Bí kíp làm nỏ 'bách phát bách trúng' của người Dao

Cầm chiếc nỏ trên tay, ông Bàn Văn Tuấn, xã Xuân Thượng (Bảo Yên) nâng niu như bảo vật. Ông tâm sự: Nhiều người hỏi mua giá cao nhưng ông quyết không bán bởi trong những chiếc nỏ mà ông làm bao năm qua, đây là chiếc ông ưng ý nhất.

Cho chúng tôi xem những dòng tin nhắn trên điện thoại của khách đặt làm nỏ, có người là khách quen, có người ông chưa hề gặp mặt, ông Tuấn bảo, mình không làm theo số lượng mà lúc nào việc đồng áng nhàn rỗi, tâm trạng thư thái mình mới làm. Ngày “nảy mực” đi những đường bào đầu tiên cũng phải xem kỹ.

“Mình không mê tín gì đâu nhưng chọn ngày, chọn giờ tốt để làm thì cảm thấy mỗi đường cưa, mũi đục như có ai chỉ dẫn, chiếc nỏ đẹp, thanh thoát” - ông Tuấn tâm sự.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Xuân Thượng, nơi có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống, từ nhỏ ông Tuấn đã xem những người già trong thôn làm nỏ.

Ông Tuấn kể: Đám trẻ con trong thôn cũng chặt cây, đẽo gọt bắt chước, thế là đam mê làm nỏ đã ngấm vào người lúc nào không biết. Đến tuổi mười tám, đôi mươi, khi đôi tay đã cứng cáp để cắt cây, uốn cánh nỏ, mình mới bắt đầu dành tâm sức tìm hiểu làm một cây nỏ thật chuẩn thì cần những gì. Thế là mình đi hỏi người già có kinh nghiệm trong thôn, có người nhiều kinh nghiệm làm thân, có người thì nắm giữ “bí kíp” làm cánh, lại có người giỏi vót tên…

Chiếc nỏ truyền thống của người Dao gồm có báng (thân) nỏ, cánh nỏ, lẫy nỏ, dây nỏ và tên. Báng nỏ làm từ gỗ sến hoặc gỗ trai là tốt nhất. Ông Tuấn cho biết: Hai loại gỗ này ngày càng khan hiếm nhưng muốn tìm một loại gỗ thay thế rất khó, bởi phải đảm bảo không cong, vênh, không trơn.

Trước đây chỉ làm báng nỏ sao cho cầm vừa tay, qua nhiều lần căn chỉnh, ông Tuấn cho ra kích thước thông dụng nhất là 85 x 5 x 2,5 cm. Dây nỏ trước đây bằng dây gai nay cũng được thay thế bằng titan trong lõi dây cáp quang viễn thông bện vào; lẫy nỏ làm từ sừng trâu, cánh nỏ làm bằng thân cây luồng đắng già.

Trong các bộ phận làm nên chiếc nỏ thì cánh nỏ giữ vai trò quan trọng nhất, bởi cánh là “trái tim” của nỏ, tất cả sức mạnh đều hội tụ nơi đây. Người làm nỏ phải ưu tiên chọn loại gỗ tốt để làm cánh có độ rắn, chắc, đàn hồi cao, giữ được tính ổn định trong mọi điều kiện thời tiết. Cánh nỏ phải được chuốt thật thẳng, hai bên dày đồng đều để có độ xạ lực cao, mũi tên mới đi chính xác. Để làm cánh nỏ có khi phải tính bằng năm, bởi gỗ sau khi lấy về phải treo trên gác bếp, hong khô một thời gian mới mang ra làm được.

Với kinh nghiệm tự đúc rút qua nhiều năm làm nỏ, ông Tuấn cho biết: Khi đục lỗ lắp cánh sẽ chưa chêm chặt ngay mà phải bắn thử nhiều lần, khi nào thật ưng ý mới chêm gỗ thật chặt. Đục rãnh ở báng nỏ để đặt tên tưởng là dễ dàng nhưng cũng phải làm thật tỉ mỉ, chỉ cần lệnh một ly là tên đi không chính xác.

Để nỏ bắn trúng đích cách xa khoảng 25 m - 30 m, bay hết tầm có thể hơn 100 m, ngoài việc có chiếc nỏ cân đối, cần có loại mũi tên phù hợp. Mũi tên làm bằng cật nứa sấy khô, một mũi tên sẽ ghép bằng hai cật nứa, sau đó mới vót tròn và lắp cánh bằng lá cọ.

Cây nỏ là vật dụng phổ biến trong gia đình đồng bào dân tộc Dao. Những năm gần đây, chiếc nỏ được người Dao ở Xuân Thượng giữ gìn như là một trong những cách để lưu giữ nét văn hóa truyền thống. Đặc biệt, trong mỗi dịp sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, bắn nỏ đã trở thành môn thể thao không thể thiếu, được bà con yêu thích.

Để giữ gìn và hun đúc niềm yêu thích với chiếc nỏ truyền thống, ông Tuấn đã đứng ra thành lập câu lạc bộ bắn nỏ xã Xuân Thượng, đến nay câu lạc bộ đã hoạt động được 10 năm, hiện có 12 thành viên, trong đó có cả thành viên nữ. Ông Tuấn đã đại diện cho câu lạc bộ tham dự nhiều hội thao dân tộc thiểu số và đạt nhiều thành tích cao. Câu lạc bộ bắn nỏ xã Xuân Thượng cũng được nhiều câu lạc bộ bắn nỏ các tỉnh lân cận kết nối giao lưu. Ông Tuấn tự hào bởi chiếc nỏ truyền thống của dân tộc mình vẫn được thế hệ trẻ yêu quý, giữ gìn như một nét văn hóa truyền thống.

Ông Lương Văn Soái, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thượng cho biết: Sự say mê giữ gìn chiếc nỏ truyền thống của ông Bàn Văn Tuấn đã truyền cảm hứng cho con em đồng bào dân tộc Dao địa phương về niềm tự hào với bản sắc văn hóa truyền thống. Cùng với chiếc nỏ truyền thống, tới đây xã Xuân Thượng tiếp tục rà soát, định hướng những việc làm cụ thể để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc ở địa phương.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bi-kip-lam-no-bach-phat-bach-trung-cua-nguoi-dao-post380037.html