Bí ẩn trò diễn Xuân Phả ở xứ Thanh

Trò Xuân Phả bước ra từ truyền thuyết. Đây là các trò diễn dân gian mô tả cảnh năm phương đến chầu, đem những tiết mục múa hát đặc sắc của quốc gia lân bang đến chúc mừng hoàng đế nước Việt xưa.

Theo các nhà nghiên cứu, Trò Xuân Phả được coi là điệu múa chứa đựng nhiều thông tin bí ấn của người Việt trong quá khứ, có quan hệ nhiều mặt với lịch sử dân tộc và có vai quan trọng trong kho tàng diễn xướng vũ nhạc của người Việt.

Truyền thuyết địa phương kể lại rằng, trên đường dẫn nghĩa quân đi dẹp loạn sứ quân cuối cùng trong loạn 12 sứ quân, đó là sứ quân Ngô Xương Xí ở Bình Kiều - Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay), Đinh Bộ Lĩnh khi đến đất Quan Thành thì dựng trại, đóng quân tại đây.

Sau đó, Đinh Bộ Lĩnh đã cử sứ giả đi cầu Bách linh mong âm phù giúp ba quân đánh thắng trận để thống nhất đất nước. Sứ giả nhận mệnh đi đường thủy ngược dòng Sông Chu thì gặp giông tố nổi lên nên phải trú lại trong nghè Xuân Phả.

Điệu múa Chiêm Thành.

Trò Xuân Phả gồm có 5 điệu múa đại diện cho văn hóa của năm khu vực lân bang với nước Đại Cồ Việt xưa, đó là: Hoa Lang (điệu múa của Vương quốc Cao Ly - ngày nay là Triều Tiên), Chiêm Thành (phía Nam nước Đại Cồ Việt), Ai Lao (nước Lào ngày nay), Ngô Quốc (tên một quốc gia thời cổ đại ở Trung Quốc), Tú Huần (tên một bộ tộc phía Bắc Đại Cồ Việt).

Mặt nạ được làm bằng gỗ và da là nét đặc sắc trong các điệu múa Chiêm Thành và Hoa Lang, Tú Huần.

Các vũ công trong điệu múa Hoa Lang.

Các vũ công trong điệu múa Tú Huần.

Sênh tre là một nhạc cụ chính trong trò Ai Lao.

Đặc trưng ở trò Xuân Phả là các vũ công nam có những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe, thể hiện "trong nhu có cương, trong cương có nhu" với nhiều động tác múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt.

Điệu múa Tú Huần.

Độc đáo của trò Xuân Phả là có ba điệu mà người diễn phải dùng mặt nạ, đó là điệu Chiêm Thành, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung. Hàng ngày, bà con xóm làng không ai là không biết nhau, đặc biệt là các nghệ sĩ tham gia múa Xuân Phả, thế nhưng, khi đã hóa trang, vào vai rồi thì không ai nhận ra ai được nữa.

Ở trò Chiêm Thành, áo chúa bằng đậu, áo quân bằng lụa, đều nhuộm đỏ hồng, không thêu thùa hoa văn. Áo phỗng là cổ sòi, cổ xiêm quấn xung quanh mình. Chúa và quân, quấn khăn vuông đỏ thành hai sừng thẳng đứng trên đầu, ngậm mặt nạ nửa mặt, hình béo mập, mắt bằng lông công...

Người múa vừa múa theo nhịp trống vừa sử dụng các đạo cụ nhuần nhuyễn trong trò Chiêm Thành.

Để tưởng nhớ đến công lao thần Hoàng làng Xuân Phả báo mộng, Vua Đinh sau đó đã cho đem toàn bộ cống phẩm đến tế tại đền thờ Đại Hải Long Vương. Vua Đinh đã trực tiếp giao cho Hoàng hậu Nguyệt Nương trách nhiệm huấn luyện đội múa để hàng năm thực hành các điệu múa này tại Nghè Xuân Phả vào dịp hội làng.

Sau này, theo thỉnh cầu của người dân làng Xuân Phả, các điệu múa này đã được truyền lại cho người dân tự tập, tự diễn. (Trong ảnh: Điệu múa Ngô Quốc)

Từ đó, điệu múa có tên là Xuân Phả hay còn gọi là Ngũ quốc lân bang đồ cống tiến, và được các thế hệ người dân làng Xuân Phả lưu truyền đến ngày nay trở thành một sinh hoạt văn hóa độc đáo ở Xứ Thanh. (Trong ảnh: Điệu múa Tú Huần)

Hằng năm cứ đến ngày 9, 10/2 âm lịch, nhân dân làng Xuân Phả lại tụ nhau lại trong ngày hội của làng. Đến nay, lễ hội làng Xuân Phả không chỉ của riêng người trong làng mà lan rộng ra khắp một vùng Thọ Xuân rộng lớn. Có tới hàng nghìn người đến tham dự, xem trò. Bởi thế mà từ xưa, người dân xứ Thanh có câu "Ăn bánh với giò không bằng xem trò làng Láng (hay làng Xuân Phả)".

Điệu múa đẹp mắt của trò Hoa Lang.

Nhạc cụ dùng trong các trò múa Xuân Phả là trống, thanh la, mõ hoặc xênh tre tạo thành những âm thanh hết sức vui nhộn.

Thông qua những trò diễn, điệu múa nhà vua muốn nhân dân Xuân Phả phải biết đoàn kết, cùng nhau làm ăn lao động sản xuất... Điển hình, điệu múa Hoa Lang người múa dùng những cái quạt, múa những động tác như là tung hoa, thể hiện sự vui mừng. Cùng với đó, người múa sử dụng những bài chèo thể hiện cuộc sống, làm ăn kiếm sống bằng đường sông nước. Hay điệu Lục Hồn Nhung thể hiện cuộc sống sinh hoạt trong một gia đình, có nhiều thế hệ gồm bà cố, có mẹ và có con... nhằm bảo ban con cháu phải biết sống kính trên, nhường dưới, đoàn kết trong gia đình.

Tháng 9/2016, Trò Xuân Phả được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Di sản này đã không chỉ là "báu vật" văn hóa xứ Thanh, mà đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Tuấn Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bi-an-tro-dien-xuan-pha-o-xu-thanh-16924032316255529.htm