Bí quyết quản lý của 'cha đẻ nền IT Ấn Độ'

Sau hơn 40 năm khởi nghiệp, ông Narayana Murthy, nhà sáng lập tập đoàn Infosys cho rằng 'tôn trọng' vẫn là từ khóa quan trọng nhất ở doanh nghiệp của mình.

 Ông Narayana Murthy, nhà sáng lập Infosys tại buổi trò chuyện ngày 20/5. Ảnh: VA.

Ông Narayana Murthy, nhà sáng lập Infosys tại buổi trò chuyện ngày 20/5. Ảnh: VA.

Chiều 20/5, ông Narayana Murthy có buổi nói chuyện ở hội trường của Tập đoàn FPT tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Vị tỷ phú 78 tuổi, người được coi là "khai sinh ra nền IT của Ấn Độ" có nhiều chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của ông, cùng với những nguyên tắc được ông áp dụng tại Infosys, công ty được ông cùng đồng sự sáng lập năm 1981.

Bí quyết tạo nên tinh thần khởi nghiệp

Murthy từng có thời gian làm việc tại châu Âu. Tuy nhiên, khi trở về Ấn Độ ông nhận ra rằng để làm cho đất nước của mình tốt lên, cần phải có nhiều doanh nghiệp tạo ra việc làm cho người dân, của cải cho xã hội.

Năm 1981, Murthy nhận thấy máy vi tính, với khả năng tính toán tương đương máy tính lớn (mainframe) mà chi phí lại thấp hơn rất nhiều, sẽ tạo ra cơ hội cho nhiều dịch vụ mới. Do đó ông thành lập Infosys cùng 6 người khác, vốn là cấp dưới của ông tại công ty cũ. Điều đáng nói là ông để tới 77% cổ phần cho các đồng sáng lập, điều ít thấy ở các công ty khởi nghiệp.

Khi được ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT hỏi về cách có được tinh thần khởi nghiệp, Murthy cho rằng nó không đến từ trong gene của mỗi người, mà đến từ sự tò mò, tham vọng tìm kiếm cơ hội để thỏa mãn ước mơ và hoài bão. Bản thân Murthy thừa nhận không thông minh bằng nhiều bạn học của ông, nhưng ông lại khởi nghiệp thành công hơn.

Về những gì học hỏi và thừa hưởng từ gia đình, Murthy lấy dẫn chứng từ cổ phần chia cho đồng sáng lập để nói về tinh thần hào phóng, điều ông học được từ mẹ của mình. Nhà của Murthy nghèo, chỉ có 2 phòng ngủ cho gần 10 con người, nhưng mẹ của ông vẫn luôn mời các học sinh nghèo tới dùng bữa tối. Điều này đã ảnh hưởng tới suy nghĩ của Murthy khi ông khởi nghiệp.

 Ông Narayana Murthy đối thoại cùng ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT. Ảnh: VA.

Ông Narayana Murthy đối thoại cùng ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT. Ảnh: VA.

Trong khi đó, cha của Murthy lại dạy cho ông sự quan trọng của việc học tập kỷ luật, chăm chỉ. Người hiệu trưởng của ông dạy cho Murthy tầm quan trọng của việc đối xử với các tài sản chung.

Nhà sáng lập Infosys đúc kết rằng "phẩm giá và sự tôn trọng" là nền tảng để ông xây dựng công ty.

Khi được ông Trương Gia Bình hỏi cách để những cộng sự gắn bó với mình nhiều năm, Murthy cho biết ngay từ khi thành lập, các nhà sáng lập công ty đã đặt mục tiêu: "Inforsys phải là công ty được tôn trọng nhất tại Ấn Độ".

Ông giải thích việc luôn giữ đúng lời hứa với khách hàng sẽ giúp công ty có được sự tôn trọng, từ đó đạt được doanh thu và lợi nhuận. Với nhân viên, sự tin tưởng với lời nói của người đứng đầu giúp nhân viên muốn tiếp tục làm việc, sau đó trở thành đại sứ thu hút những nhân viên giỏi khác.

"Kinh nghiệm của tôi không phải tiền là quan trọng nhất mà nhân sự muốn sự tôn trọng, đánh giá đúng năng lực của họ", ông cho biết.

Ba trụ cột của doanh nghiệp

Murthy cho biết ông đã nói chuyện với rất nhiều người trong Infosys, không chỉ là những nhân sự cấp cao mà cả các lập trình viên, lao công, và luôn muốn họ cảm nhận được sự tôn trọng ở công ty. Điều đó giúp họ tự tin khi trở về với gia đình.

"Mọi người đều có vai trò khác nhau trong văn phòng, và chúng ta không phải bạn bè khi làm việc. Nhưng ngay khi rời văn phòng, chúng ta là bạn bè. Khả năng tách biệt trách nhiệm, vị trí trong công ty với các mối quan hệ xã hội là rất quan trọng, mà ở nhiều nước đang phát triển, chúng ta không làm được điều này", nhà sáng lập Infosys chia sẻ.

Tuy nhiên, mỗi nhân sự trong công ty đều cần có một giá trị chung để tin tưởng, và theo Murthy giá trị đó ở Infosys chính là sự tôn trọng.

"Chúng tôi đều tập trung để đem lại sự tôn trọng cho Infosys", ông chia sẻ.

 Tỷ phú Ấn Độ cho biết ông nhận thấy những điểm chung giữa Infosys và FPT. Ảnh: VA.

Tỷ phú Ấn Độ cho biết ông nhận thấy những điểm chung giữa Infosys và FPT. Ảnh: VA.

Để đúc kết lại, Murthy cho rằng doanh nghiệp cần chú ý tới 3 điều quan trọng, theo thứ tự là bán hàng, kiểm soát tài chính và nhân sự.

"Nếu không bán được hàng thì không có doanh thu mà không có doanh thu thì công ty sẽ không tồn tại được. Thứ 2 là kiểm soát tài chính. Bạn phải làm thế nào để đảm bảo mọi chi phí đều hợp lý. Bạn phải cho tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được. Thứ 3 là nhân sự. Tất cả các bộ phận trong công ty đều cần có những người giỏi", nhà sáng lập Infosys chia sẻ.

Nói về FPT, ông Murthy nhận xét doanh nghiệp của Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng với Infosys. Sau khi thành lập, Infosys mất tới 23 năm để đạt doanh thu 1 tỷ USD đầu tiên, nhưng cột mốc 1 tỷ USD tiếp theo chỉ mất 23 tháng.

"Tôi tin các bạn sẽ đạt 1 tỷ USD tiếp theo nhanh hơn rất nhiều. Góc nhìn của tôi là, miễn là các anh tập trung vào học hỏi, tư duy mở để học hỏi từ những đối thủ, sẵn sàng cải tiến từ những ý tưởng, tập trung vào khách hàng, thì FPT không phải lo lắng gì. Khi đạt 20 tỷ USD, các bạn sẽ nhớ những gì tôi đã nói", ông Murthy chia sẻ với ông Trương Gia Bình.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://znews.vn/bi-quyet-quan-ly-cua-cha-de-nen-it-an-do-post1476572.html