Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Tập trung '5 chống', '5 duy trì' và 4 'yêu cầu'

Sau 1 buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hội nghị lần thứ 15 (mở rộng) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Các đại biểu nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tập trung phân tích, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Nhiều kết quả nổi bật

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I-2024 do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn trình bày. Theo đó, trong quý I-2024, được sự quan tâm của Trung ương, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát, đồng hành của HĐND tỉnh, điều hành của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng, sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã cơ bản thực hiện tốt các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) quý I năm 2024 đạt 2,58%; trong đó nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,15%; công nghiệp và xây dựng tăng 1,83%, dịch vụ tăng 2,58%. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 8.093 tỷ đồng (đạt 23,12% kế hoạch, tăng 9,8% so với cùng kỳ). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 35.384 tỷ đồng (đạt 28,77% nghị quyết và tăng 23,31% so với cùng kỳ). Công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại được triển khai tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính chung quý I tăng 3,59% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 306 triệu USD, đạt 40,8% nghị quyết, tăng 16,35% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 27 triệu USD, đạt 23,48% nghị quyết, giảm 42,55% so với cùng kỳ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 80.369 ha cây trồng các loại (đạt 101,1% kế hoạch, tăng 1,7% so với cùng kỳ). Công tác phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được quan tâm thường xuyên; chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh theo hướng trang trại. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng-chống cháy rừng vào mùa khô được chú trọng; triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2024, trong đó diện tích trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán do các địa phương, đơn vị chủ rừng đăng ký triển khai thực hiện năm 2024 là 4.696,9 ha; diện tích trồng rừng từ nguồn vốn kêu gọi đầu tư của các Dự án trồng rừng sản xuất của 8 huyện là 5.616,1 ha.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chỉ đạo thực hiện theo đúng kế hoạch. Toàn tỉnh có 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 3/17 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 141 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 116 thôn, làng vùng dân tộc thiểu số); đang tổ chức thẩm định 5 xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023; triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024: Phấn đấu thêm 7 xã nông thôn mới, 4 xã nông thôn mới nâng cao.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.138 tỷ đồng (đạt 11,17% nghị quyết, tăng 3,72% so với cùng kỳ). Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 3.833,8 tỷ đồng; tính đến ngày 26-3-2024 đã giải ngân 196,9 tỷ đồng, đạt 5,1% kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 1.953 tỷ đồng, đạt 33,6% nghị quyết, tăng 15% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 3.778 tỷ đồng (đạt 23,4% kế hoạch, tăng 18,8% so với cùng kỳ). Ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt việc huy động vốn và cho vay vốn phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được triển khai tích cực; doanh nghiệp thành lập mới tăng về số lượng. Trong quý I có 240 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 17,5% so với cùng kỳ; có 6 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn 700 tỷ đồng. Văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm; các chương trình an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đã tổ chức thăm, tặng quà gia đình người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 với tổng kinh phí 11,096 tỷ đồng; tạo việc làm cho làm khoảng 7.080 lao động (đạt 26,42% kế hoạch, tăng 1,87% so với cùng kỳ). Trong 3 tháng đầu năm, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến tỉnh là 470.000 lượt, tăng 32% so với cùng kỳ; doanh thu từ du lịch ước đạt 230 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hoàn thành 100% kế hoạch tuyển chọn, gọi công nhân nhập ngũ. Công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp tiếp tục được quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện tốt. Công tác đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được kết quả quan trọng. Công tác tuyên giáo, dân vận, kiểm tra, giám sát và công tác tổ chức, cán bộ tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện theo đúng quy trình, quy định, phương pháp làm việc thường xuyên có sự đổi mới, chất lượng ngày càng nâng cao. Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm 2024 có trọng tâm, đúng luật, đúng quy trình. Công tác chăm lo tết cho người nghèo được triển khai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đảm bảo mọi nhà, mọi người đều có Tết. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và các chương trình phối hợp về công tác dân vận được thực hiện có hiệu quả.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích làm rõ các tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm quý II-2024. Về giải ngân vốn đầu tư công thấp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh nêu nguyên nhân: Do sụt giảm về thu sử dụng đất và các nguồn hoàn lại của quỹ phát triển đất; chậm đưa kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành từ các địa phương thống kê lên. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp để đồng bộ các bản đồ, biểu đồ và thống nhất lại để tạo đà tăng trưởng cho các quý sau và năm tiếp theo. Về vướng mắc do quỹ đất san lấp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch để quý 4-2024 sẽ đấu giá đất san lấp, triển khai các dự án hạ tầng.

