Bi kịch của bệnh nhân ung thư mở đường cho y học hiện đại

Các tế bào trích lấy từ cơ thể của một phụ nữ da đen nghèo, chết vì ung thư ở Mỹ vào năm 1951 đã mở đường cho những tiến bộ lớn nhất trong y học ngày nay.

Henrietta Lacks là người phụ nữ da đen sinh năm 1920 tại Roanoke, Virginia. Cô sống cùng chồng và 4 người con tại Turner Station khi bắt đầu có những dấu hiệu của căn bệnh ung thư.

Sau những xét nghiệm quan trọng, bệnh viện John Hopkins đã chẩn đoán Henrietta mắc bệnh “Ung thư biểu mô cổ tử cung, giai đoạn 1”. Cô qua đời lúc 12h15 sáng 4/10/1951.

 Chân dung bà Henrietta Lacks vào những năm 1940. Ảnh: Henrietta Lacks Foundation.

Chân dung bà Henrietta Lacks vào những năm 1940. Ảnh: Henrietta Lacks Foundation.

Việc Henrietta ra đi là một tấn bi kịch với gia đình cô. Tuy nhiên, đối với thế giới nghiên cứu y học, một phần cơ thể của bà lại là một điều kỳ diệu.

Tế bào cơ thể người bất tử đầu tiên

Vào ngày Henrietta đến bệnh viện điều trị, bác sĩ phẫu thuật Lawrence Wharton Jr. đã cầm một con dao sắc và cắt hai mẩu mô to bằng đồng 10 xu từ cổ tử cung của Henrietta.

Một mẩu từ khối u, và một mẩu từ phần mô cổ tử cung bình thường gần đó. Sau đó, vị bác sĩ tiến hành điều trị ung thư cho Henrietta bằng radium.

Thật kỳ lạ, trong khi bệnh nhân Henrietta đang dần đi đến cái chết, thì các tế bào được cắt ra từ cơ thể cô lại đang sống sót và sinh trưởng một cách tuyệt vời bởi công nghệ nuôi cấy của các nhà khoa học.

Vắc xin bại liệt, hóa trị hay nhân bản tế bào, tất cả cột mốc này và nhiều thành tựu y học khác đều có liên quan đến sự sống và cái chết của một bà mẹ trẻ.

 Tế bào của Henrietta Lacks phân chia không ngừng sau khi được lấy ra từ cơ thể bà. Ảnh: Shutterstock.

Tế bào của Henrietta Lacks phân chia không ngừng sau khi được lấy ra từ cơ thể bà. Ảnh: Shutterstock.

Trước đó, các nhà khoa học tại bệnh viện Johns Hopkins đã tốn rất nhiều năm để cố gắng tạo ra một dòng tế bào có thể tái tạo liên tục nhưng chưa bao giờ thành công.

Các tế bào bình thường lấy từ cơ thể người và giữ trong phòng thí nghiệm đều có tuổi thọ giới hạn.

Tuy nhiên, khi nhận được tế bào ung thư của Henrietta, nhà khoa học George Gay đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng các chúng không những không chết mà còn phát triển theo cấp số nhân mỗi 24 giờ.

Tế bào của Henrietta, hay còn được biết đến với cái tên hệ gen "HeLa" đã trở thành dòng tế bào bất tử đầu tiên của con người trong lịch sử.

Tất cả nghiên cứu và thí nghiệm đột nhiên đều trở nên khả thi nhờ tế bào HeLa. Việc có một tế bào sống bên ngoài cơ thể con người giúp các bác sĩ có thể theo dõi quá trình phân chia tế bào diễn ra thế nào, cũng như cách hoạt động của virus bên trong tế bào.

Hơn nữa, tế bào bất tử này còn cho phép các nhà khoa học thực hiện những thí nghiệm mà họ không thể thực hiện trên cơ thể con người.

Theo Guardian, kể từ năm 1951, tế bào HeLa đã tiếp xúc với vô số chất độc, thử nghiệm nhiễm trùng và thậm chí là nhiễm phóng xạ.

 Nhờ tế bào trích từ khối u của Henrietta trong quá trình phẫu thuật, nhân loại có được hàng loạt thành công trong nghiên cứu. Ảnh: NHGRI.

Nhờ tế bào trích từ khối u của Henrietta trong quá trình phẫu thuật, nhân loại có được hàng loạt thành công trong nghiên cứu. Ảnh: NHGRI.

Tất cả đã dẫn đến hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn kiến thức mới, đồng thời giúp định hình cách thức phát triển của y học trong nửa sau thế kỷ 20 đến nay.

