Biển Đông sẽ phủ bóng đối thoại Indonesia - Trung Quốc

Giới phân tích nhận định việc thiết lập đối thoại cấp cao Indonesia - Trung Quốc sẽ đưa hai nước lại gần nhau hơn nhưng Biển Đông sẽ vẫn là một trở ngại trong quan hệ song phương.

Theo tờ South China Morning Post ngày 11-6, giới phân tích chính sách đối ngoại nhận định việc thiết lập đối thoại cấp cao giữa Indonesia và Trung Quốc sẽ đưa hai nước xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, Biển Đông sẽ vẫn là một trở ngại trong mối quan hệ song phương.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia Luhut Pandjaitan hồi tuần trước đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) để tạo ra "một nền tảng cho đối thoại chặt chẽ hơn" giữa các chính phủ.

Lực lượng an ninh Indonesia giám sát tàu Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế. Ảnh: INDONESIAN MARITIME SECURITY AGENCY

Lực lượng an ninh Indonesia giám sát tàu Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế. Ảnh: INDONESIAN MARITIME SECURITY AGENCY

Diễn biến này ngay lập tức được Bộ Ngoại giao Trung Quốc khen ngợi là một "sự kiện trọng đại" trong quan hệ song phương. Trung Quốc gọi động thái này là "một biện pháp quan trọng để thực hiện sự đồng thuận của các nguyên thủ quốc gia".

Đối thoại nhằm thúc đẩy hợp tác trên 5 điểm: vaccine COVID-19 và chăm sóc sức khỏe; các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường; các vấn đề hàng hải; giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân; và "xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung".

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng đã đẩy Indonesia lại gần Trung Quốc hơn khi Trung Quốc là nguồn cung vaccine chính của quốc đảo. Hiện Indonesia đã nhận được tổng cộng 92.000 liều vaccine từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Ple Priatna, một cựu quan chức ngoại giao Indonesia cảnh báo mối quan hệ này có thể bị thay đổi bất kỳ lúc nào, do tâm lý bài Trung Quốc cũng như vấn đề Biển Đông.

Trong khi đó, dù hoan nghênh đối thoại, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói Biển Đông sẽ là "phép thử" cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Bà kêu gọi tổ chức thêm các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về bộ quy tắc ứng xử cho các hành động trên biển và khẳng định Indonesia đã sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán về bộ quy tắc tại Jakarta "trong tương lai gần".

Indonesia khẳng định rằng nước này không phải là một bên tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp lãnh thổ Biển Đông. Tuy nhiên, một phần vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna nằm trong đường chín đoạn (do Trung Quốc vẽ ra nhằm tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông).

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/bien-dong-se-phu-bong-doi-thoai-indonesia-trung-quoc-992029.html