Bí thư Nguyễn Văn Nên: 'Không để doanh nghiệp phải rón rén đi cửa trước, cửa sau'

Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay nằm ở hai điểm: Pháp lý và trách nhiệm công vụ của công chức.

Ngày 17-2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì buổi gặp gỡ, lắng nghe đề xuất của các doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn TP.HCM. Tại hội nghị, đại diện các DN, hiệp hội đã phản ánh nhiều vấn đề nóng như khó khăn trong tiếp cận vốn, lãi suất cao…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (ảnh trái) ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp tại buổi đối thoại. Ảnh: HUY QUANG

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (ảnh trái) ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp tại buổi đối thoại. Ảnh: HUY QUANG

Khát vốn, không có nguồn tiền để trả nợ và đầu tư

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết từ thời điểm cuối năm 2022, tình hình hoạt động của các DN tại TP.HCM đã dần ổn định. Tuy nhiên, số DN có doanh thu tăng chỉ còn 22% so với tỉ lệ 26% của quý liền kề trước đó.

Ông Hòa nói: “Điều này cho thấy một số DN đang có dấu hiệu thấm khó khăn khi đã sử dụng hết nguồn lực dự trữ. Hiện các DN đang rất khát vốn và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư”.

Từ thực tế trên, ông Hòa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước mở rộng room tín dụng cho các tổ chức tài chính có tiềm lực tài chính lành mạnh, huy động các nguồn tiền gửi sẵn có chưa dùng tới của ngân sách nhà nước để cho vay. Bên cạnh đó cần nới rộng các điều kiện cho vay, tỉ lệ thế chấp, cầm cố tài sản vay…

Mặt khác, hiện nay lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm gây khó khăn cho DN sử dụng đòn bẩy nợ vay. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước cần huy động các nguồn vốn hiện có trong xã hội đưa vào kinh doanh nhằm hạ lãi suất vay. Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ năm 2021, càng làm DN khó khăn thêm.

“Ngân hàng Nhà nước cũng cần sớm công bố chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm để các ngân hàng thương mại cân đối thực hiện, tôn trọng và giữ đúng cam kết giải ngân với khách hàng để tránh đưa DN vào tình trạng bất ngờ” - lãnh đạo Hiệp hội DN TP.HCM kiến nghị.

“Không có việc gì phải khuất tất, không nên để DN phải rón rén, đi cửa trước, cửa sau.”

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

Doanh nghiệp lo phải bán mình

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, nêu thực tế đáng báo động hiện nay là một số DN lớn, có thương hiệu lớn tại TP.HCM, đầu tư công nghệ tiên tiến nhưng hiện quá khó khăn về vốn, tài chính. Và các quỹ đầu tư nước ngoài đang “săn đuổi” các DN này.

“Nếu chúng ta cứ để mai một các DN đi thì đáng tiếc, vì số DN lớn tại TP luôn chiếm trên 40% lượng hàng lưu thông trên cả nước. Không ai muốn bán mình cho các đơn vị khác khi đã ổn định việc kinh doanh. Chúng tôi cần chính sách hợp lý, có hỗ trợ về tất cả các ngành, lãi suất… để DN yên tâm sản xuất” - bà Chi nói.

Ông Phạm Văn Việt , Phó Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM, cũng cho hay đầu năm nay các DN rất cần vay vốn để hoạt động nhưng quá gian nan. Nhiều công ty đang bị ngân hàng đánh giá lại giá trị tài sản chỉ còn bằng 50%-60% so với trước đây khiến hạn mức cho vay giảm mạnh.

Nhiều quy định cho vay siết chặt hơn cũng như lãi suất lên quá cao, trong khi ngành dệt may vẫn đang sụt giảm đơn hàng 30%-40% và lợi nhuận trên từng đơn hàng cũng lao dốc.

Từ đó, ông Việt kiến nghị các ngân hàng cần linh hoạt hơn khi cho vay, nhất là với các DN vẫn đang gặp khó vì tình hình kinh tế chung.

Bên cạnh các vấn đề trên, nhiều DN đồng quan điểm rằng một trong những vấn đề then chốt để DN thuận lợi sản xuất, kinh doanh vẫn là chuyện cải cách thủ tục hành chính của chính quyền TP.HCM.

Còn sợ trách nhiệm, đùn đẩy

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu sở, ngành nào có liên quan đến các phản ánh của DN thì chủ động đối thoại, tháo gỡ những khó khăn.

Ông Hoan nhìn nhận khó khăn của DN hiện nay nằm ở hai điểm: Pháp lý và trách nhiệm công vụ của công chức. “Chúng ta có nỗ lực nhưng chưa làm tròn trách nhiệm, còn sợ trách nhiệm, còn đùn đẩy” - ông nói và yêu cầu đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính quyền TP cần nâng cao trách nhiệm công vụ; nghiên cứu, đề xuất khắc phục những điểm còn chồng chéo trong quy định pháp luật để có sự linh hoạt, hỗ trợ tối đa cho DN.

