'Bệnh X' là gì mà WHO cảnh báo nguy hiểm hơn Covid-19 20 lần?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo thế giới có thể phải đối mặt với đại dịch nghiêm trọng hơn Covid-19 gấp 20 lần trong tương lai.

 Kiểm tra nhiệt độ tại sân bay Debrecen, Hungary. Ảnh: Zsolt Czegledi/EPA/Shutterstock.

Kiểm tra nhiệt độ tại sân bay Debrecen, Hungary. Ảnh: Zsolt Czegledi/EPA/Shutterstock.

Trong một phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, hôm 17/1, các chuyên gia đã đề cập đến "Bệnh X".

Đây là thuật ngữ được WHO sử dụng dành cho những mầm bệnh chưa xác định trong tương lai có khả năng gây ra đại dịch nghiêm trọng trên toàn cầu.

Việc không có nhiều dữ liệu đã khiến một số người dùng mạng xã hội lan truyền thông tin sai sự thật, nói rằng Bệnh X đã xuất hiện và đang lây lan.

WHO sau đó đã gửi thông cáo, nói rằng chủ đề của phiên thảo luận là "Chuẩn bị cho Bệnh X". Các chuyên gia đã trao đổi về cách chuẩn bị hệ thống y tế để đối phó với các đại dịch trong tương lai, theo AP.

Kịch bản cho tương lai

Bệnh X là kịch bản giả thuyết để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, song các chuyên gia nói rằng vấn đề này vẫn cần được xem xét nghiêm túc.

“Đó là những điều chưa được biết đến, có thể xảy ra vấn đề là ‘khi nào’, không phải ‘nếu có’”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong phiên thảo luận ở Davos. “Vì vậy chúng ta cần chuẩn bị cho điều đó, những căn bệnh có thể xảy ra mà chúng ta chưa biết tới, đó là lý do chúng tôi dùng cái tên Bệnh X”.

Ông nói khái niệm này đã được thảo luận vào năm 2017 và gần đây nhận nhiều sự chú ý trên mạng xã hội. Vào năm 2018, WHO đã liệt Bệnh X vào danh sách các bệnh ưu tiên cần đẩy nhanh nghiên cứu, do có khả năng gây ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe.

 Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 17/1. Ảnh: Bloomberg.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 17/1. Ảnh: Bloomberg.

Với khái niệm trên, Covid-19 là Bệnh X đầu tiên, khi cũng bắt nguồn từ mầm bệnh chưa được biết đến và gây ra đại dịch, theo người đứng đầu WHO.

Các nhà khoa học nói rằng Bệnh X trong tương lai có thể sẽ bắt nguồn từ virus đường hô hấp, có khả năng là một loại virus đã lây truyền ở động vật nhưng chưa lây sang người, theo Fox 59.

Tổng giám đốc WHO nói rằng mục đích đưa ra Bệnh X không phải gây lo lắng, mà để có sự chuẩn bị tốt hơn cho những dịch bệnh mới, có thể bùng phát trong tương lai.

Preetha Reddy, Phó chủ tịch của Apollo Hospitals, một trong những tập đoàn về y tế lớn nhất Ấn Độ, nói tại diễn đàn Davos rằng dù cái tên “Bệnh X” nghe có vẻ giống bối cảnh phim khoa học viễn tưởng, mọi người cần chú ý khi nó “là mối nguy rõ ràng và hiện hữu”.

Bà Reddy so sánh việc y tế chuẩn bị cho dịch bệnh cũng tương tự quân đội chuẩn bị cho chiến tranh.

Bài học từ Covid-19

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các nước nên bắt đầu tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu để chuẩn bị tốt hơn cho những khủng hoảng y tế trong tương lai, theo Euronews.

“Các nước thu nhập cao trong nhiều thập kỷ qua đã đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ tiên tiến cho các ngành dịch vụ, thậm chí là phẫu thuật bằng robot, nhưng lại không có sự đầu tư vào chăm sóc sức khỏe ban đầu”, ông nói.

 Một tế bào sắp chết (màu xanh nâu) bị nhiễm nặng các hạt virus SARS-CoV-2 (màu hồng), được phân lập từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân. Ảnh: NIH.

Một tế bào sắp chết (màu xanh nâu) bị nhiễm nặng các hạt virus SARS-CoV-2 (màu hồng), được phân lập từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân. Ảnh: NIH.

Một cách để các chuyên gia chuẩn bị cho những mầm bệnh trong tương lai là đánh giá lại những gì họ đã có thể làm tốt hơn trong đại dịch Covid-19.

WHO cảnh báo nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, Bệnh X có thể gây thiệt hại nghiêm trọng hơn Covid-19, vốn đã giết chết hơn 7 triệu người trên toàn cầu.

Michel Demare, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty dược phẩm AstraZeneca, khuyến nghị các nước nên coi y tế là một tài sản chiến lược tương tự năng lượng, từ đó đầu tư cho “y tế thông minh”, chẳng hạn nỗ lực phòng ngừa, công nghệ, quản lý dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.

Các chuyên gia cũng chỉ ra một vấn đề lớn trong thời kỳ Covid-19 là sự bất bình đẳng toàn cầu, khi những quốc gia thu nhập khó tiếp cận vaccine hơn các nước phát triển.

Tổng giám đốc WHO kêu gọi xây dựng trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA ở châu Phi để tăng khả năng sản xuất vaccine tại nội địa, để vaccine có thể đến tay những người thu nhập thấp và trung bình.

Hoàng Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/benh-x-la-gi-ma-who-canh-bao-nguy-hiem-hon-covid-19-20-lan-post1456868.html