Bí kíp giúp trẻ tự tin thể hiện chính kiến

Tự tin trong giao tiếp giúp trẻ mạnh dạn trao đổi với mọi người, tự tin đề xuất hoặc nói lên những mong muốn, suy nghĩ, chính kiến của mình.

Mạnh dạn tự tin trong giao tiếp là kỹ năng rất cần thiết đối với mỗi trẻ em. Mạnh dạn giao tiếp không những là điều kiện cơ bản để phát triển trí tuệ mà còn phát triển cả về mặt ngôn ngữ và nhận thức xã hội của trẻ.

Trẻ muốn giao tiếp tốt phải có ngôn ngữ phong phú, đa dạng, hiểu biết nhiều…

Giao tiếp là công cụ đắc lực giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội. Tự tin trong giao tiếp giúp trẻ mạnh dạn trao đổi với mọi người, tự đề xuất hoặc nói lên những mong muốn, suy nghĩ hoặc ý kiến của mình với người khác, giúp trẻ có thể mở lòng mình để tâm sự, sẻ chia cùng mọi người.

Giao tiếp là công cụ đắc lực giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội.

Theo các chuyên gia, lòng tự tin ở trẻ hình thành chủ yếu nhờ sự giúp sức đúng cách của cha mẹ. Cha mẹ cần thấu hiểu được nguyên nhân khiến trẻ thiếu tự tin, ngại giao tiếp, trước khi xây dựng cho con những suy nghĩ và hành vi tích cực.

Trẻ thường thiếu tự tin do từng chịu tổn thương tâm lý (bị dọa nạt, chọc ghẹo, xúc phạm…) hoặc do ngoại hình bất thường so với bạn bè (sún răng, thừa cân, béo phì, dị tật...).

Cách dạy con theo lối áp đặt, ra lệnh, quát mắng hay phạt đòn... cũng khiến trẻ sợ hãi, không dám bày tỏ bản thân. Khi mẹ xác định đúng nguyên nhân, quá trình giúp trẻ tự tin hơn sẽ nhanh và hiệu quả.

Một số cách dưới đây cha mẹ có thể tham khảo để giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, mạnh dạn tự tin thể hiện chính kiến của bản thân.

Cha mẹ làm gương: Nếu cha mẹ thuộc tuýp người sống nội tâm, giao tiếp kém thì cũng dễ khiến trẻ nhút nhát, thiếu tự tin. Vì thế, cha mẹ cần thể hiện sự tự tin, và thường xuyên giao tiếp với trẻ.

Hãy hướng trẻ đến những điều tích cực từ những năm tháng đầu đời. Khi ra ngoài, hãy vui vẻ chào hỏi và bắt chuyện với mọi người trước mặt trẻ. Đây là cách giúp trẻ tự tin và tăng khả năng giao tiếp.

Trò chuyện thường xuyên với con. Và dù bé có đưa ra ý kiến sai cũng nên lắng nghe và phân tích cho con hiểu. Không nên ngắt lời con giữa chừng, hoặc tỏ thái độ khó chịu, sẽ khiến trẻ tổn thương, tủi thân, tạo thành tâm lý nhút nhát, ngại ngùng.

Nhờ đó, phụ huynh có thể phát hiện những khả năng tiềm ẩn, hoặc những hành vi bất thường ở trẻ để có cách ứng xử phù hợp. Ngoài ra, cha mẹ có thể tập cho trẻ hát, kể chuyện trước cả gia đình. Sau một thời gian, trẻ sẽ không còn sợ hay ngại ngùng nơi đông người.

Khuyến khích và động viên con mỗi ngày: Cách giúp trẻ tự tin là để con biết cha mẹ luôn yêu thương, tin tưởng bé. Khi trẻ làm tốt đừng quên khen ngợi, hãy khích lệ trẻ bằng câu “Con làm rất tốt, bố mẹ tự hào về con”.

Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ nên nhẹ nhàng giải thích và hướng dẫn con khắc phục tốt hơn vào lần sau.

Phụ huynh tuyệt đối không so sánh, hạ thấp con bằng những câu nói: “Sao con học kém hơn chị?” hay “Cha mẹ thất vọng vì con”... Điều này sẽ khiến trẻ tổn thương và rất khó lấy lại sự tự tin.

Tham gia trò chơi với các bạn sẽ giúp con năng động và tự tin hơn.

Khích lệ con phát biểu trước đám đông; Tập cho trẻ thói quen tự lập; Đặt mục tiêu và nỗ lực thực hiện...

Chăm chút ngoại hình: Suy nghĩ rằng bản thân không đẹp, không hoàn hảo khiến trẻ nhút nhát, ngại ngùng vì sợ bạn bè trêu chọc. Do đó, cha mẹ cần chú ý chăm sóc về ngoại hình, để trẻ luôn tươm tất và sạch sẽ khi ra ngoài. Khi trẻ xinh đẹp và được mọi người khen ngợi, trẻ cũng sẽ tự tin hơn.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng dạy trẻ không nên quá quan trọng bề ngoài, giá trị tốt đẹp nhất không nằm ở bộ trang phục mà ở nhân cách mỗi con người.

Hoài Phi

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/bi-kip-giup-tre-tu-tin-the-hien-chinh-kien-20240327105427633.htm