Bên kia đèo Cón

Từ trung tâm xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn đến khu Ngả Hải phía bên kia đèo Cón. Vực sâu hun hút, đồi núi trập trùng. Đây được coi là cửa ngõ phía Tây Bắc của tỉnh, nối huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ với huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Đèo Cón (quốc lộ 32B đoạn qua khu Ngả Hai) dài và quanh co, hiểm trở

Những người Mường đầu tiên từ đại ngàn phía Sơn La về đây khai hoang, lập làng men theo những con suối nhỏ. Suối nhỏ hợp lưu thành sông chảy về xuôi. Làng từ chỗ chỉ có vài mái tranh tre nứa lá, nay là khu Ngả Hai với trên 150 hộ, hơn 600 khẩu. Người Mường trong khu chiếm trên 95%, chỉ có một số rất ít hộ người Dao, người Thái và không có hộ người Kinh.

Giáo viên và học sinh lớp 5, Điểm Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Thu Cúc 2, khu Ngả Hai trong giờ học thể dục

Đầu tháng 5, khi những cây phượng vĩ ở nhiều địa phương khác đã rực đỏ thì trong sân điểm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Thu Cúc 2, khu Ngả Hai, cây phượng khẳng khiu mới bật lá non. Thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, địa hình đèo núi quanh co khiến cuộc sống của người dân Ngả Hai khó khăn, vất vả hơn nhiều so với các khu trong xã, trong huyện. Song, được sự quan tâm của các cấp và các doanh nghiệp hỗ trợ, đến nay, khu đã đạt 9 tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn mới, bao gồm về trường học, đường điện, đường bê tông, thẻ bảo hiểm y tế, các chính sách ưu đãi của nhà nước, thực hiện nếp sống văn hóa theo hương ước, giữ gìn phong tục, tập quán; xây dựng, bảo vệ môi trường; tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập.

Trong khu, một số cá nhân mạnh dạn tìm hiểu thị trường, tận dụng thế mạnh của địa phương, đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế khá. Đơn cử, hộ ông Hà Văn Nhường tích cực trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc. Lúc nhiều nhất, đàn bò nhà ông Nhường có gần 20 con. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho con trai, con dâu học nghề, đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài cũng mang lại hiệu quả rõ rệt thông qua số tiền mà hai “lao động chính” gửi về, qua đó, gia đình đã xây được nhà cửa khang trang, mua được ô tô... Cũng giống như gia đình ông Nhường, hộ ông Hà Công Thắm phát triển mô hình trồng cây cam, diện tích ban đầu trên 1ha và đang tiếp tục được nhân rộng. Bước đầu đã cho thu nhập vài chục triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, tạo việc làm thời vụ cho gần chục lao động...

Có điện lưới quốc gia cùng nhiều thiết bị phục vụ dạy và học, học sinh tại điểm trường được tiếp cận phương pháp giáo dục mới

Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong khu đến lớp, điểm lẻ mầm non Ngả Hai thuộc trường Mầm non Thu Cúc 1 được doanh nghiệp hảo tâm đầu tư xây mới khang trang, bếp ăn bán trú đảm bảo, sân chơi với các vật dụng, trang thiết bị tiêu chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi để khu đảm bảo phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Điểm Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Thu Cúc 2, khu Ngả Hai cũng được xây dựng ngay trung tâm của khu. Với 74 học sinh tại 5 lớp, điểm trường tuy không cao tầng, khang trang như vùng xuôi nhưng đủ rộng và vững chãi trước nắng, gió, mưa bão. Từ ngày có điện lưới quốc gia, trường không phải “kéo" nhờ điện của nhà dân, lại được trang bị ti vi, máy chiếu, quạt điện... giúp con em đồng bào trong khu được tiếp cận với các phương pháp giáo dục mới. Có lẽ những phụ huynh “yêu đời” nhất cũng chưa dám ước tại vùng đèo heo hút gió này, đám trẻ cũng được học hành như... thành phố.

Thầy Hà Hồng Soạn – Giáo viên tại điểm trường cho biết: Điểm trường chưa được trang bị máy vi tính, thế nên để các em được học tập, tham gia các cuộc thi trên mạng, các thầy, cô mang máy tính cá nhân đến lớp làm phương tiện. Một số gia đình cũng quan tâm, đầu tư máy vi tính để các em có thể tự học tại nhà. Năm học vừa qua, lần đầu tiên điểm trường đã có học sinh tham gia cuộc thi Trạng nguyên Tiếng Việt trên mạng và được giải. Tính đến hết kỳ 1, năm học 2023-2024, cơ bản các em đáp ứng được yêu cầu giáo dục, đủ điều kiện lên cấp 2, tỷ lệ các em đạt điểm từ 7 trở lên chiếm trên 40%.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song điều kiện học tập của học sinh mầm non, tiểu học Ngả Hai vẫn được coi là “lý tưởng” so với các cấp học cao hơn. Bởi đường đến trường phải vượt qua đèo Cón về trung tâm xã, các em độ tuổi THCS không thể tự đạp xe, phụ huynh cũng không thể ngày đưa đón nhiều lần. Lên bậc THPT, khoảng cách đến trường càng kéo dài thêm, thế nên mỗi năm, trong khu có gần chục em học hết lớp 9, nhưng số lượng theo học THPT chỉ được 1 – 2 em và rơi rớt dần theo từng năm. Gần 15 năm làm trưởng khu, ông Hà Văn Đoan nhớ: “Trong khu chỉ có 2 cháu học đến hệ chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT, nhưng các cháu lại đi lao động, đi làm và định cư ở nơi khác rồi...”. Có con em học cao, hiểu rộng, trở về phát triển kinh tế, xây dựng quê hương là ước mơ của người dân Ngả Hai, đến nay, ước mơ ấy vẫn chông chênh và kéo dài như gió đưa mây bồng bềnh qua đỉnh đèo Cón.

