Bí quyết kết thúc cơn cáu gắt của trẻ

Nếu phải vất vả trấn an đứa con hay nổi cáu của mình, các bậc cha mẹ nên bó túi vài bí quyết dạy trẻ những kỹ năng lành mạnh để kiềm chế cảm xúc.

Cha mẹ cần xây dựng cảm xúc tích cực ở trẻ. Ảnh minh họa

Cô Vũ Thu Trang - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Nội) chia sẻ, môi trường gia đình là cái nôi để nuôi dưỡng, hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Bố mẹ có phong cách dạy con tốt con sẽ ảnh hưởng được những điều tích cực, phát triển tốt. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ thường xuyên cau có, tức giận.

Về nguyên nhân chủ quan, việc trẻ thường xuyên cáu gắt là do tính cách của con, nhiều bé có lòng tự trọng rất cao nên con sẽ rất dễ mất bình tĩnh. Còn về chủ quan có thể là việc con không được thỏa mãn nhu cầu từ ông, bà, bố, mẹ và mọi người xung quanh. Ví dụ như con bị mẹ tắt TV, con không được ăn món thịt yêu thích, con không được ra ngoài chơi...

Thường thì đứa trẻ nào cũng sẽ phản ứng mạnh mẽ với những việc trên. Tuy nhiên, nếu bố mẹ không biết cách xử lý mà cứ chiều chuộng và làm theo mọi yêu cầu của con thì sẽ dẫn đến một kết quả tiêu cực sau này. Đó là con biết lấy sự cáu gắt, tức giận ra làm “điều kiện” để bố mẹ phải chấp nhận yêu cầu của mình.

Theo đó, cô Vũ Thu Trang chia sẻ bí quyết giúp cha mẹ kết thúc cơn cáu gắt của trẻ.

Phòng ngừa “bệnh”

Cha mẹ hãy để ý khi nào con dễ bộc lộ cơn thịnh nộ nhất. Có phải là khi trẻ đói hoặc quá mệt? Nếu vậy, hãy lập kế hoạch trước và cho trẻ ăn uống nghỉ ngơi điều độ trước khi bắt trẻ thực hiện một công việc khó khăn nào đó.

Có những lúc trẻ sẽ giận dữ vì có những kỳ vọng không được đáp ứng. Ví dụ: Con luôn muốn đi siêu thị cùng cha mẹ vì được mua đồ chơi. Con cũng sẽ khó chịu nếu một vài lần không được đáp ứng.

Trường hợp này, trước khi bạn vào cửa hàng, hãy giải thích những gì sắp xảy ra. Cha mẹ có thể nói: “Chúng ta sẽ mua một số loại hàng hóa và sau đó sẽ rời đi. Hôm nay chúng ta không xem đồ chơi và cũng không mua bất kỳ món đồ chơi nào”.

Bên cạnh đó, hãy thiết lập các quy tắc trước khi bạn bước vào các tình huống mới. Giải thích những gì bạn muốn con mình làm bằng cách nói: “Đi bên cạnh mẹ và không được lấy đồ đạc”. Bạn hãy răn đe trẻ về các hậu quả có thể xảy ra nếu trẻ không nghe theo các quy tắc.

Đừng nhượng bộ

Hãy chắc chắn rằng những cơn giận dữ không hiệu quả khi con bạn muốn đòi hỏi. Nếu trẻ la hét trong cửa hàng để đòi bạn mua cho trẻ một món đồ chơi mới thì bạn đừng nên nhượng bộ.

Việc nhượng bộ sẽ khiến cơn giận dữ dừng lại và có thể giúp mọi thứ dễ dàng hơn trong ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, điều đó sẽ chỉ củng cố niềm tin cho con bạn rằng những cơn thịnh nộ là một cách tốt để đạt được điều trẻ muốn.

Bố mẹ hãy luôn giữ một thái độ bình thản cho dù bé có quấy khóc, la hét cỡ nào cũng tuyệt đối không được “xuống nước”. Biểu hiện cương quyết này của bạn sẽ cho bé thấy nên cư xử ra sao khi “không được sự đồng ý của người lớn”.

