Bệnh viện kỳ lạ giữa lòng cuộc chiến băng đảng đẫm máu ở Haiti

Bệnh viện Fontaine đang nỗ lực mở cửa, để cứu chữa cho tất cả các bệnh nhân giữa bối cảnh bạo lực băng đảng leo thang khiến nhiều cơ sở khám chữa bệnh tại Haiti phải đóng cửa.

Fontaine là một trong những bệnh viện cuối cùng vẫn còn hoạt động ở Haiti. (Nguồn: AP)

Fontaine là một trong những bệnh viện cuối cùng vẫn còn hoạt động ở Haiti. (Nguồn: AP)

Những tiếng súng bất ngờ nổ rền, tới từ bên ngoài hàng rào dây thép gai bao quanh Bệnh viện Fontaine ở Haiti, với âm thanh vọng sâu vào không gian bên trong, đang đầy những nhân viên y tế với dáng vẻ mệt mỏi, bụi bặm.

Không một ai trong số họ chớp mắt.

Tiếng súng đã trở thành một phần của cuộc sống thường nhật tại Cité Soleil - khu vực đông dân cư nhất của thủ đô Haiti. Đây cũng là tâm điểm của các cuộc chiến băng đảng ở Port-au-Prince.

Khi các băng nhóm khác nhau ra sức tìm cách kiểm soát Haiti, nhiều cơ sở y tế ở những khu vực có tình trạng bạo lực nặng nề nhất tại quốc gia này đã phải đóng cửa. Thực tế đó khiến Fontaine trở thành một trong những bệnh viện và tổ chức xã hội cuối cùng còn trụ lại ở Haiti..

Loubents Jean Baptiste, Giám đốc Y tế của bệnh viện, cho biết: “Chúng tôi đã bị bỏ lại một mình”.

Bệnh viện Fontaine giờ đã trở thành một chốn có quyền định đoạt chuyện sinh tử của hàng trăm ngàn con người, đang cố gắng sinh tồn tại Haiti. Fontaine hiện hữu như một ốc đảo nhỏ bình yên, trong một thành phố đã chìm dần vào hỗn loạn.

Mối nguy hiểm trên đường phố làm phức tạp mọi thứ tại bệnh viện. Khi những tay anh chị xuất hiện ở cổng vào bệnh viện, với những vết thương do trúng đạn trên thân thể, các bác sĩ sẽ yêu cầu họ để lại vũ khí trước khi vào trong, như thể chúng chỉ là một loại áo khoác bình thường.

Các bác sĩ cũng không thể trở về nhà một cách an toàn, do chúng đều nằm trong những khu vực do các băng đảng đối địch kiểm soát. Họ buộc phải sống trong ký túc xá của bệnh viện. Và các bệnh nhân, do quá sợ hãi trước tình trạng bạo lực trong nước, chỉ tìm tới đây khi căn bệnh của họ đã quá trầm trọng.

Tại Haiti, đất nước nghèo nhất ở Tây bán cầu, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng vào cuối năm ngoái, Haiti đã phải chịu hai cú đấm cùng một lúc.

G9, một trong những tập hợp băng đảng hùng mạnh nhất Haiti, đã phong tỏa cảng nhập nhiên liệu quan trọng nhất của Port-au-Prince, làm tê liệt đất nước trong hai tháng. Đồng thời,các hạn chế đi lại do băng đảng áp đặt đã khiến vụ bùng phát dịch tả ở Haiti trở nên tồi tệ hơn, đánh quỵ hoàn toàn hệ thống y tế ở đây..

Tháng 2 năm nay, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Volker Türk, cho biết bạo lực giữa G9 và một băng đảng đối địch đã biến Cité Soleil thành “ác mộng trần gian”.

Những dấu hiệu gợi nhắc về một cuộc sống đầy tuyệt vọng luôn ở ngay trong tầm mắt. Chiếc xe bọc thép của bệnh viện chạy ngang qua hàng trăm chiếc bánh làm từ bùn, được phơi khô dưới ánh nắng gay gắt. Những người không có tiền mua đồ ăn sẽ dùng chúng để lấp đầy dạ dày trống rỗng của họ.
Những chữ “G9” màu đen được sơn đầy trên các tòa nhà gần bệnh viện, như một lời cảnh báo về việc ai đang cầm quyền trong khu vực.

Trong một báo cáo công bố vào tháng 2, Liên Hợp Quốc cho biết, chỉ trong một khu vực nhỏ quanh Bệnh viện Fontaine đã có 263 vụ giết người, xảy ra từ tháng 7 đến tháng 12/2022. Đồng thời báo cáo lưu ý rằng bạo lực đã “cản trở nghiêm trọng” việc người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế.

Có nhiều nhân chứng sống cho nhận xét này.

Đó là trường hợp của Millen Siltant, 34 tuổi, một người bán hàng rong mang bầu, đang căng thẳng ngồi ở hành lang bệnh viện chờ đến lượt kiểm tra sức khỏe.Gần đó, nhân viên bệnh viện đang chơi với gần 20 trẻ sơ sinh và trẻ đang tập đi, cũng là các bé mồ côi đã mất đi cha mẹ trong cuộc chiến băng đảng.

