Bí thư 'khoán hộ' và vị thế của nông sản Việt Nam

Cuộc đời Bí thư 'khoán hộ' Kim Ngọc - cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - là bài học sáng về tinh thần dám nghĩ, dám làm, kiên cường, bất khuất của người dân Việt Nam

Cuộc đời Bí thư “khoán hộ” Kim Ngọc - cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - là bài học sáng về tinh thần dám nghĩ, dám làm, kiên cường, bất khuất của người dân Việt Nam trên cả mặt trận kinh tế. Tư tưởng vượt thời đại của ông cũng là tác nhân quan trọng giúp nông sản Việt Nam có được vị thế vững chắc trên thị trường thế giới.

Từ bài học “khoán hộ” với tư duy mở đường...

Chúng tôi về Vĩnh Phúc vào những ngày cuối đông để tìm hiểu về vị Bí thư “khoán hộ” Kim Ngọc theo nhiệm vụ được giao. Cuộc gặp gỡ với ông Kim Nam - con trai cố Bí thư Kim Ngọc - như một cơ duyên hiếm hoi.

Trong ký ức rất xa của ông Kim Nam, Kim Ngọc không chỉ là một vị Bí thư cứng cỏi, nghiêm nghị, hết lòng vì dân mà còn là một người cha gương mẫu, liêm khiết, dám nghĩ, dám làm và giàu tình cảm. Nghe những lời bộc bạch của ông Kim Nam chúng tôi mới hiểu vì sao người dân Vĩnh Phúc coi Bí thư Kim Ngọc như “người hùng”.

Ông Kim Nam kể, xuất thân trong gia đình nông dân, nên cha tôi rất hiểu nông dân, thấu tỏ những tâm tư, nguyện vọng của họ. Cùng những trải nghiệm trong cuộc sống ở vùng đất thuần nông đã hun đúc, hình thành trong ông những suy nghĩ, mong muốn phải làm sao cho người nông dân thoát khỏi cảnh cơ cực, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bí thư Kim Ngọc khởi xướng chủ trương khoán hộ ở Vĩnh Phúc những năm 1966 - 1968. Lúc bấy giờ, kinh tế nước ta rất khó khăn. Từ đòi hỏi của thực tiễn, một số nơi "xé rào" áp dụng “khoán chui”, tức là giao khoán cho mỗi hộ một số diện tích ruộng, hợp tác xã có thể điều hành một số khâu, xã viên nộp mức khoán sản phẩm theo diện tích được chia cho hợp tác xã, phần dư thừa nông dân được hưởng. “Sở dĩ được gọi là khoán chui vì trái với hình thức hợp tác hóa nông nghiệp thời đó” - ông Kim Nam giải thích.

Cuộc đấu tranh quan điểm về “khoán chui” trở nên rất gay go. Khoán hộ được Bí thư Kim Ngọc mạnh dạn cho thí điểm ở một số huyện như Vĩnh Tường, Yên Lạc… Khi đó, không ít người đã lên tiếng phê phán khoán hộ là xa rời chủ nghĩa xã hội, đưa nông nghiệp trở lại con đường tư hữu hóa.

Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc (ngồi đầu tiên bên trái) thăm và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tại xã Lãng Công, huyện Lập Thạch (nay là huyện Sông Lô) năm 1966

Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc (ngồi đầu tiên bên trái) thăm và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tại xã Lãng Công, huyện Lập Thạch (nay là huyện Sông Lô) năm 1966

Mãi tới 10 năm sau ngày Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Kim Ngọc nghỉ hưu và mất, sáng kiến khoán hộ mà ông triển khai ở địa phương mới chính thức đi vào Nghị quyết 10 về khoán hộ của Bộ Chính trị (năm 1988). Mô hình “khoán chui” có tên gọi chính thức “khoán 10” đi vào lịch sử thời kỳ đổi mới, tạo ra một hướng đi tích cực trong tìm tòi cách thức quản lý mới trong nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động, nhằm đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp. Đây là quá trình đổi mới tư duy nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng “dong công, phóng điểm” diễn ra phổ biến trong các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc lúc bấy giờ. Khoán hộ chính là những đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn, cơ sở quan trọng để Đảng từng bước hoạch định chủ trương đổi mới quản lý trong nông nghiệp.

