Bên trong ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi có gì đặc biệt

Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, đến nay ngôi nhà cổ vẫn được giữ gìn, bảo vệ hầu như nguyên vẹn những nét tinh hoa, ngôi nhà vừa được UNESCO công nhận là một trong 10 nhà cổ dân gian có kiến trúc tiêu biểu nhất của Việt Nam.

Cách cổng phía Tây Thành nhà Hồ vài trăm mét là ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng (thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Đây là 1 trong 10 ngôi nhà cổ được UNESCO công nhận là ngôi nhà cổ dân gian truyền thống đẹp nhất Việt Nam.

Ngôi nhà cổ của ông Phạm Ngọc Tùng được UNESCO công nhận là ngôi nhà cổ dân gian truyền thống đẹp nhất Việt Nam.

Ngôi nhà này được xây dựng năm 1810, người chủ đầu tiên là cụ tổ 7 đời của ông Phạm Ngọc Tùng. Khi xây dựng ngôi nhà ông giữ chức quan Bát Phẩm của triều đình nhà Nguyễn, người dân địa phương vẫn thường gọi ông là cụ Bát.

Ngôi nhà 7 gian được làm bằng gỗ.

Ông cụ Bát không quản đường sá xa xôi, lặn lội ra tận vùng đất tỉnh Nam Hà (nay là Hà Nam) tìm thợ giỏi của miền Bắc và miền Trung. Sau đó, ông đã chọn kiểu nhà gỗ phù hợp với phong cảnh quê nhà. Công việc kéo dài đúng một năm ròng, cho đến cuối năm 1810 ngôi nhà được khánh thành.

Các hoa văn được chạm khắc theo lối kiến trúc hóa rồng.

Nhà được xây dựng theo hướng Nam, trên khu đất rộng thoáng. Ngôi nhà cổ gồm 7 gian. Chiều dài ngôi nhà là 20m, chiều rộng 8,2m. Nhà làm theo kiểu chồng rường, có quá giang, kẻ chuyền. Gỗ làm nhà là loại gỗ tốt như: Lim, sến, táu, xoan…

Những chi tết, hạng mục bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo trên mái nhà.

Mái lợp ngói mũi, cửa làm theo kiểu bức bàn. Ngôi nhà được chạm khắc mô típ hoa văn lấy gốc là tứ quý: Tùng Cúc, Trúc, Mai. Biểu tượng cho lá cúc cách điệu như vân mây ở các trụ được hình thức hóa mô típ nậm rượu hóa, phúc thọ hóa.

Ngôi nhà cổ vẫn được giữ gìn, bảo vệ hầu như nguyên vẹn những nét tinh hoa.

Đây là một công trình kiến trúc gỗ nhà ở dân gian mang tính chất niên đại, thời đại của kiến trúc dân gian, văn hóa dân gian thế kỷ XIX. Với kết cấu kiến trúc và đường nét chạm khắc tinh xảo, hài hòa tạo cho công trình kiến trúc có sự đồng nhất, bền vững mang đậm tính dân tộc.

Ngôi nhà năm bên cạnh di sản Thành nhà Hồ nên nơi đây cũng là điểm đến tham quan của du khách.

Năm 2002 trong chương trình "Bảo tồn nhà ở dân gian truyền thống Việt Nam" hợp tác giữa Bộ văn hóa thông tin Việt Nam và Tổ chức hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA). Dự án trùng tu nhà của ông Phạm Ngọc Tùng được tiến hành dưới sự tài trợ về kỹ thuật và tài chính của JICA và trường đại học Nữ Chiêu Hòa Nhật Bản.

Du khách tham quan phía trong ngôi nhà.

Năm 2004, ngôi nhà cổ này đã được trùng tu tương đối toàn diện. Sau khi hoàn thành, ngôi nhà chính thức được UNESCO công nhận là 1 trong 10 ngôi nhà cổ dân gian truyền thống đẹp nhất Việt Nam.

Ông Phạm Ngọc Tùng, chủ nhân của ngôi nhà cổ.

Trải qua bao mưa nắng và những bước thăng trầm của lịch sử, đến nay ngôi nhà cổ Tây Giai vẫn được người dân nơi đây giữ gìn, bảo vệ hầu như nguyên vẹn những nét tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc dân gian Việt. Nơi đây là điểm đến thú vị không thể bỏ qua đối với du khách khi tới tham quan khu Di tích Thành Nhà Hồ.

Clip ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi.

Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.

Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, ngày 27/6/2011, Thành nhà Hồ chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, Thành nhà Hồ được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa.

Ngọc Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ben-trong-ngoi-nha-co-hon-200-nam-tuoi-co-gi-dac-biet-169231129131717445.htm