Bị cáo bị tử hình, ai sẽ bồi thường thay phần dân sự?

Theo quy định, phần bồi thường dân sự về cấp dưỡng, nếu người có nghĩa vụ bị thi hành án tử hình thì không chuyển giao cho người thân thực hiện thay.

Như PLO đã đưa tin, ngày 19-4, TAND tỉnh Ninh Thuận đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Phụng (56 tuổi, ngụ thị trấn Ninh Sơn, huyện Ninh Sơn) mức án tử hình về tội giết người. Bị cáo Phụng có hành vi dùng rựa chém cả nhà hàng xóm vì mâu thuẫn trộm gà.

Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc bị cáo Phụng tiếp tục bồi thường cho phía bị hại gần 440 triệu đồng; cấp dưỡng cho vợ bị hại đến cuối đời.

Từ đây bạn đọc thắc mắc: Bị cáo bị tuyên tử hình thì việc thi hành án dân sự (THADS) gồm cả cấp dưỡng cho vợ bị hại đến cuối đời được thực hiện ra sao?

Bị cáo Nguyễn Văn Phụng đã chém cả nhà hàng xóm vì mâu thuẫn trộm gà. Ảnh: HH

Trao đổi với PLO, ThS Hồ Quân Chính (Trưởng bộ môn Đào tạo các chức danh THADS tại Cơ sở TP.HCM của Học viện Tư pháp) cho biết, người bị kết án tử hình mà chưa bị thi hành án tử hình vẫn phải có trách nhiệm bồi thường các khoản dân sự theo thủ tục chung, quy định tại Luật THADS 2008.

Khi bản án có hiệu lực và trong vòng 5 năm người được thi hành án có đơn yêu cầu thì cơ quan THADS có thẩm quyền sẽ thụ lý và tổ chức thi hành án. Người phải thi hành án có thời hạn 10 ngày để tự nguyện thi hành án; nếu không tự nguyện sẽ bị cưỡng chế.

Khi người phải thi hành án đã thi hành án tử hình thì phần nghĩa vụ dân sự của họ sẽ được chuyển giao cho người thừa kế (nếu có để lại di sản) theo quy định của pháp luật về thừa kế; nếu không để lại di sản thì cơ quan THADS sẽ đình chỉ thi hành án.

Bên cạnh đó, theo điểm a Khoản 1 Điều 50 Luật THADS, riêng khoản tiền cấp dưỡng là loại nghĩa vụ không được chuyển giao nên cơ quan THA sẽ đình chỉ kể từ khi người phải thi hành án bị thi hành án tử hình.

Theo một chấp hành viên, khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, chấp hành viên phải ra các quyết định thi hành án và tống đạt lên trại giam cho người phải thi hành án. Chấp hành viên phải xác minh xem người phải thi hành án có tài sản như nhà, đất… để kê biên đảm bảo thi hành án.

Nếu trong vòng 10 ngày mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án có tài sản thì chấp hành viên phải xác minh tài sản và quyết định cưỡng chế.

Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.

Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 6 tháng một lần, chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án...

Theo chấp hành viên này, việc thi hành án phần dân sự trong vụ án hình sự đối với người phải thi hành án bị kết án tử hình gặp khó khăn và phụ thuộc phần lớn vào việc người phải thi hành án có tài sản để thi hành hay không.

Đối với phần bồi thường dân sự về cấp dưỡng, nếu người phải thi hành án bị tử hình thì không chuyển giao cho người thân thực hiện thay. Trừ việc người thân của họ tự nguyện bồi thường thay trong giai đoạn truy tố, xét xử để người phải thi hành án được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại Điều 51 BLHS.

MINH CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-cao-bi-tu-hinh-ai-se-boi-thuong-thay-phan-dan-su-post786484.html