Trong số 9 tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn mới mà Ngả Hai đạt được hầu hết do sự đầu tư và các chính sách của nhà nước, nhân dân Ngả Hai đều đồng thuận nhưng do điều kiện kinh tế có hạn nên mới chỉ thể hiện được ở việc giữ ổn định tình hình an ninh, trật tự vùng giáp ranh, sẵn sàng hiến đất, ngày công lao động. Đến nay, trong khu có 58 hộ nghèo, tức tỷ lệ trên 1/3 tổng số hộ, cận nghèo 11 hộ. Đáng nói hơn là diện tích tự nhiên khu Ngả Hai rộng trên 300ha, chủ yếu là đất lâm nghiệp, thế nhưng diện tích rừng quy chủ cho dân chỉ được rất ít, nhiều hộ dân không có đất rừng. Mặt khác, cả khu chỉ có 16,7ha ruộng có thể trồng được lúa, trong đó có trên 9ha chỉ canh tác được 1 vụ/năm.

Người dân khu Ngả Hai mở các điểm dịch vụ du lịch cho du khách đến check-in, săn mây

Người dân ở Ngả Hai, ngày đi rừng đào măng, chăm con gà, con lợn, trồng luống rau... phải vượt qua Đèo Cón, xuống chợ ở trung tâm xã mới có hy vọng bán được hàng. Xe máy leo đèo hai chiều cũng mất 20.000đ tiền xăng, mất thêm một ngày ngồi chợ mà không biết có bán được không, bán thì có “lãi” trước khi trở về bên kia đèo Cón không? Có lẽ là không nhiều, thế nên để có việc làm, tăng thu nhập, lứa thanh niên, người trong độ tuổi lao động tại Ngả Hai chấp nhận bước qua đèo Cón như “đánh cược”, tìm kế sinh nhai ở các thành phố lớn như Hà Nội, Bắc Ninh và các tỉnh, thành lân cận.

Người rời Ngả Hai với trình độ, tay nghề thấp, bằng cấp, chứng chỉ gần như không có, lại “chân ướt, chân ráo” giữa thành phố hoa lệ, họ chỉ có thể làm những công việc được coi là nặng nhọc, vất vả, nhiều rủi do dưới xuôi. Thu nhập từ 300.000đ/ngày công cho những công việc như phụ vữa, thợ xây... là mỹ mãn bởi nó gấp hai, ba, thậm chí nhiều lần so với ở quê. Trưởng khu Ngả Hai Hà Văn Đoan cho biết: Ngặt nỗi, không phải lúc nào cũng có việc, cứ dăm bữa, nửa tháng lại phải nghỉ, lại cảnh “ăn chực, nằm chờ” cả tuần, cả chục ngày bởi “Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Trong khi ông chủ còn nợ cả triệu bạc, còn bắt xe từ Hà Nội về Ngả Hai mất ít nhất 170.000đ – 200.000đ/lượt. Nhiều người không thể đòi được tiền công bởi đường sá không biết, công trình đã hoàn thành, bàn giao, còn đội thợ đã chuyển đến những công trình mới ở nơi khác... Theo trưởng khu Đoan, số người ở Ngả Hai đi lao động tự do ở các địa phương bị chiếm đoạt tiền công không phải là hiếm, có người đi làm cả năm, cả vài năm không có đủ tiền về quê, kéo theo đó là những cám dỗ và nhiều hệ lụy về văn hóa, gia đình, xã hội...

Như những “điển hình” đã dẫn ở trên, mục tiêu xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp bên kia đèo Cón chỉ có thể hoàn thành khi người dân thực sự đồng thuận với những quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện của Nhà nước; tiếp tục nỗ lực vượt khó, đổi mới tư duy, nhanh nhạy và sáng tạo, mạnh dạn mở hướng phát triển sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Trên đỉnh đèo Cón, sương đã tan dần, hiện rõ những hàng quán, điểm check-in, săn mây, trong vườn cam đã nở đầy hoa trắng, hứa hẹn một mùa mới trĩu cành, sai quả... Và người dân nơi đây tuy xuất phát điểm còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn đang nỗ lực tìm hướng vươn lên.

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ben-kia-deo-con-211513.htm