Biến đổi khí hậu phủ bóng đen lên Bhutan

Hiện tượng băng tan có thể dẫn đến thảm kịch lũ lụt đang đe dọa cuộc sống của người dân vùng hạ lưu ở Bhutan.

Tại thị trấn Laya, khu định cư cao nhất ở vương quốc Bhutan, 10 cư dân đã thiệt mạng trong một trận lở đất khi đang thu hái đông trùng hạ thảo.

Trời đã mưa liên tục trong ba ngày trước khi vụ việc thương tâm xảy ra. Vào tháng 6, lượng mưa trung bình của thị trấn Laya là 23 mm, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, theo dữ liệu của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (NCHM) thu thập ở Thimphu.

Lhakpa Tshering, người đứng đầu tộc người Layap bản địa, cho biết lượng mưa lớn như thế không có gì bất thường. Tuy nhiên, các chuyên gia của Ủy ban Môi trường Quốc gia (NEC) tại Bhutan tin rằng lượng mưa lớn tại Laya là dấu hiệu của hiện tượng thời tiết cực đoan, hậu quả trực tiếp từ biến đổi khí hậu.

"Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có thể nhận thấy ở vùng núi cao trên dãy Himalaya, Tshering Tashi, trưởng bộ phận khí hậu của NEC, nói với Asia Nikkei.

Mối nguy rình rập

Thorthormi, hồ băng nguy hiểm nhất ở Bhutan. Ảnh: thethirdpole.

Nhiệt độ tăng và lượng mưa lớn có thể làm vỡ hồ băng, dẫn đến lũ lụt gây hậu quả thảm khốc ở hạ lưu vương quốc Bhutan. Trong 17 hồ băng ở Bhutan được xác định có khả năng nguy hiểm, hồ Raphstreng và Thorthormi nằm ở độ cao 4.400 m, thượng nguồn của sông Phochhu chảy qua khu vực phía tây Bhutan là mối đe dọa lớn nhất.

Hồ băng Raphstreng có chiều dài 1 km và sâu 110 m. Hiện nay, một lớp băng tích mỏng ngăn cách Raphstreng với hồ Thorthormi. Các chuyên gia lo ngại lớp băng tích này có nguy cơ bị phá vỡ dưới áp lực ngày càng tăng do băng tan ở Thorthormi, hồ băng nguy hiểm nhất ở Bhutan.

Nếu điều này xảy ra sẽ giải phóng 53 triệu m3 nước xuống hạ lưu Bhutan, nhấn chìm 117 tòa nhà, 16 di tích lịch sử và các cơ sở hạ tầng khác. Bên cạnh đó, trận lũ băng khiến những thung lũng màu mỡ như Punakha hay Wangdue chìm trong biển nước, tàn phá 3 dự án thủy điện và hủy hoại môi trường sinh sống của diệc bụng trắng và cá Mahsheer, những loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Lũ băng vẫn là nỗi ám ảnh của người dân Bhutan. Năm 1994, trận lũ băng ở Punakha làm 20 người thiệt mạng, ảnh hưởng đến cuộc sống của 91 hộ gia đình ở Lulana và cuốn trôi hàng nghìn con cá, bò Tây Tạng... Thảm kịch này xảy ra khi hồ Luggyetsho, liền kề với Thorthormi, vỡ đập moraine khiến 18 triệu m3 nước đổ xuống sườn núi theo dòng chảy của sông Phochhu.

Những trận lũ băng có thể khiến loài diệc bụng trắng tuyệt chủng. Ảnh: eBird.

Giải pháp

Từ năm 1994, vương quốc Bhutan đã thực hiện một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác động gây ra bởi các hồ băng. Cửa xả tự nhiên của hồ Raphstreng được mở rộng và đào sâu hơn trong giai đoạn 1996-1998.

Một thập kỷ sau, Bhutan tiến hành dự án quan trọng nhất để hạ thấp mực nước hồ băng Thorthormi và mở rộng cửa xả tự nhiên. Dự án trị giá 4,7 triệu USD kéo dài trong 4 năm đã giải phóng 17 triệu m3 nước, lượng nước gần bằng trận lũ năm 1994. Ngoài ra, dự án cũng làm giảm xói mòn băng hà tại hồ Thorthormi.

Karma Toep, chuyên gia của NCHM, cho rằng biến đổi khí hậu khiến các sông băng đang tan chảy nhanh chóng. "Năm 2002, tôi có thể đi bộ trên mặt hồ Thorthormi. Hiện nay tôi không thể làm thế vì băng đã tan nhiều, tạo thành các hòn đảo trên hồ", Karma tiết lộ với Asia Nikkei.

Bhutan đang tiến hành nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn rủi ro từ lũ băng. Ảnh: polityka.

Tuy vậy, còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến sự tan chảy của băng trong các hồ ở Bhutan. Vì thế, trọng tâm của NCHM chuyển từ giảm thiểu rủi ro sang tăng cường hệ thống cảnh báo. Theo đó, các thiết bị dự báo lũ lụt sẽ được lắp đặt tại nhiều hồ băng để các chuyên gia có thể nắm bắt bất cứ dấu hiệu khác thường như động đất, tuyết lở... NHCM cũng đề xuất tiến hành khảo sát bề mặt đập moraine ở các hồ vì một lõi băng khổng lồ có thể làm vỡ đập nếu băng tan chảy.

Bên cạnh đó, chính phủ Bhutan đã thiết lập hệ thống theo dõi mực nước trong các hồ băng và sông băng. Cơ quan quản lý thiên tai của Bhutan chuẩn bị tiến hành phân vùng nguy cơ tại khu vực dọc theo bờ sông Punatshangchu.

Karma Toep cho rằng những chính sách và hành động trước đây của chính phủ Bhutan và NCHM chỉ hướng đến hạn chế nguy cơ xảy ra lũ lụt, nhưng không làm giảm rủi ro do thiên tai gây ra.

"Bất chấp những nỗ lực của chúng tôi, Bhutan vẫn dễ tổn thuơng và lũ lụt thảm khốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại vương quốc này", Karma nói với Asia Nikkei.

Hiểu Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bien-doi-khi-hau-phu-bong-den-len-bhutan-post1259781.html