kỳ vọng đặt ra như mong đợi.

Nguyễn Văn Chiến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bien-gioi-ia-toi-vun-dap-niem-tin-di-toi-268170.html