Bị táo bón khi nào nên đi khám?

Táo bón là vấn đề thường gặp nên nhiều người chủ quan. Nếu bị táo bón kéo dài sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe, trong đó có thể gây ra các nguy cơ tiềm ẩn về đường tiêu hóa như trĩ, các bệnh về hậu môn trực tràng. Vậy bị táo bón khi nào cần phải đi khám?

Nguyên nhân gây táo bón

Táo bón phổ biến nhất trong các bệnh lý về đường tiêu hóa trên thế giới, với tỷ lệ 17% dân số toàn cầu, trong đó chỉ 12% số người tự xác định được bệnh. Táo bón xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi với tỷ lệ 30 - 40%. Phụ nữ có tỷ lệ mắc táo bón cao gấp 3 lần nam giới. Táo bón cũng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.

Có nhiều nguyên nhân gây táo bón. Một số bệnh nhân không xác định được nguyên nhân rõ ràng, thường được chẩn đoán là hội chứng ruột kích thích hay táo bón mạn tính không rõ nguyên nhân.

- Do dinh dưỡng: Thiếu cung cấp nước kéo dài, chế độ ăn ít chất xơ, dư thừa chất béo có nguồn gốc từ động vật, ăn nhiều đường, cà phê, trà, rượu, uống không đủ nước, lười vận động, thường xuyên trì hoãn việc đại tiện. Ở trẻ em táo bón còn có thể do việc uống sữa bột (các loại sữa công thức trong thành phần ít chất xơ và quá nhiều đạm, đường).

- Tổn thương cấu trúc: Ung thư đại tràng, hẹp đại tràng, nứt kẽ hậu môn, trĩ, viêm túi thừa đại tràng, sau phẫu thuật đại tràng.

- Thuốc: Thuốc chống trầm cảm (Fluoxetine,amitriptyline…), thuốc kháng Cholinergic (Promethazin, Benztropin, Atropin, Ipratropium,..), thuốc phiện, thuốc kháng axit; thuốc lợi tiểu; thuốc chống viêm không steroid (Ibuprofen, Diclofenac); thuốc chứa Codein và Morphin; thuốc chống co giật…

- Nguyên nhân thần kinh tổn thương rễ: Bệnh Parkinson, bệnh xơ cứng rải rác, đột quỵ não, hội chứng màng não, Hirschsprung, hội chứng Ogilvy.

- Rối loạn vận động sàn chậu: Thoát vị trực tràng, số trực tràng, giảm nhạy cảm trực tràng, hội chứng sa sàn chậu

- Rối loạn chuyển hóa: Suy giáp, tăng calci máu, giảm kali máu, đái tháo đường.

- Bệnh lý chức năng: Hội chứng ruột kích thích, táo bón chức năng.

- Yếu tố tâm lý: Đi du lịch, trầm cảm, lạm dụng tình dục.

Táo bón là vấn đề thường gặp nên nhiều người chủ quan.

Bị táo bón khi nào cần đi khám?

Táo bón là rối loạn cảm giác đại tiện: Phân trở nên rắn, mỗi lần đại tiện cần có sự trợ giúp, số lần đại tiện < 3 lần/tuần.

Ở người lớn khi bị táo bón có dấu hiệu quá 3 ngày không thể đại tiện, chướng bụng, rặn nhưng không đại tiện được. Ở trẻ em không thể đi đại tiện 3 lần/tuần, chướng bụng, đại tiện khó, mỗi khi đại tiện trẻ phải rặn đỏ mặt, phân cứng, có thể chảy máu nhẹ ở hậu môn do việc rặn quá mức, trẻ quấy khóc, lười ăn/bú, ngủ không ngon giấc do chướng bụng, đau bụng.

Khi bị táo bón nếu có các biểu hiện sau cần đi khám ngay bao gồm:

Các biểu hiện táo bón nặng lên và kéo dài hơn ba tuần.
Có biểu hiện thay đối thói quen đại tiện trong thời gian gần đây, ví dụ táo bón xen kẽ với tiêu chảy.
Đại tiện có các biểu hiện đau dữ dội ở hậu môn.
Xuất hiện chảy máu trực tràng.
Bệnh trĩ.
Vết nứt hậu môn.
Rò trực tràng hoặc sa trực tràng.
Nôn kèm với táo bón và đau bụng (điều này có thể gợi ý tắc ruột)
Táo bón liên tục, đi kèm với đau bụng và sốt.

Ngoài ra, táo bón có thêm các triệu chứng khác (ví dụ mệt mỏi, khả năng chịu đựng kém với thời tiết lạnh, có thể gợi ý bệnh suy giáp)… thì cần phải đi khám ngay.

Táo bón kéo dài có thể gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Chẩn đoán nguyên nhân gây táo bón

Việc chẩn đoán nguyên nhân gây táo bón là cần thiết, xem táo bón do thực thể ở đại tràng hay ngoài đại tràng (u đại tràng, u não, màng não…); táo bón không do tổn thương thực thể (hội chứng ruột kích thích) còn gọi là táo bón tiên phát, táo bón chức năng…

Ngoài các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm giúp chẩn đoán nguyên nhân táo bón:

- Nội soi đại tràng và chụp khung đại tràng để loại trừ tắc nghẽn: Giãn đại tràng, đại tràng sigma dài và bác sĩ có thể phát hiện được những tổn thương trong đường ruột như các vùng viêm loét, chảy máu, polyp, khối u…

- Test đánh giá chức năng đại tràng: Đo áp lực hậu môn trực tràng độ phân giải cao. Điện cơ, đo tốc độ vận chuyển phân.

- Sinh thiết niêm mạc trực tràng.

- Chụp trực tràng khi rặn: Góc ống hậu môn và bóng trực tràng < 90%, người bình thường góc ống hậu môn và bóng trực tràng vuông góc.

- Một số xét nghiệm máu; calci, điện giải đồ, FT4 và TSH.

- Chụp CT tiểu khung, chụp MRI tiểu khung loại trừ nguyên nhân táo bón do u, lồng ruột, tắc ruột, sa sinh dục.

Phòng ngừa táo bón thế nào?

Ngoài nguyên nhân mắc các bệnh lý về tiêu hóa thì táo bón chủ yếu xuất phát từ chế độ ăn uống mất cân bằng dinh dưỡng, ít vận động hoặc căng thẳng, stress quá mức. Theo đó, ngoài việc uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, thì người bệnh nên duy trì một chế độ ăn giàu chất xơ bao gồm tăng cường rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên cám.

Hạn chế ăn các thực phẩm không lành mạnh như thực phẩm giàu chất béo có nguồn gốc động vật, đồ ăn công nghiệp, nước ngọt đóng chai, bia, rượu, hút thuốc lá, các loại quả xanh, chát... Nên vận động ít nhất 3 giờ/tuần.

Tránh căng thẳng, trầm cảm, stress; Không ngồi bồn cầu quá lâu, không rặn khi đại tiện. Nên tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ hàng ngày

Ngoài ra, đối với trẻ uống sữa bột, việc ngừng hoặc đổi loại sữa trẻ đang uống hiện tại có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón.

Cùng với đó chúng ta nên chủ động đến bệnh viện khám sức khỏe giúp tầm soát và điều trị sớm các bệnh lý là nguyên nhân gây ra táo bón như trĩ, nứt hậu môn, tắc nghẽn ống tiêu hóa do khối u, trĩ huyết khối, to trực tràng vô căn; các bệnh về thần kinh hoặc tuyến giáp.

BS Nguyễn Nga

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bi-tao-bon-khi-nao-nen-di-kham-169240312230900407.htm