Bí thư chi đoàn làm kinh tế giỏi

Thực hiện phong trào 'Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp', tuổi trẻ tiên phong trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, thanh niên Tống Văn Hồng, sinh năm 1988, Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn Ngọc Thự, xã Gia Tường (huyện Nho Quan) đã năng động, sáng tạo xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tổng hợp VAC hiệu quả, cho thu nhập trên 120 triệu đồng/năm.

Anh Tống Văn Hồng (thứ 2 từ trái sang phải) giới thiệu mô hình với đại diện Huyện đoàn Nho Quan.

Anh Tống Văn Hồng (thứ 2 từ trái sang phải) giới thiệu mô hình với đại diện Huyện đoàn Nho Quan.

Trở về địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, từng làm nhiều nghề để mưu sinh, nhưng với khát khao làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, năm 2016, thanh niên Tống Văn Hồng đã xây dựng kế hoạch quy hoạch diện tích hơn 2.000 m2 của khu ruộng 313 của gia đình cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình tổng hợp VAC nuôi cá trắm, chép, lợn, vịt, gà, trồng cây ăn quả và trồng hoa.

Anh Tống Văn Hồng chia sẻ: Ban đầu khi xây dựng mô hình, tôi gặp nhiều khó khăn về vốn sản xuất cũng như kỹ thuật nuôi trồng, nên năm đầu nuôi cá bị bệnh chết nhiều và thua lỗ. Tuy nhiên, không chịu khuất phục, với ý chí, nghị lực, quyết tâm và tinh thần tiên phong dám nghĩ, dám làm, chủ động học hỏi các mô hình trong xã, trong huyện và trên Internet, nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi qua sách báo, sát sao hàng ngày với ao cá, vật nuôi và vườn cây, anh Hồng đã phát triển thành công ngay năm sau đó.

Từ lãi cho thu nhập của mô hình, anh Hồng tái đầu tư quy hoạch kiên cố ao nuôi cá, quây khu đất trồng cây ăn quả, mở rộng diện tích trồng hoa từ vài trăm m2 lên 1.000m2. Cùng với nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ năm 2021 theo Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã giúp anh Hồng dần vững vàng trong mở rộng, phát triển mô hình kinh tế gia đình.

Trong quá trình phát triển mô hình, anh Hồng hàng ngày luôn sát sao với ao cá, đàn gà, lợn của mình nên luôn kịp thời xử lý các dấu hiệu của dịch bệnh trên vật nuôi. Kinh nghiệm nuôi cá chép và các loại cá khác phải đảm bảo chọn ao nuôi không để đất chua mặn thâm nhập, không có mạch nước ngầm độc hại gây chết cá nên anh Hồng đã kè ao bê tông; môi trường ao nuôi luôn thoáng sạch, không bị ô nhiễm, nhiệt độ nước dao động khoảng 20-30 độ C, đảm bảo oxy, độ PH trong ao từ 6,5-8,5; thức ăn đảm bảo chất bột ngũ cốc (cám gạo, bột ngô, bột đậu tương...) từ 70-80% và bột cá, bột tôm, bột cua, ốc nhái, giun đất... từ 20-30%. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra chống các loại dịch hại bắt cá như rái cá, rắn nước, chim bắt cá và khi có thời tiết bất thường, mưa to, gió lớn, bão giông để bảo vệ ao nuôi.

Đối với đàn lợn nuôi, anh Hồng bố trí chuồng trại trên ao cá để tận dụng nguồn phân nuôi cá. Chuồng nuôi đảm bảo phù hợp về nhiệt độ, độ ẩm, chống nóng tốt cho lợn vào mùa hè, nhiệt độ chuồng khoảng từ 20-28 độ C. Thức ăn cho lợn chủ yếu thức ăn ngô, cám, sắn, khoai rau từ mô hình. Chú ý tiêm vắc xin phòng chống dịch ở lợn và vệ sinh sát trùng chuồng trại định kỳ.

Ao nuôi cá của gia đình anh Tống Văn Hồng được xây kè bê tông, che chắn cẩn thận với nguồn nước được quản lí sát sao.

Do làm chủ kỹ thuật trong chăm sóc vật nuôi khỏe mạnh, không để phát sinh dịch bệnh, cộng với gần 10 năm có kinh nghiệm phát triển mô hình, đến nay, mỗi năm mô hình kinh tế tổng hợp của thanh niên Tống Văn Hồng cho xuất bán 4 tấn cá, từ 200-300 con lợn (khoảng hơn 1 tấn), 200 con vịt, 30 gà đẻ trứng, hoa, quả... cho thu lãi sau khi trừ chi phí là trên 120 triệu đồng/năm.

Từ thành công mô hình kinh tế tổng hợp VAC, thanh niên Tống Văn Hồng đang ấp ủ dự định tiếp tục duy trì mô hình VAC, trong đó mở rộng diện tích trồng hoa theo hướng công nghệ nhà lưới để cung cấp hoa cho thị trường quanh năm, với các loại hoa như hoa dơn, hoa huệ, hoa hồng, hướng tới làm đại lý bán hoa tại khu vực huyện Nho Quan và huyện lân cận, nâng cao giá trị mô hình kinh tế.

Với hiệu quả mô hình kinh tế tổng hợp VAC, thanh niên Tống Văn Hồng đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình với thanh niên trong xã, huyện và nhân dân khi có nhu cầu học hỏi, thăm quan.

Đồng chí Đinh Văn Hoàn, Bí thư Đoàn xã Gia Tường cho biết: Xã Gia Tường là địa phương nằm trong vùng xả lũ của huyện Nho Quan, do đó, có nhiều mô hình kinh tế về nuôi trồng thủy sản phát triển. Trong đó, mô hình kinh tế của thanh niên Tống Văn Hồng, Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn Ngọc Thự là mô hình tiêu biểu của xã, có thu nhập cao, ổn định cần được nhân rộng trên địa bàn.

Nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên, đặc biệt là thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, Đoàn thanh niên xã cũng tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi của Đoàn để hỗ trợ cho đoàn viên phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, toàn xã có 9 mô hình kinh tế (nuôi thỏ, trồng nấm, VAC, in phun quảng cáo, điện dân dụng...), cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Bài, ảnh: Tiến Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bi-thu-chi-doan-lam-kinh-te-gioi/d20230712143623190.htm