Bị phương Tây quay lưng, Trung Quốc hâm nóng quan hệ với châu Phi

Giữa lúc Trung Quốc đang phải đối mặt với sự quay lưng của phương Tây, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn 'hâm nóng' quan hệ với các quốc gia tại châu Phi.

Tại cuộc họp của các thành viên trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết đóng góp 2 tỷ USD cho WHO trong 2 năm tới để hỗ trợ các nước đang phát triển, đồng thời nhắc nhở châu Phi về mối quan hệ lâu dài của họ với Bắc Kinh, theo CNN.

Trong 7 thập kỷ qua, Bắc Kinh đã gửi nhiều khoản viện trợ cho 200 triệu người dân châu Phi. Ông Tập cũng khẳng định sẽ giúp đỡ 30 bệnh viện tại châu Phi, thành lập cơ quan y tế xuyên lục địa và đảm bảo quyền tiếp cận vaccine cho châu lục này.

Ông Tập đưa ra những cam kết này trong bối cảnh vị thế chính trị của Bắc Kinh đang khá bấp bênh trên trường quốc tế.

 Ông Tập mong muốn "hâm nóng" mối quan hệ với châu Phi. Ảnh: Reuters.

Ông Tập mong muốn "hâm nóng" mối quan hệ với châu Phi. Ảnh: Reuters.

Dù chưa từng chỉ trích phản ứng của Trung Quốc khi đối phó với đại dịch, nhóm các nước châu Phi mới ủng hộ một nghị quyết kêu gọi cuộc điều tra độc lập về virus corona. Nghị quyết do Liên minh Châu Âu (EU) soạn thảo đã nhận được hơn 100 chữ ký từ đại diện nhiều quốc gia trên thế giới.

Trước đó, nhóm đại sứ châu Phi cũng viết một lá thư chung, yêu cầu Bắc Kinh giải thích cho nạn phân biệt chủng tộc nhắm vào công dân châu Phi tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Đồng minh ngoại giao quan trọng

Trung Quốc và các nước châu Phi thiết lập quan hệ ngoại giao từ giữa thế kỷ XX, thời điểm Bắc Kinh tập trung “kết bạn” với những quốc gia mới dành được độc lập và đang nỗ lực đi tìm kiếm sự công nhận.

Kể từ đó, châu Phi trở thành một bên hậu thuẫn quan trọng cho Bắc Kinh, nhất là khi nước này muốn đẩy Đài Loan ra khỏi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đảm nhận cương vị thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.

Trong nhiều thập kỷ sau đó, bất chấp làn sóng chỉ trích Trung Quốc từ các nước phương Tây và Mỹ, châu Phi tiếp tục là một người bạn tốt, sẵn lòng ủng hộ Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Gần đây nhất, khi Mỹ gây áp lực lên “người khổng lồ” Huawei, nhiều nền kinh tế chủ chốt tại châu Phi, bao gồm Kenya và Nam Phi, lại hoan nghênh và tạo điều kiện cho tập đoàn viễn thông này.

 Châu Phi là đồng minh ngoại giao lâu năm của Trung Quốc. Ảnh: Africa News.

Châu Phi là đồng minh ngoại giao lâu năm của Trung Quốc. Ảnh: Africa News.

“Mỗi lần bị Mỹ và các nước phương Tây chỉ trích kịch liệt, Trung Quốc đều quay sang người bạn lâu năm - châu Phi”, trợ lý giáo sư Lina Benabdallah tại ĐH Wake Forest nhận định. “Bắc Kinh cần các đối tác đến từ châu Phi để củng cố hình ảnh của một cường quốc không bị cô lập”.

“Ở chiều ngược lại, nhiều quốc gia đang phát triển của châu Phi cũng muốn được hỗ trợ trong cuộc chiến với Covid-19”, chuyên gia về quan hệ quốc tế, ông Ovigwe Eguegu cho biết.

Trung Quốc đã nhiều lần giúp đỡ châu Phi khi châu lục này phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Tháng 11/ 2014, Trung Quốc dành 123 triệu USD để hỗ trợ nỗ lực chống dịch Ebola trên toàn cầu.

Phép thử tình bạn

Trong thời gian gần đây, mối quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc và châu Phi có dấu hiệu rạn nứt dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Cuối tháng 2, dư luận Kenya phẫn nộ khi một chiếc máy bay của Trung Quốc trả 239 hành khách tại Nairobi mà không thực hiện kiểm dịch. Vụ việc xảy ra giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến khá nghiêm trọng tại Trung Quốc, kéo theo quyết định tạm dừng các chuyến bay giữa Trung Quốc và châu Phi cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tháng 4 vừa qua, châu Phi đề nghị nhóm G20 thông qua gói cứu trợ trị giá 100 tỷ USD, trong đó 44 tỷ USD được hoãn trả hoặc xóa nợ. Trung Quốc, quốc gia nắm trong tay 1/5 khoản nợ của châu Phi, khẳng định không có chính sách ưu đãi nào cho “người bạn” lâu năm.

Song thách thức lớn nhất đe dọa “tình bạn” này là hàng loạt hình ảnh gây sốc tại Quảng Châu (Trung Quốc), cho thấy chủ nhà trọ đuổi đánh và các khách sạn không chịu tiếp nhận người châu Phi. Giới chức thành phố còn bắt buộc tất cả người châu Phi xét nghiệm và cách ly, dù họ có lịch sử di chuyển đáng lo ngại hay không.

 Đối xử bất công với người châu Phi là vết nhơ trong mối quan hệ giữa châu Phi và Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Đối xử bất công với người châu Phi là vết nhơ trong mối quan hệ giữa châu Phi và Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Tình trạng phân biệt chủng tộc đáng báo động tại Trung Quốc khiến một nhóm đại sứ châu Phi cùng ký lá thư kiến nghị gửi chính phủ Trung Quốc. Dù Bắc Kinh đã nhanh tay xử lý, cơn giận của châu Phi vẫn chưa thể nguôi ngoai. Nhiều bộ trưởng tại Nigeria đề xuất các biện pháp trả đũa, như điều tra lý lịch pháp lý của tất cả người Trung Quốc tại nước này.

“Đối xử bất công với người châu Phi là vết nhơ trong mối quan hệ ngoại giao giữa châu Phi và Trung Quốc. Bài phát biểu của ông Tập dường như gửi đi thông điệp: châu Phi vẫn là ưu tiên của nước này”, chuyên gia Eguege nhận định.

Bài phát biểu của ông Tập có thể trấn an lãnh đạo chính phủ nhiều nước châu Phi, song người dân “lục địa đen” khó có thể quên được những hình ảnh kinh hoàng tại Quảng Châu, CNN dẫn lời bình của chuyên gia này.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-phuong-tay-quay-lung-trung-quoc-ham-nong-quan-he-voi-chau-phi-post1086954.html