Bí mật của người thông minh

Người thông minh có những khả năng nổi bật, người ngoài dễ dàng nhận thấy. Tuy nhiên, họ có 6 bí mật ít người biết đến.

1. Luôn tò mò: Người thông minh luôn tò mò về những khía cạnh trong cuộc sống. Họ không ngừng suy nghĩ và đặt câu hỏi "vì sao" cho mọi vấn đề. Một nghiên cứu từ Đại học Goldsmiths, London (Anh) chỉ ra việc dành nhiều thời gian để suy nghĩ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nhận thức, trí tuệ con người. Một nghiên cứu khác được đăng tải trên tạp chí khoa học Journal of Individual Differences cho thấy những người IQ cao thường hứng thú với những kiến thức, ý tưởng mới mẻ. Ngoài ra, các nhà khoa học tại Học viện Công nghệ Georgia (Mỹ) phát hiện người thông minh luôn bị thu hút bởi những kiến thức "mơ hồ". Điều này kích thích, đòi hỏi họ phải tư duy theo cách khác. Ảnh: RiseSmart.

2. Thích ở một mình: Các nhà khoa học tại Đại học Quản lý Singapore (Singapore) và Học viện Kinh tế London (Anh) đã thực hiện một khảo sát để chứng minh mối tương quan giữa trí thông minh và việc thích ở một mình. Kết quả cho thấy người có chỉ số thông minh cao thường cảm thấy không thoải mái khi ở chỗ đông người. Họ thích tụ tập theo nhóm nhỏ, hoặc dành thời gian ở một mình để suy nghĩ, lập kế hoạch, đọc sách. Ảnh: Bakeri Group.

3. Thích nói chuyện với chính mình: Người thông minh có xu hướng thích ở một mình và làm việc độc lập. Do đó, họ thường trao đổi, trò chuyện với chính mình, giống như đang làm việc với người khác. Hai nhà tâm lý học Paloma Mari-Beffa và Alexander Kirkham tại Đại học Bangor (Vương Quốc Anh) đã thực hiện một nghiên cứu về vấn đề này. Cụ thể, người tham gia nghiên cứu được giao nhiệm vụ đọc thầm hoặc đọc thành tiếng một văn bản. Kết quả cho thấy khả năng tập trung và tiếp thu kiến thức của người đọc thành tiếng tốt hơn người đọc thầm. Ảnh: New York Post.

4. Hài hước: Năm 2011, một nghiên cứu của Đại học New Mexico chỉ ra những diễn viên hài, hoặc người viết kịch bản phim hài có trí thông minh ngôn ngữ cao hơn những người kém hài hước, theo News Week. Người thông minh mang lại tiếng cười cho người khác và chính mình. Các nhà nghiên cứu tại Áo phát hiện khi con người trải qua những trạng thái tích cực như vui vẻ, hạnh phúc, não bộ sẽ giải phóng dopamine nhiều hơn. Dopamine đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng tập trung, ghi nhớ, tư duy. Con người sẽ làm việc, học tập tốt hơn khi kiến thức được truyền tải bằng những phương pháp hài hước, thú vị. Ảnh: PhotoPin.

5. Cởi mở: Một nghiên cứu tâm lý năm 2008 của Đại học Yale (Mỹ) cho thấy những người thông minh có xu hướng cởi mở với quan điểm của người khác. Thay vì bảo thủ, giữ nguyên ý kiến của bản thân, họ sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận đóng góp của mọi người. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người thông minh dễ bị "thao túng". Khi được góp ý, họ sẽ vạch ra những điều tốt và chưa tốt, từ đó hoàn thiện dựa trên những ý tưởng ban đầu của mình, thay vì "đập đi xây lại" toàn bộ. Ảnh: Parents.

6. Không kiêu ngạo: Người IQ cao thường không tự cho mình thông minh, vượt trội hơn người khác. Ngoài ra, họ luôn biết những mặt bất lợi và hạn chế của bản thân. Khi nhận lời khen hoặc được góp ý, họ sẽ tự lấy đó làm động lực để không ngừng thay đổi, làm mới bản thân. Nghiên cứu năm 1999 của hai nhà tâm lý học xã hội David Dunning và Justin Kruger đã chỉ ra một hiện tượng mới gọi là Hiệu ứng Dunning-Kruger. Đây là một dạng thiên kiến nhận thức, trong đó mọi người đánh giá khả năng nhận thức của họ cao hơn năng lực thực tế. Qua đó, người bất tài có xu hướng đánh giá quá cao bản thân, trong khi người thông minh không nhận ra những tiềm năng to lớn của chính mình. Ảnh: Grasshopper.

Minh Thúy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-mat-cua-nguoi-thong-minh-post1190778.html