Biến đền Ngọc Sơn thành sân khấu thực cảnh

Tối 31/1, chương trình trải nghiệm đặc biệt 'Ngọc Sơn đêm huyền bí' kết hợp giữa sân khấu thực cảnh, mỹ thuật sắp đặt và các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, công nghệ trình chiếu ra mắt khán giả tại khu Di tích cấp Quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn.

Chương trình thực cảnh được xây dựng trên dữ liệu lịch sử có thật và các huyền thoại đã lưu truyền, tiếp nối qua hàng thế kỷ tại đền Ngọc Sơn. Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội, đơn vị chủ trì xây dựng và giới thiệu chương trình rất kỳ công tạo dựng nên một không gian độc đáo có một không hai để phục vụ khán giả cùng du khách trong nước và quốc tế. Một đội ngũ chuyên gia và nghệ sĩ có uy tín đã tham gia sáng tạo và dàn dựng chương trình, dưới sự tư vấn và chỉ đạo của GS. Lê Văn Lan, TS. Nguyễn Doãn Văn, đạo diễn Lê Quý Dương và NSƯT Đặng Tố Như...

Chương trình trải nghiệm đặc biệt 'Ngọc Sơn đêm huyền bí' kết hợp giữa sân khấu thực cảnh, mỹ thuật sắp đặt và các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng.

Tác giả kịch bản - đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: "Ngoài giá trị của một danh thắng độc đáo, đền Ngọc Sơn còn là di tích đặc biệt có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật và tâm linh, tạo nên nguồn cảm hứng, năng lượng vô tận cho Hà Nội và cả nước. Tôi rất vinh dự và may mắn khi được mời viết kịch bản và dàn dựng chương trình ý nghĩa này. Tôi và NSƯT Đặng Tố Như cùng nhau đạo diễn và thiết kế âm nhạc, tạo nên một hành trình thú vị, từng bước dẫn dắt khán giả, du khách khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp tiềm ẩn, huyền bí lắng sâu trong nét cổ kính của đền Ngọc Sơn".

Đến với Ngọc Sơn đêm huyền bí khán giả và du khách được sống trong không gian tôn nghiêm của Tháp Bút, nơi đạo học và các giá trị nhân văn được tôn vinh.

Qua màn sương khói huyền ảo của cổng Đài Nghiên, khán giả và du khách được chiêm ngưỡng toàn cảnh đền Ngọc Sơn với cây cầu Thê Húc. Ca khúc Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đưa khách tham dự vào dòng cảm xúc lâng lâng, da diết, sục sôi và hào hùng gắn với những hồi ức không thể nào quên về Hà Nội.

Biểu diễn múa nghệ thuật trên cầu Thê Húc.

Cầu Thê Húc dẫn bước du khách đến với Đắc Nguyệt lâu (lầu được trăng). Ánh trăng vàng rực rỡ hiện lên qua nghệ thuật trình chiếu, trong tiếng ca trù văng vẳng kể câu chuyện sự tích Hồ Gươm qua tiếng hát của NSND Quách Thị Hồ.

Qua Đắc Nguyệt lâu tới đình Trấn Ba, một bệ ngai vàng tôn nghiêm được đặt ngay chính giữa với tất cả lòng tôn kính của hậu thế hướng tới anh linh của vua Lê Thái Tổ, người có công lao to lớn chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập và chủ quyền cho đất nước.

Từ sân đình Trấn Ba hướng ra mặt hồ Hoàn Kiếm, huyền tích vua Lê trả gươm rùa thần được dàn dựng thành một màn sân khấu thực cảnh công phụ và độc đáo với thuyền rồng cùng biểu tượng rùa thần nổi lên mặt hồ nhận lại thanh gươm báu.

Từ mái đền chính, công nghệ trình chiếu đã tạo nên màn múa rồng sống động chào đón đại biểu và du khách bốn phương trên nền nhạc Tứ Quý vui tưng bừng.

Trình chiếu ánh sáng 3D mapping tại Tháp Bút.

Từ cảm xúc tôn kính, trang nghiêm, tới lâng lâng xúc động, ngạc nhiên ngỡ ngàng, các nghệ sĩ dàn dựng mong muốn dẫn dắt du khách chạm tới cảm xúc huyền bí nhất của đêm trải nghiệm khi hướng người tham dự đến với phòng rùa, nơi trưng bày hai tiêu bản cụ rùa lớn có thật tại hồ Hoàn Kiếm.

Dự kiến, sau khi ra mắt, chương trình trải nghiệm Ngọc Sơn huyền bí sẽ được đưa vào trình diễn phục vụ khách du lịch vào các buổi tối trong tuần.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bien-den-ngoc-son-thanh-san-khau-thuc-canh-2245827.html