Bị phương Tây trừng phạt, tàu chở dầu của Nga chưa tìm được điểm đến

Hàng chục tàu chở dầu thô từ Nga đang di chuyển trên biển mà chưa biết rõ địa điểm chính xác để giao hàng.

Nga gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng mua dầu thô. Ảnh: Getty Images

Tàu chở dầu chất đầy dầu thô, khí đốt của Nga đang gặp khủng hoảng trên các vùng biển toàn cầu. Với việc phương Tây mở rộng tẩy chay dầu thô từ Nga, giới phân tích và giao dịch hàng hóa quốc tế cho rằng chưa biết khách hàng có tiếp nhận mặt hàng này hay không, khi mà Mỹ và châu Âu đang xem xét áp đặt trừng phạt dầu thô Nga.

Sovcomflot là nhà máy đóng tàu lớn nhất của Nga, đồng thời là chủ đội tàu chở dầu cỡ trung bình lớn nhất thế giới có tên gọi Aframaxes, mỗi tàu có thể vận chuyển từ 500.000 and 800.000 thùng dầu/chuyến. Aframaxes cũng đảm nhận nghiệp vụ vận chuyển khí hóa lỏng (LNG).

Tuần trước, 77 trên tổng số 172 tàu chở dầu của Sovcomflot di chuyển trên biển. Trong số này có tàu NS Champion với điểm đến dự kiến là Orkney, Scotland. Nhưng tàu đã phải chuyển hướng và hiện di chuyển về Đan Mạch.

Arthur Richier, chuyên gia phân tích vận tải biển tại hãng Vortexa, cho biết chưa thể biết được tàu NS Champion sẽ trả hàng ở địa điểm nào đó ở châu Âu hay không. “Phương Tây thận trọng trong quyết định ngăn dòng chảy năng lượng từ Nga. Nhưng khi họ trừng phạt các ngân hàng, ngay lập tức dòng tín dụng bị ảnh hưởng và đó là hệ quả mà chúng ta nhận ra đối với Sovcomflo. Chúng ta đang thấy toàn bộ hạ tầng đang gặp vấn đề”, ông Richier nói.

Trong tuần qua, theo ông Paolo Enoizi, Giám đốc điều hành GasLog, một công ty chuyên về vận chuyển LNG, có 7 tàu chở LNG liên quan đến Nga buộc phải chuyển hướng vì lệnh cấm vận.

Để vận chuyển dầu thô, khí đốt của Nga, các công ty sử dụng dịch vụ thuê tàu của Sovcomflot thường có hành trình xuất phát từ các cảng biển ở Biển Baltic, Biển Đen. Những khách hàng lớn của Sovcomflot gồm có Lukoil và Gazprom (Nga), cùng với hai tập đoạn giao dịch hàng hóa lớn là Trafigura và Vitol.

Giới chuyên gia ngành vận tải biển nhận định còn quá sớm để khẳng định liệu Sovcomflot có đang cắt giảm quy mô hoạt động hay không. Theo Kpler, một công ty chuyên về dữ liệu di chuyển tàu chở dầu, chưa xuất hiện thay đổi lớn trong cách thức hoạt động của đội tàu Sovcomflot, nhiều tàu vẫn có điểm đến là châu Âu. Vì thế, cần có thêm thời gian để đánh giá chính xác tác động. “Theo phán đoán của chúng tôi, đây là những tàu hàng đã được lên lịch từ nhiều tuần trước”, Matthew Wright, chuyên gia phân tích cao cấp tại Kpler, bình luận.

Cho đến thời điểm này, Liên minh châu Âu (EU) chưa áp quy định dừng tàu hàng liên quan đến Nga cập cảng tại các nước thành viên. Nhưng khối này nhiều khả năng sẽ theo bước Anh áp một lệnh cấm như vậy – đòn trừng phạt từng được London công bố hồi tuần trước.

Thị trường dầu mỏ toàn cầu đang phải đối mặt với khủng hoảng đứt gãy nguồn cung lớn nhất kể từ thời điểm chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991. Hiện tại, xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn chưa bị Mỹ, EU, Anh cấm vận trực tiếp. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm, lọc dầu và vận tải biển hiện né tránh dầu thô Nga, kể cả chủng loại dầu phẩm cấp cao nhất là Urals, bởi không muốn dính đến rắc rối pháp lý cũng như sợ ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh.

Trung bình Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày cùng với 2,7 triệu thùng xăng dầu thành phẩm, tinh chế. Châu Âu chiếm khoảng 60% lượng dầu xuất khẩu của Nga, đồng thời cũng là thị trường lớn tiêu thụ dầu diesel, xăng, dầu nhiên liệu của Nga. Nhưng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, cầu tiêu thụ dầu thô của Nga giảm mạnh, cước vận tải đối với tàu chở dầu cập cảng Nga để nhận hàng tăng hơn 300%.

Theo hãng tư vấn Energy Aspects, khoảng 70% lượng dầu xuất khẩu của Nga hiện rơi vào tình cảnh khó tìm kiếm khách hàng. 30% còn lại được chuyển tới châu Âu và vùng Viễn Đông Nga. Shell là một trong số ít các hãng lớn vẫn mua dầu của Nga. Hôm 4/3, Shell đặt mua 725.000 thùng dầu Urals của Nga qua tập đoàn Trafigura, với mức chiết khấu kỉ lục - giá giảm 28,50 USD/thùng so với dầu Brent.

Tập đoàn tài chính JPMorgan cũng cho biết lượng dầu xuất khẩu của Nga trong đầu tháng 3 qua các cảng ở Biển Baltic giảm 1 triệu thùng/ngày, qua Biển Đen giảm 1 triệu thùng/ngày, qua cảng Kozmino ở Viễn Đông giảm 500.000 thùng/ngày.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Financial Review)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bi-phuong-tay-trung-phat-tau-cho-dau-cua-nga-chua-tim-duoc-diem-den-20220308130552322.htm