Bia miệng trên mạng

Bia miệng trên nền tảng số là thứ bia miệng còn tồn tại lâu dài cùng thời gian, gây ra những hậu quả khủng khiếp.

Miệt thị người khác bằng ngôn ngữ là điều không xa lạ với mọi người, được ghi nhận từ muôn thuở trong cuộc sống hằng ngày ở khắp mọi nơi. Nếu sự việc diễn ra ở nơi khép kín, như nhà riêng và chỉ có hai bên với nhau, thì tổn thương ít vì không có người thứ ba biết.

Nhưng nếu sự việc diễn ra công khai, được nhiều người mắt thấy hoặc tai nghe hoặc cả hai thì chắc chắn diện mạo xã hội của người bị xúc phạm sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, càng nhiều người biết thì ảnh hưởng tiêu cực càng nghiêm trọng.

Bởi vậy, luật pháp đặt ra những chế tài tương thích với thiệt hại mà hành vi miệt thị gây ra cho nạn nhân. Nếu thiệt hại nhẹ thì tùy theo mong muốn của bên bị thiệt hại mà nhà chức trách có biện pháp can thiệp: bên bị thiệt hại kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thì tòa thụ lý và xét xử, buộc xin lỗi, bồi thường thiệt hại tinh thần; còn nếu bên bị thiệt hại không kiện thì thôi.

Nhưng nếu thiệt hại nặng thì ngay cả trong trường hợp bên bị thiệt hại không lên tiếng yêu cầu bảo vệ, nhà chức trách cũng có thể chủ động triển khai chế tài xử phạt đối với bên kia, thậm chí bằng biện pháp hình sự.

Lý do là trong trường hợp này, không chỉ bên bị thiệt hại, gọi là bên bị lăng nhục, gánh chịu hậu quả vật chất và tinh thần của hành vi miệt thị, mà xã hội cũng cảm thấy hoang mang trước thái độ sống coi thường người khác, coi thường dư luận.

Thời gian qua, đã có rất nhiều trường hợp bị xử phạt vì bia miệng trên mạng xã hội. Điển hình như ở Hải Dương, đầu năm nay, anh Đ.V.K. ở thôn Quảng Bình, xã Đồng Cẩm (Kim Thành) bị xử phạt 5 triệu đồng vì hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tổ chức. Anh K. đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng bài viết có nội dung sai sự thật. Sau khi đăng bài viết, một số tài khoản khác đã vào tương tác, bình luận, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của Công an xã Đồng Cẩm và tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Hay trước đó, Công an tỉnh cũng quyết định xử phạt anh Ph. Đ. Kh. (sinh năm 1994, ở TP Hải Dương) 5 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm cơ quan tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Độ lan rộng của thông tin chuyển tải trên mạng xã hội rất lớn. Đặc biệt, người có tài khoản mạng xã hội càng nổi tiếng, càng được nhiều người theo dõi, thì có lời nói càng vang xa, rộng và tất nhiên là rất nhanh.

Mặt khác thông tin đưa lên mạng xã hội có khả năng lưu giữ dài lâu trên nền tảng số: hàng chục, hàng trăm năm sau, thông tin vẫn nguyên vẹn.

Tất cả những đặc điểm đó của mạng xã hội có thể tạo điều kiện cho kênh thông tin này trở thành phương tiện không thể hiệu quả hơn đối với người muốn làm cho người khác thật đau đớn bằng những lời miệt thị cay độc để đời. Bia miệng trên nền tảng số là thứ bia miệng vượt trội, thách thức không gian và thời gian.

Những người có trách nhiệm phải lưu ý điều này. Nhà nước cần rà soát các quy định hiện hành về kiểm soát hành vi ứng xử trong không gian mạng và hoàn thiện khung pháp lý chi phối sinh hoạt, giao tiếp của con người trong không gian đặc biệt này. Nói riêng về việc lợi dụng sức lan tỏa thông tin của mạng xã hội để miệt thị nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, cần đặt ra chế tài tương ứng với mức độ nghiêm trọng của việc lan truyền thông tin.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN (TP Hải Dương)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/bia-mieng-tren-mang-237674