Biến Công ước thành hành động cụ thể

Cuốn sổ tay dành cho nghị sĩ về Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) nhằm giúp các nghị sĩ biến Công ước thành hành động cụ thể của nghị viện thông qua việc xây dựng luật, phân bổ ngân sách và hoạt động giám sát nghị viện đối với các hành động của chính phủ. 'Cẩm nang' này cũng chỉ ra những việc làm cụ thể mà mỗi nghị sĩ có thể đi đầu trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ.

Tiếp tục cảnh báo về nạn phân biệt đối xử với phụ nữ

Cuốn sổ tay phiên bản 2023 cho biết, bất chấp những nỗ lực trong suốt 40 năm qua kể từ khi ban hành Công ước và 20 năm ban hành cuốn sổ tay của nghị sĩ, tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ vẫn là một vấn đề đáng lo ngại trên toàn thế giới.

Dữ liệu của IPU cho thấy tỷ lệ tham gia của phụ nữ trong nghị viện, mặc dù đã tăng ổn định trong vài năm qua, nhưng vẫn trì trệ ở mức khoảng 26%.

Tỷ lệ phụ nữ trong nghị viện ngày càng được cải thiện. Nguồn: World Bank

Theo Ngân hàng Thế giới, đàn ông được bảo vệ về mặt pháp lý tốt hơn phụ nữ. Phụ nữ và trẻ em gái chỉ được hưởng 77% các quyền hợp pháp của nam giới và trẻ em trai.

Còn Diễn đàn Kinh tế Thế giới tính toán rằng, phụ nữ trên toàn cầu kiếm được ít hơn khoảng 37% so với nam giới ở các vai trò tương tự và tiến trình thu hẹp khoảng cách về lương theo giới là cực kỳ chậm. Diễn đàn dự đoán việc đạt được sự bình đẳng trong đời sống kinh tế có thể mất tới 286 năm.

Cứ ba phụ nữ thì có một người phải đối mặt với bạo lực gia đình hoặc lạm dụng tình dục. Một phần tư nói rằng mối đe dọa ở quê nhà đã trở nên tồi tệ hơn kể từ đại dịch.

Chỉ hơn 26% thành viên nghị viện trên toàn thế giới là phụ nữ. Ở châu Mỹ, khoảng 35% nghị sĩ là phụ nữ, nhưng ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, con số này chỉ là 16%.

Cuốn sổ tay phiên bản 2023 cho rằng, mọi nghị sĩ nên quan tâm đến những số liệu thống kê này và cách chúng phản ánh sự thất bại trong việc bảo vệ hơn một nửa cử tri của mình. Tuy nhiên, nếu cần xét đến trường hợp kinh tế, ước tính đến năm 2030, GDP toàn cầu có thể tăng thêm 764 USD bình quân đầu người nếu xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong các thể chế xã hội.

Cuốn sổ tay cảnh báo tương tự như vậy, khi nói đến bạo lực đối với phụ nữ, việc không hành động sẽ phải trả giá đắt. Năm 2016, bạo lực đối với phụ nữ khiến GDP toàn cầu thiệt hại khoảng 2% - tương đương với quy mô nền kinh tế Canada.

Ngoài ra, bình đẳng giới có thể mang lại xã hội công bằng, thân thiện với môi trường và hòa bình hơn. Các chính phủ có bình đẳng giới được cho là làm tốt hơn trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, hành động vì khí hậu và hòa bình .

Các nghị viện có thể làm gì?

Cuốn sổ tay này trình bày cách các nghị viện có thể sử dụng Công ước CEDAW như một khuôn khổ để thúc đẩy bình đẳng giới và nhân quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Đầu tiên, cuốn sổ tay giới thiệu với các nghị sĩ về nội dung của Công ước và công việc của Ủy ban CEDAW, một cơ quan của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện và tiến độ thực hiện Công ước dựa trên báo cáo của các quốc gia đã phê chuẩn.