Ngoài ra, bạn cũng cần giải thích hay thể hiện cho trẻ thấy, việc cáu gắt, quấy khóc sẽ không giúp cho bé có được những gì chúng mong muốn. Nếu bạn không thể giữ thái độ bình thản, hãy rời khỏi đó, đi ra một không gian khác và để trẻ yên tĩnh.

Ảnh minh họa.

Lờ đi cơn thịnh nộ của trẻ

Khi trẻ xuất hiện trạng thái cau có, cha mẹ có thể phớt lờ hành vi đó cho tới khi bé ngừng cáu gắt bởi khi con nóng giận đạt tới đỉnh điểm thì việc đánh lạc hướng hay giải thích sẽ chẳng có lợi ích gì. Con sẽ không để tâm và nghe bạn nói. Trong khi đó, việc mẹ cứ mãi giải thích, dỗ dành càng làm trẻ hiểu rằng, cơn thịnh nộ đang có tác dụng và làm cha mẹ phải sợ, từ đó bé sẽ lấy hành động này để thường xuyên dùng làm vũ khí dọa người lớn.

Khi cơn “cuồng phong” qua đi, hãy đến gần bên trẻ, xoa dịu chúng và nói “mẹ yêu con”. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm thích hợp để nói “vì sao con lại khóc như vậy?” hay “vừa nãy, con không hài lòng điều gì à?”.

Cố gắng giao tiếp với trẻ bằng ngôn từ đơn giản, nhẹ nhàng. Hãy gợi mở cho trẻ bằng cách nói “con khóc vì bánh xe ô tô bị hỏng phải không?” để chúng “giãi bày tâm sự”.

Khi trẻ nói ra nguyên nhân làm mình thất vọng, mẹ hãy nói với trẻ rằng “con thấy không, nếu con không nói ra thì sao mẹ có thể giúp con được”. Điều này giúp trẻ thấy rằng, khóc lóc không phải là cách giải quyết tốt nhất.

Chỉ ra hậu quả

Chúng ta không thể ngăn cản việc con tức giận, vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển tâm lý. Tuy nhiên, bố mẹ cần phải cho con biết hậu quả sau những lúc con tức giận là gì để từ đó con nhận thức được việc làm của chính mình.

Bố mẹ có thể đặt ra giả thiết nếu con tức giận với bạn bè cùng lớp thì nó sẽ phá vỡ các mối quan hệ, bạn bè sẽ xa lánh và không còn muốn làm bạn với con. Đưa ra những tình huống thực tế có tính thuyết phục cao. Ngoài ra tức giận, cáu gắt còn làm cho bé rơi vào trạng thái cô lập, bé dễ mắc chứng rối loạn tự kỷ.

Xây dựng cảm xúc tích cực với trẻ

Cốt lõi của những hành vi cáu gắt xuất hiện ở trẻ là để thu hút sự chú ý từ bố mẹ, mọi người xung quanh. Điều này biểu hiện cho những đứa trẻ thường xuyên thiếu sự quan tâm từ gia đình. Vì thế, bố mẹ hãy thường xuyên dành thời gian nhiều hơn cho con.

Những buổi tối cùng con học bài, cuối tuần cùng bố mẹ và con nên có hoạt động ngoài trời nâng cao tinh thần thể thao, vận động giúp thay đổi không khí, tốt cho tâm trạng của bé. Và đừng quên dành cái ôm và lời yêu thương với con.

Bên cạnh đó, mỉm cười với con là điều tốt cho mối quan hệ của bố mẹ và con. Nó thúc đẩy sự liên kết và gắn bó, đồng thời làm trẻ tin rằng gia đình là nơi an toàn, chắc chắn và chính bản thân bạn cũng cảm thấy dễ chịu. Đó cũng là cách lan tỏa năng lượng vui tươi, tích cực cho con. Một em bé luôn cười chứng tỏ hạnh phúc nhiều hơn buồn tủi, thất vọng.

Tùng Bách (ghi)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bi-quyet-ket-thuc-con-cau-gat-cua-tre-post676676.html