'Bi kịch nhỏ' ngày một lớn

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, từ đầu năm tới nay mỗi tuần có tới 11 trẻ em đã thiệt mạng trên biển, khi cùng người thân cố gắng vượt qua tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải để đến châu Âu.

Cảnh sát biển cứu những đứa trẻ theo người lớn tị nạn ở bờ biển Lesbos (Hy Lạp). Ảnh: AFP.

UNICEF ước tính kể từ năm 2018, hành trình đầy nguy hiểm này đã khiến khoảng 1.500 trẻ em thiệt mạng hoặc mất tích. Đáng chú ý, thống kê này không bao gồm các trường hợp tàu thuyền bị mất tích trên biển mà không có người sống sót hoặc không để lại dấu tích gì. Điều đó có nghĩa là con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Bà Catherine Russell - Giám đốc điều hành UNICEF cho biết, trong nỗ lực tìm kiếm sự an toàn, đoàn tụ với gia đình và tìm kiếm tương lai, quá nhiều trẻ em đã lên thuyền vượt Địa Trung Hải và cuối cùng phải bỏ mạng hoặc mất tích. Tính từ đầu năm nay đến nay, khoảng 11.600 trẻ em di cư, trong đó nhiều em không có người thân đi cùng, đã đến các bờ biển của Italy, gấp khoảng 2 lần so với năm 2022.

Trong khi đó, LHQ đã ra lời kêu gọi bảo vệ trẻ em khỏi bị sát hại, bị tuyển lính, bị xâm hại tình dục và các tội ác khác. Trình bày báo cáo thường niên mới nhất tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, bà Virginia Gamba - đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Trẻ em và xung đột vũ trang đã kêu gọi “hành động táo bạo và quyết đoán” để bảo vệ các bé trai và bé gái trước các nguy cơ. Trong số các vụ vi phạm được xác minh, trong năm 2022, có tới 18.890 trẻ em phải trải qua những vi phạm nghiêm trọng trong các cuộc xung đột vũ trang. 8.630 trẻ em trong số đó đã thiệt mạng hoặc bị thương tật. 7.622 trẻ được tuyển mộ để tham gia chiến đấu và 3.985 trẻ bị bắt cóc.

“Trẻ em thiệt mạng hoặc bị thương tích trong các cuộc không kích, bằng vũ khí nổ, đạn thật, trong các cuộc giao tranh hoặc trong các cuộc tấn công trực tiếp. Trong nhiều trường hợp, các em trở thành nạn nhân của chất nổ còn sót lại sau chiến tranh” - bà Gamba nói và nhấn mạnh: “Đây là lý do tại sao chúng ta phải nhớ rằng đằng sau những con số là khuôn mặt của những đứa trẻ phải chịu đựng bạo lực vũ trang trên toàn cầu. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn và bảo vệ con em chúng ta khỏi sự tàn phá của xung đột vũ trang”.

Ngoài ra, báo cáo của LHQ cũng ghi nhận 1.165 trẻ em, chủ yếu là trẻ em gái, đã bị xâm hại tình dục, hôn nhân cưỡng bức, hay trở thành nô lệ tình dục hoặc bị tấn công tình dục. Nhiều trường hợp trong số này đã tử vong.

Như vậy, những nỗ lực bảo vệ trẻ em vẫn chưa đủ. Trong nhiều trường hợp chỉ dừng lại ở những lời hô hào. Và chính điều đó đã khiến những “bi kịch nhỏ” ngày một thêm lớn.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bi-kich-nho-ngay-mot-lon-5724000.html