Bí quyết ôn thi tốt nghiệp THPT môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh

Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh là 3 môn thi bắt buộc cho học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT, cũng như xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm 2024. Trong giai đoạn hiện nay, các giáo viên THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ có hướng dẫn cho học sinh phương pháp ôn tập sao cho phù hợp và hiệu quả.

* THẦY VÕ HOÀI NHÂN TRUNG, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, CỘNG TÁC VIÊN PHỤ TRÁCH MÔN TOÁN CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH TIỀN GIANG:

Không được lơ là, chủ quan với câu hỏi dễ

Căn cứ vào đề thi tham khảo năm nay, học sinh cần học chắc chương trình toán lớp 12 và một số nội dung lớp 11. Trong đó, lưu ý phần tổ hợp - xác suất, cấp số cộng - cấp số nhân, nhị thức Newton, khoảng cách, góc… của chương trình môn Toán lớp 11. Về phương pháp ôn tập, học sinh có thể hệ thống hóa các kiến thức theo từng chủ đề, dạng bài tập cụ thể, qua đó sẽ giúp học sinh rút kinh nghiệm cho bản thân. Học sinh có thể rút những kinh nghiệm giải từng dạng bài bằng cách ghi vào sổ tay để có thể ghi nhớ, khắc sâu hơn.

Bên cạnh việc ôn kiến thức, học sinh sẽ tiến hành giải các bài tập ở từng dạng bài cụ thể ở các mức độ từ dễ đến khó. Sau đó, có thể luyện đề tổng hợp tương ứng với cấu trúc đề thi tham khảo. Việc luyện đề tổng hợp giúp học sinh rèn kỹ năng ở tất cả các dạng bài tập, phân bổ thời gian một cách hợp lý. Việc giải bài tập trắc nghiệm, học sinh không được lơ là, chủ quan với bất kì dạng bài tập nào, đặc biệt là đối với các dạng bài căn bản, trên thực tế vẫn có những học sinh học khá, giỏi làm sai những câu hỏi dễ, trong khi các câu hỏi khó thì làm chính xác.

* CÔ TRẦN THỊ THỦY TIÊN, GIÁO VIÊN TIẾNG ANH TRƯỜNG THPT NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, TP. MỸ THO, TỈNH TIỀN GIANG:

Tránh để dồn, rút kinh nghiệm qua từng dạng bài tập

Khi ôn tập môn Tiếng Anh, học sinh cần bám chắc kiến thức sách giáo khoa và các kiến thức thầy cô dạy ở các dạng bài tập như: Từ vựng, ngữ pháp, dấu nhấn, trọng âm, đọc hiểu, tìm lỗi sai… Học sinh có thể ôn tập theo các dạng chuyên đề, sau đó làm, rèn luyện qua các bài tập. Khi làm bài tập, học sinh sẽ tích lũy kinh nghiệm, cách làm bài cho bản thân. Sau khi đã ôn tập chắc ở từng phần nội dung, học sinh có thể quay lại làm các đề tổng hợp để có kinh nghiệm trong phân bố thời gian cho từng phần của bài thi, chuẩn bị tâm lý tốt nhất khi bước vào phòng thi.

Khi học sinh giải các đề, làm xong đề nào kiểm tra và đối chiếu kết quả ngay đề đó chứ không nên để dồn, bởi như vậy sẽ có cảm giác “ngán” và không rút kinh nghiệm được với những câu sai. Với những câu làm sai trong quá trình giải đề, học sinh hãy ghi chú lại và tự tìm hiểu hoặc nhờ thầy cô, bạn bè chỉ giúp.

* CÔ TRƯƠNG THỊ CHÂU MINH, GIÁO VIÊN NGỮ VĂN TRƯỜNG THPT TRẦN HƯNG ĐẠO, TP. MỸ THO, TỈNH TIỀN GIANG:

Cần hệ thống hóa kiến thức

Cấu trúc đề thi tham khảo năm 2024 tương tự như năm 2023. Đề thi có 2 phần đọc hiểu và phần làm văn, trong đó phần nghị luận văn học thường chiếm số điểm nhiều nhất trong tổng điểm bài thi. Với phần đọc hiểu, học sinh hãy rèn luyện qua từng dạng đề cụ thể mà giáo viên hướng dẫn trên lớp, trong đó chú ý đến các kiến thức thể loại văn bản, các phương thức biểu đạt, kỹ năng dùng từ, viết câu, diễn đạt đoạn văn ngắn.

Về phần làm văn, đối với nghị luận văn học, muốn làm tốt bài thì học sinh cần hệ thống nắm chắc các kiến thức đã học trong chương trình. Trong đó, có nội dung chính về bối cảnh sáng tác, tác giả, mạch nội dung chính của tác phẩm, đặc trưng phong cách, bút pháp được sử dụng trong tác phẩm. Cùng với đó, học sinh cần ghi nhớ những ý chính, chi tiết đắc giá, những tình huống đặt ra trong tác phẩm để có thể đưa vào bài viết cho sinh động.

Ngoài ra, ở mức độ cao hơn, học sinh có thể ôn tập theo nhóm tác phẩm có liên quan nội dung chủ đề với nhau; ví dụ như có thể ôn tập tác phẩm “Vợ nhặt” của tác giả Kim Lân cùng với tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của tác giả Tô Hoài để tìm ra điểm chung và khác biệt trong phong cách 2 tác giả, đặc biệt là cảm hứng nhân đạo thể hiện trong các tác phẩm.

Để ôn tập và làm tốt dạng câu nghị luận xã hội, học sinh nên ghi nhớ các bước làm bài để có thể làm đủ ý, mạch lạc nhưng không bị quá dài. Có 2 dạng nghị luận xã hội thường gặp là nghị luận về một hiện tượng đời sống và nghị luận về một tư tưởng đạo lý. Để làm tốt dạng bài này, học sinh cần đưa vào các ví dụ trong cuộc sống, những hiểu biết của bản thân để bài viết sinh động hơn.

ĐỖ PHI (lược ghi)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202404/bi-quyet-on-thi-tot-nghiep-thpt-mon-toan-ngu-van-va-tieng-anh-1007174/