Bí mì sợi - 'quà tặng' của cao nguyên Đà Lạt

Mới đây, mô hình trồng bí mì sợi của Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt (thôn Xuân Thành, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) ra đời đã cung cấp cho thị trường một loại quả đặc biệt, được người tiêu dùng đón nhận.

Vườn bí mì sợi tại Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt cho năng suất cao.

Vườn bí mì sợi tại Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt cho năng suất cao.

Đà Lạt là vùng có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông sản chất lượng cao, trở thành trọng điểm nông nghiệp công nghệ cao của khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước. Trong nhiều năm qua, nông dân Đà Lạt thành công trong việc nhân giống, phát triển các loại cây trồng đặc sản, mang lại nguồn lợi lớn. Mới đây, mô hình trồng bí mì sợi của Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt (thôn Xuân Thành, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) ra đời đã cung cấp cho thị trường một loại quả đặc biệt, được người tiêu dùng đón nhận.

“Gieo mầm” cho loại nông sản độc đáo

Dù mới du nhập vào Đà Lạt, bí mì sợi đã nhanh chóng thích nghi, cho năng suất cao, chất lượng tốt. Cấu tạo độc đáo, hàm lượng dinh dưỡng cao và quy trình nuôi trồng hữu cơ tốt cho sức khỏe, là những ưu điểm bí mì sợi mang lại.

Vườn nhà Đà Lạt là một trong những hợp tác xã nông nghiệp tiên phong nhân giống sản xuất giống bí độc đáo này. Đến thăm khu sản xuất của Hợp tác xã, được tận mắt chứng kiến người nông dân thu hoạch, tìm hiểu quy trình sản xuất và tiêu thụ, mới thấy sự sáng tạo, năng động của những người chủ Vườn nhà Đà Lạt. Cả khu trồng bí rộng, lúc lỉu những quả bí to tròn đang được nông dân khẩn trương thu hái để cung cấp ra thị trường.

Thu hoạch bí mì sợi tại Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt.

Thu hoạch bí mì sợi tại Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt.

Việc đưa trái bí mì sợi về trồng ở Đà Lạt cũng rất tình cờ. Chị Lương Thị Yến Vân - Giám đốc Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt chia sẻ: “Tôi vốn hay tìm hiểu những món lạ ở trên mạng. Một lần tình cờ, tôi vào Youtube thấy có giống bí kéo ra được những sợi như sợi mì. Vì tò mò nên tôi đã tìm ra được hạt giống, đem về Đà Lạt trồng thử nghiệm và đã thành công. Từ đó đến nay, đã 4 năm trái bí mì sợi bén duyên với đất Đà Lạt và hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi này.”

Bí mì sợi có lớp vỏ thô cứng, màu xanh nhạt, được trồng bằng cách gieo hạt trực tiếp vào vườn. Thoạt nhìn, loại quả này không có gì đặc biệt, với vẻ ngoài gần giống với các loại dưa quen thuộc. Tuy nhiên, bất ngờ lại nằm bên trong, khi được đem đi nấu chín, chúng có phần ruột đặc biệt, cấu tạo bởi rất nhiều sợi dài, mỏng giống như những sợi mì. Sợi bí có thể dùng để chế biến rất nhiều món ăn khác nhau như: mì Ý, sốt thịt, xào trứng,...

Để phát triển diện tích trồng bí mì sợi, Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt liên kết với khoảng 50 hộ nông dân để trồng bí, nhà nhiều nhất là 4.000m2, ít nhất là 1.000m2.

Thu hoạch bí mì sợi tại Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt.

Thu hoạch bí mì sợi tại Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt.

Dù là loại quả mới, song bí mì sợi ngay lập tức hút người tiêu dùng. Hiện mỗi ngày, Hợp tác xã thu hoạch khoảng 300 trái bí, thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, theo các kênh phân phối đầu mối. Một quả bí nặng từ 1- 2 kg, có giá bán trên thị trường từ 120.000 – 150.000 đồng mỗi quả.

Chị Võ Ngọc Em, trú tại quận Bình Thạch, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi đã từng ăn loại bí mì sợi ở bên Nhật và bất ngờ khi thấy nông sản này xuất hiện ở Đà Lạt. Việc bí mì sợi được trồng ở trong nước sẽ giúp tôi mua loại quả này trở nên dễ dàng hơn”.

Để đưa bí mì sợi tới gần hơn với người tiêu dùng trong nước, Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt đang bán hàng qua nhiều kênh phân phối và đa dạng hóa hình thức quảng bá. Trong đó, Hợp tác xã tập trung làm những video giới thiệu trên kênh TikTok để tạo ấn tượng trực tiếp đến người tiêu dùng.

Mang lại giá trị bền vững

Bí mì sợi cấu tạo bởi rất nhiều sợi dài, mỏng giống như sợi mì.

Bí mì sợi cấu tạo bởi rất nhiều sợi dài, mỏng giống như sợi mì.

Hướng tới những giá trị lâu dài, bí mì sợi được trồng theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn khoa học và bền vững. Cam kết trồng “sạch”, hoàn toàn theo mô hình hữu cơ an toàn - bí mì sợi của Vườn nhà Đà Lạt hướng tới khách hàng chủ yếu là trẻ ăn dặm, người ăn kiêng và những bệnh nhân tiểu đường hạn chế ăn tinh bột. Bởi vậy, quy trình chăm sóc bí của Hợp tác xã rất nghiêm ngặt, không sử dụng bất kỳ một loại thuốc hóa học nào, thay vào đó chỉ sử dụng đèn bẫy và miếng dán côn trùng để tránh bị sâu hại. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường là hoàn toàn thuần hữu cơ, Hợp tác xã yêu cầu tất cả các hộ dân chỉ sử dụng phân bón vi sinh.

“Có thể nhìn bằng mắt thường trên bề mặt lá, xuất hiện những bệnh như bệnh phấn trắng. Tuy nhiên chúng tôi vẫn không phun thuốc, không sử dụng phân bón hóa học để đảm bảo sản phẩm đưa ra cho thị trường là sạch” - chị Nguyễn Thị Tường Thảo, thành viên Hợp tác xã chia sẻ.

Do đặc trưng của quả và do quy trình chăm sóc tốt nên bí rất giòn, độ ngọt của rau củ khiến người tiêu dùng ưa chuộng. Điều này đã mở ra thị trường nhiều tiềm năng đối với loại quả này.

Sử dụng đèn bẫy và miếng dán côn trùng để tránh bị sâu hại cho vườn bí mì sợi.

Sử dụng đèn bẫy và miếng dán côn trùng để tránh bị sâu hại cho vườn bí mì sợi.

Từ khi chuyển đổi sang trồng bí mì sợi, đời sống, thu nhập của các thành viên Hợp tác xã đã có những chuyển biến đáng kể. “Lần đầu trồng giống bí này tôi cũng cảm thấy lo nhưng kết quả khá bất ngờ. Bí trồng được, thu nhập cũng đi lên, nên đợt sau sẽ canh tác nhiều hơn.”, anh Trương Đoàn Văn Nghĩa, nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Vườn nhà Đà Lạt cho biết.

Chị Lương Thị Yến Vân - Giám đốc hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt mong muốn giống bí mì sợi được nhiều nông dân trồng, mở rộng diện tích để mang lại nguồn thu và ngày càng đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của thị trường.

Minh Ngọc - Quỳnh Chi

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/bi-mi-soi-qua-tang-cua-cao-nguyen-da-lat-20230518122747037.htm