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp cũng nêu một số nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến việc chậm giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể là vướng mắc về thủ tục đầu tư, về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, về một số nguồn vốn Trung ương phân bổ chưa có hướng dẫn cụ thể,...Về xây dựng tín chỉ carbon rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đây là nguồn lực để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Do đó, tỉnh sẽ theo sát và hỗ trợ Đoàn công tác của Cục Lâm nghiệp khi vào làm việc, nghiên cứu tính khả thi cũng như triển khai thí điểm tại địa bàn.

Liên quan đến việc di dời, bố trí chợ đêm Pleiku, Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thông tin: “Qua rà soát ban đầu chỉ có 380 hộ kinh doanh, song khi di dời đến vị trí mới thì có gần 900 hộ đăng ký. Số lượng tăng dẫn đến không gian chật hẹp và thành phố đang tiếp tục nghiên cứu để mở rộng, sắp xếp lại cho phù hợp, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh ổn định”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh nêu nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm. Ảnh: Đức Thụy

Thông tin về tiến độ nghiên cứu, triển khai thực hiện tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Đoàn Hữu Dũng cho hay, sau khi nghiên cứu, tính toán, sở đề xuất không bố trí làn dừng khẩn cấp trên cầu và xác định lại điểm cuối tuyến tại TP. Pleiku, giao với Quốc lộ 14 đoạn Hàm Rồng, đoạn còn lại sẽ đưa vào Dự án cao tốc Pleiku-Lệ Thanh giai đoạn sau. Mức đầu tư đến thời điểm này là 37.653 tỷ đồng, giảm 6.500 tỷ đồng so với mức đầu tư ban đầu. Sau khi nghiên cứu xong, UBND tỉnh đã có văn bản lấy ý kiến của tỉnh Bình Định và chuẩn bị làm việc với các cơ quan liên quan để thống nhất các bước tiếp theo.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn đề nghị cấp ủy các địa phương chỉ đạo Ban Tuyên giáo cấp ủy rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời đối với các trường học trên địa bàn xoay quanh việc duy trì hoạt động chào cờ đầu tuần; Thành ủy Pleiku quan tâm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho tiểu thương khi chuyển về khu vực chợ đêm Pleiku tại vị trí mới.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quý I.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý II, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, đơn vị, địa phương tập trung vào “5 chống”: “Chống hạn, chống cháy; chống phá rừng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép; chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chống tư tưởng trì trệ, an phận và sự chống phá đoàn kết nội bộ; chống tác động tiêu cực từ bên ngoài ảnh hưởng đến an ninh chính trị trên địa bàn”. 5 vấn đề cần duy trì và thực hiện tốt hơn: “Hoạt động văn hóa thể thao, du lịch; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo ở các làng trọng điểm; duy trì kết quả về giáo dục và đào tạo, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh trong dịp hè; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác hoạt động trên địa bàn; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân các dự án đầu tư”.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh các vấn đề cần chấn chỉnh: Thực hiện quy chế làm việc và chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và các kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại các buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như qua thanh tra, kiểm tra; chấn chỉnh về trách nhiệm nêu gương, giải trình, giải quyết ý kiến kiến nghị chính đáng của cử tri cũng như lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện thường xuyên, kịp thời và hiệu quả: việc bám nắm địa bàn, nắm tình hình cơ sở và xử lý kịp thời đối với những vấn đề phát sinh; củng cố, kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ còn thiếu, đi đôi với đánh giá, xem xét, sắp xếp đội ngũ cán bộ; chuẩn bị các bước cho Đại hội Mặt trận các cấp và đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh 4 yêu cầu cần quan tâm để tạo chuyển biến trong quý II, đó là: chuyển biến về ý thức trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ; chuyển biến trong giải ngân đầu tư công và trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật để thu ngân sách, trong đó có thu tiền sử dụng đất; chuyển biến về quản lý đầu tư xây dựng và chỉnh trang đô thị ở các địa phương; chuyển biến trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/bi-thu-tinh-uy-ho-van-nien-tap-trung-5-chong-5-duy-tri-va-4-yeu-cau-post272303.html