Ông Hoan cho biết tháng 6-2023, TP sẽ tổ chức gặp gỡ các DN để đánh giá lại kết quả giải quyết những kiến nghị trong hội nghị hôm nay.

Gọi thẳng cho tôi nếu bị cán bộ gây khó dễ

Ghi nhận các ý kiến đóng góp thẳng thắn của DN, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng khi các sở, ngành TP nói đã làm hết sức nhưng DN nói vẫn gặp khó, chứng tỏ sự nỗ lực đó vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của DN. Vì vậy, chính quyền cần nỗ lực hơn nữa để thực sự là bạn đồng hành của DN theo đúng tinh thần mà TP.HCM đã đề ra.

“Trong bối cảnh hiện nay chúng ta phải khắc phục nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong phạm vi, thẩm quyền của TP. Mỗi sở, ngành cần soi lại mình, soi lại từng việc đã làm, những cái đã làm để đề ra những việc mới, cách làm mới. Những việc nào cần làm, phải làm thì phải làm sớm” - Bí thư Nên chỉ rõ và cho biết trong từng lĩnh vực, DN đã đề xuất cụ thể, chính quyền TP sẽ tổ chức thực hiện trong thời gian tới với quyết tâm không làm phụ lòng DN.

Bí thư Nên cũng nhấn mạnh: Việc cải cách thủ tục hành chính phải được thực hiện mạnh mẽ hơn ở từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính quyền TP. Trong đó, chú ý đẩy mạnh chuyển đổi số, tối giản thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ giải quyết để có sự thông suốt hơn.

Ông nhấn mạnh: “Phải làm sao công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh các mối quan hệ giữa DN với chính quyền. Không có việc gì phải khuất tất, không nên để DN phải rón rén đi cửa trước, cửa sau”.

Ông cũng nhắn nhủ với DN: “Cơ quan, cán bộ nào không làm đúng chức trách, nhiệm vụ, làm không đúng theo quy định, có ý này ý khác thì các DN cứ nhắn tin, gọi thẳng cho tôi để trực tiếp giải quyết. Mối quan hệ DN - chính quyền phải ngày càng trong sáng, đẹp đẽ hơn”.

Ông cũng lưu ý: TP cần phải “khởi động lại, làm nóng hơn” chương trình cho vay kích cầu của TP với những cơ chế mới, phù hợp với bối cảnh, có sự chia sẻ với DN. Cạnh đó, phải tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho ngành du lịch… UBND TP cũng cần có quy chế phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội DN TP để DN gõ cửa TP khi nào cũng được.•

Có doanh nghiệp phải bán nhà để trả nợ

Chủ tịch Hội DN cơ khí - điện TP.HCM Đỗ Phước Tuấn nói chính sách hỗ trợ lãi suất của TP khiến họ gặp khó.

Theo đó, chương trình kích cầu của TP thông qua đầu tư triển khai từ hơn 20 năm qua. Mục tiêu nhằm hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay vốn để khuyến khích, hỗ trợ các DN trong nước đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên phát triển, trong đó có lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Tuy nhiên, các DN được UBND duyệt dự án xong rồi sau đó hỗ trợ lãi suất theo quyết định của dự án nhưng đến nay vẫn chưa nhận được, không có nguồn tiền giải quyết với ngân hàng. Có DN phải bán nhà để trả nợ, có DN đàm phán với nước ngoài để tránh vỡ nợ.

Nỗi lo về hạ tầng

Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty MP Logistics, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM, nhìn nhận vấn đề hiện nay của ngành là hạ tầng giao thông còn kém, không theo kịp tốc độ phát triển. Đơn cử, tình trạng kẹt xe ở khu vực cảng Cát Lái khiến hàng hóa khó có thể vận chuyển đúng tiến độ.

Từ thực tiễn các khó khăn, bà Phương kiến nghị TP có đề xuất với trung ương giảm 50% phí hạ tầng đường bộ; quan tâm giảm thuế bảo vệ môi trường.

“TP.HCM cũng cần bổ sung các tuyến đường trên cao, xây dựng trạm trung chuyển nội địa hiện đại. Từ đó giảm áp lực cho tuyến đường bộ, tổ chức quy hoạch hệ thống IDC giúp thúc đẩy vận tải hàng hóa và hành khách, thúc đẩy liên kết vùng” - bà Phương hiến kế.

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-thu-nguyen-van-nen-khong-de-doanh-nghiep-phai-ron-ren-di-cua-truoc-cua-sau-post720399.html