Bí quyết giúp Trung Quốc âm thầm đi đầu thế giới về cảng thông minh

Ngành vận tải đường thủy và cảng toàn cầu đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những 'cơn gió ngược' trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, vận tải đường biển của Trung Quốc vẫn đứng hàng đầu thế giới nhờ đạt được tiến bộ lớn về cảng thông minh.

Trung Quốc xử lý khoảng 50% tổng lưu lượng hàng hóa vận chuyển đường biển toàn cầu, nên có thể thấy rằng, các cảng của quốc gia này cũng là trung tâm của sự đổi mới công nghệ đẳng cấp thế giới. Bảy trong số 10 cảng hàng đầu trên thế giới tính theo khối lượng container là ở Trung Quốc (Thượng Hải giữ vị trí số 1 cho đến nay) và tổng cộng các cảng của quốc gia này xử lý khối lượng container gấp khoảng 4 lần so với các cảng của Mỹ.

Các cảng biển ở Trung Quốc ngày càng thông minh trong tự động hóa vận chuyển container hàng hóa

Các cảng biển ở Trung Quốc ngày càng thông minh trong tự động hóa vận chuyển container hàng hóa

Áp dụng hàng loạt công nghệ mới

Khoảng một năm trước, cảng Thiên Tân (đứng thứ chín toàn cầu về lượng container) đã trở thành cảng đầu tiên trên thế giới khai trương bến container thông minh không carbon - một sự hợp tác giữa Tập đoàn Cảng Thiên Tân, Huawei và một số đối tác khác. Tính “thông minh” của nó chính là việc tự động hóa vận chuyển “theo chiều ngang”: xử lý container từ điểm này sang điểm khác giữa cổng cảng và tàu. Tất nhiên, công cụ họ sử dụng là công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo và đám mây, cộng với Hệ thống định vị vệ tinh Beidou của Trung Quốc nhằm hỗ trợ các thành phần chính của hệ thống, chẳng hạn như robot vận chuyển AI, cần cẩu tải tự động và phương tiện vận chuyển container không người lái.

Một ví dụ khác, cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (đứng thứ bảy về khối lượng container toàn cầu) đã là cảng hoàn toàn tự động đầu tiên ở châu Á. Tại đó, 16 cần cẩu cầu tự động và 76 cần cẩu đường ray tự động chạy trơn tru, cùng 83 phương tiện tự động đưa đón qua lại. Xử lý khối lượng hàng hóa lớn như vậy dưới tác động của Covid-19 là một thách thức, đặc biệt là khi lao động bị cắt giảm. Tuy nhiên, tốc độ dỡ hàng tại cảng Thanh Đảo từ tháng 1 đến tháng 11-2020 đã tăng 16% nhờ hệ thống thông minh lập kỷ lục của cảng.

Cảng Thanh Đảo là cảng đầu tiên trên thế giới có hệ thống vận chuyển thông minh có khả năng xử lý 1,5 triệu container. Hệ thống này đã lập kỷ lục thế giới mới vào tháng 6-2022 khi nó xử lý tới 67,76 container trong vòng một giờ. Hè 2022, ban quản lý cảng Thanh Đảo thông báo họ sẽ trở thành cảng đầu tiên trên toàn cầu cung cấp năng lượng cho cần cẩu bốc hàng và các thiết bị khác bằng công nghệ hydro. Theo dự đoán, sự kết hợp giữa hiệu quả tự động hóa và năng lượng hydro sẽ cắt giảm 21.000 tấn carbon dioxide và 640 tấn khí thải sulfur dioxide mỗi năm.

Theo Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, nước này hiện dẫn đầu thế giới về số lượng cầu cảng tự động đã và đang xây dựng. Cùng với sự tăng trưởng về quy mô, công nghệ xây dựng và vận hành cầu cảng cũng ngày càng tiến bộ. Đơn cử, kể từ khi đóng chiếc cọc đầu tiên vào tháng 12-2019, Trung Quốc chỉ mất 33 tháng để xây dựng cầu cảng thông minh không

carbon của Cảng Thiên Tân từ một bãi biển hoang vắng, với hiệu suất vận hành tăng hơn 40% và giảm 60% nhân sự so với truyền thống. Tại cảng nước sâu Dương Sơn Thượng Hải, các thiết bị có thể điều khiển từ khoảng cách lên đến 100km.

Đi sau nhưng vượt trước

Ông Mi Weijian, Giáo sư tại Đại học Hàng hải Thượng Hải cho biết, mặc dù Trung Quốc bắt đầu xây dựng các cảng thông minh tương đối muộn, nhưng các chính sách thuận lợi đã liên tiếp được đưa ra trong những năm gần đây. Cùng với việc đầu tư liên tục vào các cảng trong nước và một số lượng lớn các doanh nghiệp công nghệ cao, khái niệm và thực tiễn xây dựng cảng thông minh đã có nhiều đổi mới. Giáo sư Mi Weijian cho biết thêm rằng, mức độ thông minh của các cảng Trung Quốc đã đứng đầu thế giới. Tất cả các cảng lớn ở Thượng Hải và Thiên Tân đều được trang bị cầu trục hoặc đường ray tự động.

Ông Wang Yusheng, Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Cảng Sơn Đông cho biết, kể từ năm 2020, tập đoàn này đã hợp tác với các doanh nghiệp khác để nâng cấp các cơ sở hiện có ở Sơn Đông thành một cảng container hoàn toàn tự động, giảm 70% tổng chi phí so với trước đây. “Hiện giờ chúng tôi có thiết bị đầu cuối truyền thống, thiết bị đầu cuối bán tự động và hoàn toàn tự động. Việc bốc dỡ một con tàu có thể được thực hiện ở 3 loại thiết bị đầu cuối khác nhau, giúp tối đa hóa việc tích hợp các tài nguyên hiện có”.

Với vị trí chủ đạo trong các hoạt động cảng toàn cầu, lẽ tự nhiên kéo theo đó là các nhà khai thác cảng nội địa, các nhà đổi mới công nghệ khu vực tư nhân và các đô thị lân cận cảng ở Trung Quốc sẽ mở rộng và phát triển thêm. Khi các cảng khác trên thế giới học hỏi về công nghệ của các cảng Trung Quốc, các ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới sẽ giúp nâng cao hiệu quả hơn nữa trong giảm phát thải carbon và nâng cao hiệu suất, an toàn cho người lao động.

Cảng thông minh là một hạng mục mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang âm thầm chiếm lĩnh vị trí tiên phong trên toàn cầu. Đổi mới dựa trên công nghệ 5G, AI, công nghệ đám mây và hệ thống vệ tinh Beidou đem lại những lợi thế lớn: giảm lượng khí thải carbon, môi trường làm việc an toàn hơn và tăng đáng kể hiệu quả, năng suất công việc.

Theo (Theo THX/Pandaily)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bi-quyet-giup-trung-quoc-am-tham-di-dau-the-gioi-ve-cang-thong-minh-post528149.antd