Siltant sẽ phải mất 1 giờ di chuyển trong thành phố, trên những chiếc xe buýt sặc sỡ được gọi là tap-tap, để khám thai tại Fontaine. Ở đây, cô sẽ xếp hàng cùng với những phụ nữ mang thai khác chờ được chăm sóc y tế.

Siltant nói rằng tất cả các phòng khám trong khu vực cô sống đã đóng cửa. Trong hai tháng cuối năm ngoái, cô không thể rời khỏi nhà vì các băng đảng liên tục bắt giữ con tin trong thành phố, khiến việc đi lại trở thành nhiệm vụ bất khả thi.

“Có những ngày không có phương tiện giao thông trên phố, vì hết nhiên liệu,” cô kể. “Đôi khi có một vụ nổ súng xảy ra trên đường phố và không ai có thể ra ngoài… Bây giờ tôi đang lo lắng vì bác sĩ nói rằng tôi cần phải sinh mổ.”

Một ca sinh mổ thành công ở Bệnh viện Fontaine. (Nguồn: AP)

Một ca sinh mổ thành công ở Bệnh viện Fontaine. (Nguồn: AP)

AP dẫn nguồn các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế Haiti cho biết các cuộc tranh giành quyền lực của băng đảng đã làm xuất hiện nhiều vụ bị thương do đạn bắn và bị bỏng. Ngoài ra, có thêm nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp, tiểu đường và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phần lớn do khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc cơ bản đã bị giảm mạnh.

Phụ nữ mang thai bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Bác sĩ phụ khoa Phalande Joseph nhìn thấy hậu quả của cuộc khủng hoảng ảnh hưởng tới phụ nữ mang bầu trong mỗi ngày làm việc.

Nữ bác sĩ trẻ người Haiti đeo một đôi găng tay phẫu thuật màu trắng và nhanh nhẹn rạch một vết trên bụng của một bà bầu. Cô làm việc nhanh chóng, trò chuyện với các nhân viên y tế bằng tiếng Creole bản địa. Chỉ ít lâu sau, những tiếng khóc phát ra từ một bé gái sinh ra từ ca đẻ mổ, được các y tá quấn trong chiếc chăn nhỏ màu hồng.

Joseph giải thích rằng những ca phẫu thuật sinh mổ như thế này đã trở nên phổ biến hơn ở Haiti, bởi tình trạng thiếu thốn và khó khăn khiến việc sinh tự nhiên trở nên quá rủi ro. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, năm nay, 10.000 phụ nữ mang thai ở Haiti có thể phải đối mặt với các biến chứng sản khoa gây tử vong do cuộc khủng hoảng ở trong nước.

Bệnh viện Fontaine đi vào hoạt động từ năm 1991, ban đầu thực tế chỉ là một phòng khám nhỏ. Đây là công trình tâm huyết của Jose Ulysse và gia đình ông. Họ đã nỗ lực lao động để từ từ mở rộng bệnh viện.

Ngay cả khi các cuộc đọ súng kéo đến khu vực trước cửa Fontaine, bệnh viện vẫn mở cửa trở lại, chỉ vài giờ sau khi phải tạm đóng cửa. Bởi vì hầu hết người dân trong khu vực sống trong cảnh nghèo cùng cực nên Bệnh viện Fontaine thu phí rất ít, hoặc không tính phí với bệnh nhân.

Chính sách này được duy trì, ngay cả khi bệnh viện đang chật vật mua thiết bị y tế, với nguồn vốn từ UNICEF và các nhà cung cấp viện trợ quốc tế khác trao cho. Từ năm 2021 đến năm 2022, cơ sở khám chữa bệnh này đã chứng kiến số lượng bệnh nhân tăng 70%.

Điều thú vị là Bệnh viện Fontaine hiện được “hưởng” một chế độ bảo vệ tương đối cao, bởi nơi đây tiếp nhận tất cả bệnh nhân. “Chúng tôi không chọn bên nào cả. Nếu hai băng đảng đối đầu nhau và họ đến bệnh viện, chúng tôi sẽ chữa cho họ như bất kỳ người nào khác,” Jean Baptiste cho biết.

Ông nói thêm rằng ngay cả các băng đảng cũng hiểu tầm quan trọng của hoạt động chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cảm giác an toàn này chỉ là tạm thời, khi cuộc khủng hoảng ở Haiti vẫn chưa sớm chấm dứt.

Ví dụ, các vụ cướp xe cứu thương gia tăng đã khiến Fontaine không thể mạo hiểm bỏ tiền sắm xe. Và họ cũng không thể thuê xe cứu thương từ bên ngoài, bởi tài xế nào cũng sợ chạy tới Cité Soleil.

Các bác sĩ ở Bệnh viện Fontaine đều lo lắng, nhưng họ vẫn tiếp tục làm việc. “Nói thế nào nhỉ, tôi phải làm việc. Vì vậy, hãy để Thượng đế bảo vệ tôi,” Jean Baptiste chia sẻ. “Khi tình hình trở nên tồi tệ hơn, chúng tôi đã quyết định sẽ đối mặt với rủi ro. Chúng tôi phải tiếp tục tiến về phía trước”./.

Khánh Linh (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/benh-vien-ky-la-giua-long-cuoc-chien-bang-dang-dam-mau-o-haiti/848601.vnp