Đến cường quốc xuất khẩu gạo

“Nông dân ta no ấm, trước hết là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Nhưng trong quá trình xây dựng đất nước thì chúng ta phải cảm ơn Kim Ngọc, một đảng viên sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân. Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã tiên phong…” - cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói vậy về ông Kim Ngọc (Trích sách: Đồng chí Kim Ngọc với tư duy đổi mới về nông nghiệp nông dân, nông thôn ở Vĩnh Phúc).

Từ tấm gương của Bí thư Kim Ngọc, nhiều Đảng bộ tỉnh, thành phố đã kế thừa, vận dụng tư duy đổi mới của ông trong từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Tại Hải Phòng, đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khoán trong nông nghiệp đã xuất hiện tại vài hợp tác xã ở 2 huyện An Lão, Tiên Lãng. Đặc biệt, đối với các lãnh đạo ở xã Đoàn Xá, Đồ Sơn (nay thuộc huyện Kiến Thụy) đã mạnh dạn cùng tập thể cấp ủy, chính quyền và nhân dân bàn cách “phá rào” đi lên. Đây là cơ sở để Hải Phòng hình thành nên phương thức “khoán sản phẩm trong nông nghiệp đến nhóm và người lao động”.

“Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc, “khoán sản phẩm trong nông nghiệp” ở Hải Phòng là những cơ sở thực tiễn của “khoán 100” và “khoán 10”, cũng chính là bệ phóng cho nông nghiệp. Trên cơ sở thí điểm ở các địa phương, ngày 13/01/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” - lần đầu tiên khoán sản phẩm chính thức trở thành cơ chế quản lý mới trong cả nước với tên gọi “khoán 100”. Ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp” do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký ban hành (khoán 10).

Chính sách khoán 10 với những quy định mới, có tiếp thu những tinh thần cốt yếu của khoán hộ và những điều chỉnh phù hợp cho một chính sách quy mô toàn quốc đã đánh thức tính năng động, khuyến khích nông dân chủ động sản xuất và làm giàu. Khoán 10 cùng với những chủ trương, chính sách thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ của Đảng đã đưa nông nghiệp nước ta vào một thời kỳ phát triển bứt phá ấn tượng đầu tiên trong lịch sử. Từ một nước thiếu lương thực triền miên đến năm 1989 (chỉ sau 1 năm thực hiện khoán 10), sản lượng lúa gạo của cả nước đã đạt 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo. Đến nay, nước ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo và nông sản thực phẩm hàng đầu thế giới. “Bội thu” là từ mà nhiều người nhắc tới khi nói về ngành lúa gạo Việt trong năm 2023, bởi không chỉ trúng mùa mà còn trúng giá. Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam lên tới 8,2 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 4,8 tỷ USD - mức cao nhất từ năm 1989 tới nay.

Tấm gương đổi mới, sáng tạo trong phát triển nông nghiệp của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, để lại những kinh nghiệm, bài học quý có thể kế thừa, phát huy trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. “Câu chuyện về Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc sẽ mãi mãi là một trong những câu chuyện đẹp như huyền thoại trên cánh đồng thời đại Hồ Chí Minh và đáng ghi nhớ nhất của thế kỷ XX. Những đóng góp của đồng chí Kim Ngọc đã in dấu vào đời sống hàng chục triệu người nông dân Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, nông dân Việt Nam mãi mãi tri ân đồng chí Kim Ngọc” - TS. Thào Xuân Sùng, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - khẳng định.

Cố Bí thư Kim Ngọc tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10/10/1917, trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống yêu nước và cách mạng, tại thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông được người dân yêu mến gọi với cái tên Bí thư “khoán hộ” như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tư tưởng vượt thời đại cũng là tấm lòng vì nước, vì dân của ông.

Hải Linh - Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bi-thu-khoan-ho-va-vi-the-cua-nong-san-viet-nam-302288.html