Bên dòng sông Trăng

Buổi sáng se se lạnh ở biên giới miền Tây, tôi ngồi uống trà với người (có lẽ) nghèo nhất sông Trăng. Ngọn lửa đỏ chập chờn bên trong chiếc cà ràng xỉn đen màu khói bếp khiến cho không khí dần trở nên ấm cúng. Đây là nhà ông bà Tám Lia Thia, gần 70 tuổi. Gia đình có bốn cái không: Không đất canh tác, không đất ở, không sổ hộ khẩu, không sổ hộ nghèo. Họ là một trong số 109 hộ gia đình từ Biển Hồ Tonle Sap về đây sinh sống.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày mới trở về, ông bà Tám dựng một túp lều con con bên bờ kênh làm chỗ ở tạm. Bao nhiêu nồi niêu xoong chảo, bình trà, chén đũa, khạp gạo, hũ mắm, keo chao… để cả ở trong chái bếp. Một chiếc võng dù rách bươm giăng dưới mé kênh, chiếc còn lại lành lặn hơn, giăng bên hiên để dành nghỉ ban ngày. Ban đêm, cả nhà trải cái nệm bàng xuống sàn cây, trùm lên chiếc mùng lớn được ghép lại từ mấy chiếc mùng cũ, tránh muỗi.

Một cơn lốc nhẹ đầu mùa mưa năm nào đã vô tình hất tung mái lá đầu tiên ấy lên trời, bỏ lại những cây cột nhà trơ trọi khẳng khiu và bếp củi tắt lịm. Ông bà phải đi ở đậu nhà những người trong xóm, rồi lần hồi, mỗi năm dựng một căn nhà “ở tạm”.

Ngôi nhà hiện tại, anh em Biên phòng, chính quyền và bà con chòm xóm chung tay dựng dùm trên nền đất mượn nhà ông Ba Đầu Bạc, cũng ở cặp bờ kênh. Cột nhà được làm bằng cọc bê tông, mái tôn, chắc chắn hơn trước. Cuộc sống hằng ngày đắp đổi bằng công mần mướn của cậu con trai út gần 30 tuổi. Bởi vì ông bà gần như không còn đủ sức lao động.

Hôm tôi đến thăm và gửi chút quà của anh em trong đồn quyên góp tặng, dì Tám đang nhập viện điều trị bệnh tim. Cậu con trai đi chăm sóc. Tôi hỏi: “Ủa, sao chú không ra bệnh viện chăm sóc dì Tám, để thằng Út về đi mần?”. “Ừa há. Vậy mà tui không nghĩ ra. Nó đưa bả đi rồi ở lại luôn. Thôi, để tôi ra ngoải cho thằng Út dìa liền. Lúc này có người mướn chạy đường nước, ngày được 300 ngàn, cũng đỡ”. Nói rồi, chú Tám lật đật soạn đồ, đi gấp.

Tôi cũng thường ngồi trong căn chòi của vợ chồng chú Ba Hồng Ngự. Ông bà từ Đồng Tháp qua “ngụ cư” bên dòng sông này mười mấy năm rồi. Mùa nước nổi, với chiếc xuồng ba lá, năm sáu cái dớn ông bà thả dài dài ra tới đầu vàm. Bữa trúng được cả chục ký, bữa thất cũng đủ gạo ăn trong ngày, đủ các loại cá: mè vinh, trê, lóc, thác lác, cá cóc, cá cầy… Hết mùa nước nổi, cá ít dần, nhưng họ vẫn bám vào dòng sông mà sống. Lục bình mọc kín mặt sông, cao ngang mặt người, xuồng bè di chuyển khó khăn, dân mần ruộng phải rẽ ra mà đi, thấy ngán. Nhưng những người làm nghề chặt lục bình thì mừng húm. Lục bình phơi khô, bán cho thương lái thu gom đưa về các xưởng làm đồ thủ công mỹ nghệ. Người nào chặt giỏi ngày cũng kiếm hai ba trăm ngàn, khỏe re.

Dưới những đám lục bình ken vào nhau dày đặc, chú Ba Hồng Ngự cắm chà dụ các loại cá về trú ẩn. Hằng ngày, chú còn đổ cơm cặn, phân bò tươi nhử cá vô ăn mồi. Khi thấy cá chạy lịch kịch trong đám chà, chú Ba kêu người lại dỡ. Thợ dỡ chà là những người chuyên nghiệp bên Vĩnh Hưng qua, có lưới mùng rộng bao kín xung quanh. Họ còn có cả bình oxy để lặn ngụp mà chạy dây riềng cho mỗi lúc một sát. Đến khi dây riềng túm chặt lại với nhau thì cũng là lúc dỡ bỏ toàn bộ đám chà ra ngoài. Trong lưới mùng chỉ còn cá. Những con cá liều mạng phóng thẳng vào lưới, nhảy vọt lên trời... Trừ chi phí tất cả, chú Ba bỏ túi gần hai triệu đồng một đám chà.

Bên dòng sông Trăng, hai vụ lúa hưởng vị phù sa ngọt ngào từ thượng nguồn sông biên giới mà tốt tươi màu mỡ. Có lẽ, ít có nơi nào điều kiện tự nhiên thuận lợi như ở nơi đây. Là vùng gò cao của Đồng Tháp Mười nên những thửa ruộng không cần đê bao chống lũ mà vẫn đảm bảo canh tác. Mùa mưa, nước nổi lên rất cao và rút đi cũng rất nhanh, chả bao giờ ngập úng; mùa khô, khi ở mọi nơi đều kiệt cùng thì vùng đất này vẫn được hưởng dòng nước ngọt lành chảy về từ bên kia biên giới. Bà con nhân dân xã Hưng Hà, Khánh Hưng tranh thủ sạ vụ ba với cây mè, tăng thêm thu nhập.

Cây mè giỏi chịu đựng cái nắng như thiêu, như đốt của vùng gò cao. Chỉ hút chút sương giăng buổi sáng mà thân cây cao ngang ngực người, tươi tốt. Cho tới khi dưỡng hạt, mè mới cần tưới nước, mà cũng chỉ là những giọt nước mỏng nhẹ như sương, như mưa phùn lướt qua, không cần đậm gốc. Nhờ thêm cây mè, đời sống của bà con ngày mỗi ngày càng khởi sắc, nhiều ngôi nhà khang trang, kiên cố mọc lên.

Dọc hai bên bờ kênh sông Trăng, chị Bùi Thị Thu, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An huy động nguồn lực địa phương rồi phối hợp với Chi đoàn Đồn Biên phòng Sông Trăng (BĐBP Long An) trồng và chăm sóc “tuyến đường hoa biên giới”. Giữa mùa khô, trong nắng vàng sóng sánh như mật ong rừng tràm, những cây hoàng yến được chăm sóc cẩn thận nên trổ bông vàng tươi rực rỡ.

Nguyễn Hội

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ben-dong-song-trang-post461825.html