Cuốn sổ tay tập trung vào các chủ đề cụ thể mà Công ước đưa ra, bao gồm những thách thức đối với tiến trình hiện thực hóa bình đẳng giới phát sinh từ xung đột vũ trang, bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu và khủng hoảng sức khỏe. Ví dụ, tình trạng vi phạm quyền của phụ nữ và trẻ em gái thường nghiêm trọng hơn trong các tình huống xung đột, đặc biệt là bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ.

Trong những tình huống này, cuốn sổ tay nêu chi tiết những hành động mà nghị viện các quốc gia thành viên có thể thực hiện để giải quyết. Chẳng hạn, cuốn sổ tay khuyến nghị rằng các nghị viện nên luật hóa tất cả hành vi bạo lực đối với phụ nữ bất kể đối tượng là nhà nước hoặc phi nhà nước, để bảo đảm việc hình sự hóa, điều tra, truy tố và trừng phạt thủ phạm.

Bên cạnh đó, cuốn sổ tay phiên bản mới chứa đựng rất nhiều nghiên cứu điển hình về cách các nghị viện thúc đẩy thực hiện CEDAW. Ví dụ, ở Mexico, các nghị sĩ trên cơ sở các hướng dẫn của CEDAW đã thông qua Luật về quyền tiếp cận cuộc sống không bạo lực của phụ nữ vào năm 2007, và sau đó ban hành ngân sách công nhạy cảm về giới vào năm 2008. Ngân sách cụ thể này, tập trung vào việc ngăn chặn, xử phạt và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ, được nêu trong một phụ lục riêng của ngân sách công liên bang.

Quy định về hạn ngạch số ghế dành cho phụ nữ tại cơ quan lập pháp là yếu tố quyết định trong việc tăng tỷ lệ đại diện của phụ nữ. Trên cơ sở Sổ tay hướng dẫn nghị sĩ của IPU, cơ quan lập pháp nhiều nước đã sửa đổi luật bầu cử hoặc hiến pháp để nâng hạn ngạch đối với phụ nữ. Việc các nghị viện có quy định về hạn ngạch đã giúp mang lại tỷ lệ đại diện của phụ nữ cao hơn đáng kể so với những nghị viện không áp dụng hạn ngạch trong cuộc bầu cử năm 2022 (30,9% so với 21,2%).

Mexico đưa ra hạn ngạch cho các ứng cử viên nữ vào năm 2003. Mục tiêu hạn ngạch đặt ra trong luật ban đầu là 30%, tăng lên 40% vào năm 2009 trước khi chuyển sang bình đẳng giới hoàn toàn vào năm 2014 là 50%. Để bảo đảm nội dung này không chỉ là “một quy định chỉ nằm trên giấy”, Viện Bầu cử quốc gia Mexico đã thiết lập các quy tắc để bảo đảm sự bình đẳng trong tài trợ cho chiến dịch tranh cử; thiết lập đường dây nóng hỗ trợ dành cho các ứng cử viên nữ và có một chương trình giám sát các phương tiện truyền thông nếu có bất kỳ hành động nào cho thấy họ đưa tin thiên vị giới tính.

Năm 2008, Rwanda trở thành nước đầu tiên trên thế giới có một quốc hội do dân bầu mà số thành viên nữ chiếm đa số cũng nhờ áp dụng hạn ngạch đối với số ghế của nữ nghị sĩ từ năm 2003 cùng những quy định khác về tỷ lệ ghế của phụ nữ trong mọi cơ quan ra quyết định.

Maldives cũng được coi là một hình mẫu trong việc phối hợp giữa hoạt động của nghị viện với CEDAW. Cam kết tham gia Công ước CEDAW đòi hỏi phải có đối thoại với Ủy ban, nơi đưa ra hướng dẫn thực hiện cũng như hệ thống giải trình trách nhiệm. Việc các nghị sĩ trực tiếp tham gia vào quá trình báo cáo sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Vào tháng 11.2021, Maldives đã cử một phái đoàn Nhà nước tham gia cuộc họp với Ủy ban CEDAW của Liên Hợp Quốc, bao gồm Chủ nhiệm Ủy ban Nhân quyền và Giới tính (HRGC) của Quốc hội Maldives lần đầu tiên tham dự buổi đánh giá của cơ quan hiệp ước.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/bien-cong-uoc-thanh-hanh-dong-cu-the-i347135/