Một nhà nghiên cứu đã ước tính rằng nếu đặt những tế bào HeLa nối tiếp nhau, chúng có thể quấn quanh hành tinh ít nhất 3 lần.

Bi kịch với mẹ đẻ y học hiện đại

Tế bào HeLa nhanh chóng trở thành hiện tượng trong cộng đồng khoa học và được mệnh danh là "viên gạch đầu tiên" của sinh học hiện đại.

Tuy nhiên, trái ngược với sự vui mừng của các nhà khoa học là sự thật nghiệt ngã với chủ nhân của tế bào bất tử.

Sự hung hăng của các khối u này cũng đồng nghĩa với việc liệu pháp điều trị bằng radium cho Henrietta không thể chữa căn bệnh ung thư. Sau khi qua đời, bà được chôn cất tại một nghĩa trang vô danh ở Virginia.

Mặc dù Henrietta là trung tâm của một phép màu y học, gia đình bà lại chưa bao giờ được thông báo về việc sử dụng tế bào trong nghiên cứu.

 Không ai trong gia đình Lacks biết rằng một phần của mẹ họ vẫn còn sống, và nó đã đem đến nguồn lợi hàng tỷ USD lợi nhuận cho nhiều người nghiên cứu. Ảnh: MSNBC.

Không ai trong gia đình Lacks biết rằng một phần của mẹ họ vẫn còn sống, và nó đã đem đến nguồn lợi hàng tỷ USD lợi nhuận cho nhiều người nghiên cứu. Ảnh: MSNBC.

Thậm chí, trong nhiều thập kỷ sau, họ cũng không biết gì về di sản cứu mạng mà Henrietta để lại.

37 năm sau cái chết của Henrietta, một nữ sinh 16 tuổi tên là Rebecca Skloot được giáo viên giải thích về tế bào HeLa và cho biết các tế bào này đến từ một người phụ nữ tên là Henrietta Lacks.

Được truyền cảm hứng, tác giả Rebecca Skloot đã mất 10 năm ròng rã thu thập dữ liệu và phỏng vấn hàng trăm người để có thể tái hiện câu chuyện của một tế bào nổi tiếng nhất thế giới HeLa.

Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks là cuốn sách đầu tay của cô, được xuất bản năm 2009 và ngay lập tức đã gây được tiếng vang lớn cùng nhiều giải thưởng ấn tượng như Top Bestseller của New York Times trong hơn 7 năm kể từ khi xuất bản, Top 100 cuốn sách nên đọc trong đời của Amazon.com, Cuốn sách của năm (của Viện Hàn Lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ)…

Trong khi gia đình bà Henrietta chưa bao giờ được chia sẻ bất cứ lợi ích tiền bạc nào từ dòng tế bào có biệt danh "bất tử", một số công ty dược phẩm lại trở nên giàu có nhờ nó.

Cụ thể, các ngân hàng tế bào và những công ty công nghệ sinh học đang bán lẻ một ống tế bào HeLa với giá khoảng 260 USD.

Trái ngược lại với sự thịnh vượng đó, những đứa con của Henrietta bắt đầu cuộc sống bị hành hạ bởi những người lớn khác, với những trận đòn roi, đói nghèo, làm việc cật lực, và bệnh tật.

 Năm 2021, hậu duệ của Henrietta Lacks cáo buộc hãng dược Thermo Fisher Scientific thu lợi từ các tế bào HeLa mà không có sự đồng ý ngay trước khi bà qua đời vào năm 1951. Ảnh: AP.

Năm 2021, hậu duệ của Henrietta Lacks cáo buộc hãng dược Thermo Fisher Scientific thu lợi từ các tế bào HeLa mà không có sự đồng ý ngay trước khi bà qua đời vào năm 1951. Ảnh: AP.

Dù đã trưởng thành và lập gia đình, họ vẫn sống trong cảnh nghèo túng, không nhận được trợ cấp xã hội, không có bảo hiểm khi đi bệnh viện.

Cho đến năm 2013, theo thỏa thuận đạt được với Viện y tế quốc gia Mỹ - cơ quan giám sát các nghiên cứu y tế, gia đình Henrietta vẫn không được trả bất kỳ khoản tiền nào.

Đổi lại, họ có quyền kiểm soát một phần sự tiếp cận của giới khoa học đối với mã ADN trong các tế bào của cô, cũng như phải được thông báo về các nghiên cứu sử dụng chúng.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/bi-kich-cua-benh-nhan-ung-thu-mo-duong-cho-y-hoc-hien-dai-post1459670.html