'Bệ đỡ' trong môi trường an ninh nhiều biến động

Những tuần qua, khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế khi các cuộc tập trận quân sự cả song phương và đa phương diễn ra với tần suất và quy mô gia tăng. Môi trường an ninh, chính trị của khu vực đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.

Một trong những tâm điểm của các chuyển dịch quân sự này là cuộc tập trận tác chiến Balikatan 2023 (Vai kề vai) lớn nhất từ trước đến nay giữa Mỹ và Philippines, với sự tham gia của hơn 17.000 binh sĩ (khoảng 12.200 binh sĩ Mỹ, 5.400 binh sĩ Philippines và hơn 100 binh sĩ Australia). Lần đầu tiên lực lượng tham gia diễn tập đưa vào nội dung bắn đạn thật ở Biển Đông và thực hành đổ bộ lên đảo Palawan, phía Tây Philippines.

Quân đội Mỹ cũng huy động tên lửa Patriot và hệ thống tên lửa có độ chính xác cao HIMARS trong cuộc diễn tập này. Thiếu tướng Eric Austin, Chỉ huy trưởng lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, cho biết thông qua cuộc tập trận này, các lực lượng Philippines và Mỹ sẽ tăng cường năng lực tác chiến, kỹ năng chiến đấu và khả năng phối hợp để cùng nhau ứng phó với các thách thức.

Cũng tại Philippines, sau khoảng thời gian được cho là “xoay trục sang Trung Quốc”, Manila có bước đi “tái cân bằng với Mỹ” khi chấp thuận cho Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự ở nước này theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) ngoài 5 địa điểm hiện có. Phát biểu sau cuộc gặp 2+2 giữa Bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ và Philippines ngày 11-4 vừa qua, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo nhấn mạnh hai bên đã gia tăng cam kết hiện đại hóa với nhận thức rằng quan hệ đối tác sẽ cần đóng vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Theo thỏa thuận, Mỹ được tiếp cận các căn cứ tại Philippines để tiến hành công tác huấn luyện chung, thiết lập trước các trang thiết bị và xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự như đường băng, kho nhiên liệu….

Tuy được xác định không phải sự hiện diện mang tính thường trực, nhưng những bước đi này đã đưa Philippines trở thành một phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Nói cách khác, Washington sẽ là nhà bảo trợ an ninh cho Manila.

Ngoài các hoạt động song phương, Philippines cũng cân nhắc kế hoạch thiết lập một khuôn khổ an ninh 3 bên với Mỹ và Nhật Bản, gọi tắt là JAPHUS. Tuy đây mới chỉ là đề xuất, nhưng theo Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đó là một phần trong quá trình tiếp tục củng cố các liên minh, đề phòng tình huống bất ngờ xảy ra.

Môi trường an ninh nhiều biến động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Ảnh: Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) tại cuộc tập trận giữa Mỹ và Philippines ngày 31-3-2023.

Cục diện an ninh khu vực Đông Á được dự báo sẽ trở nên phức tạp hơn, gia tăng nguy cơ cọ xát, căng thẳng, bởi ngoài JAPHUS (nếu được hình thành), ở khu vực này hiện còn có các cơ chế đa phương khác như: Tứ giác an ninh Mỹ-Nhật Bản-Australia-Ấn Độ (QUAD), thỏa thuận Quốc phòng 3 bên Mỹ-Anh-Australia và liên minh Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc. Những động thái vừa qua giữa Mỹ và Philippines đã gây nên phản ứng từ phía Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila gọi thỏa thuận quân sự mở rộng giữa Mỹ và Philippines là “một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm bao vây và kiềm chế Trung Quốc”.

Mới đây, hàng chục máy bay chiến đấu J-16 và J-10C cùng nhiều tàu chiến và khinh hạm của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận mang tên “Liên hợp Lợi kiếm”, tại khu vực đảo Đài Loan (Trung Quốc). Lần đầu tiên tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc được điều động tham gia cuộc tập trận.

Không chỉ có các cuộc tập trận song phương, đầu tháng 4 vừa qua, khu vực cũng chứng kiến nhiều cuộc tập trận đa phương chống tàu ngầm, không quân của hải quân ba nước Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản. Dự kiến các cuộc tập trận chống tên lửa và tàu ngầm chung này sẽ được ba nước tổ chức thường xuyên. Trong một nỗ lực nhằm tăng cường khả năng ứng phó với môi trường chiến lược đang có nhiều thay đổi, Nhật Bản còn nâng tầm quan hệ hợp tác về an ninh với Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi đó, Triều Tiên liên tiếp có các cuộc thử tên lửa đạn đạo, mà gần nhất là vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwa-song 18 sử dụng nhiên liệu rắn.

Nâng cao năng lực răn đe, ứng phó, đồng nghĩa với việc phải tăng ngân sách quốc phòng. Đứng đầu trong số các nước vung tiền chi mạnh cho quốc phòng là Mỹ với 817 tỉ USD trong năm tài khóa 2023. Tiếp đến là Trung Quốc với năm thứ 8 liên tiếp tăng chi phí quốc phòng, lên gần 225 tỷ USD. Nội các Nhật Bản cũng thông qua dự toán ngân sách quốc phòng tăng tới 26,3% so với tài khóa trước lên khoảng 51 tỉ USD. Trong đó, 1,6 tỉ USD được dùng để mua tên lửa hành trình Tomahawk.

Chính phủ Ấn Độ cũng đề xuất mức chi tiêu quốc phòng 72,6 tỉ USD, tăng 13% so với ước tính trước đây nhằm bổ sung máy bay chiến đấu và xây dựng thêm đường sá dọc biên giới. Tháng 3 vừa qua, Australia cũng đã đạt được một thương vụ quốc phòng lớn khi mua 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ, tổng trị giá lên đến 15 tỉ USD. Đây là một phần của kế hoạch trị giá 200 tỉ USD chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân giữa Mỹ, Anh, Australia.

Rõ ràng, các cuộc tập trận được tuyên bố là hoạt động thường niên, nhưng lại diễn ra với tuần suất và quy mô tăng cường so với những năm trước. Nhiều chuyên gia nhận định, điều đó có nguyên nhân từ sự cạnh tranh giữa các nước lớn và điều chỉnh chiến lược của các quốc gia để thích ứng với những diễn biến mới. Trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang bị tác động bởi những căng thẳng và cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn và các khuôn khổ hợp tác đa phương nhiều thành viên khó có thể đạt được sự đồng thuận cao, thì mô hình hợp tác song phương hay đa phương ít thành viên, tham gia đan xen nhiều cơ chế như vừa đề cập ở trên dường như đang trở thành lựa chọn của nhiều nước.

Điều đó cũng cho thấy cấu trúc an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn chưa định hình. Hợp tác luôn đi đôi với cạnh tranh, chính sự xuất hiện đan xen của nhiều mô hình hợp tác trong một cấu trúc an ninh chưa ổn định dễ dẫn đến những hiểu lầm, thiếu lòng tin; những bất đồng, mâu thuẫn có thể bị đẩy lên cao hơn. Thực tế đó đặt các nước vừa và nhỏ trước nhiều bài toán khó, làm gia tăng áp lực “chọn bên” và thách thức làm thế nào để giữ vững tính độc lập, tự chủ trong quan hệ đối ngoại.

Một thực tế nữa là trong bối cảnh hiện nay các cuộc cạnh tranh sẽ còn tiếp diễn. Mỗi nước đều có những tính toán theo đuổi những mô hình an ninh và con đường khác nhau trong chính sách đối với các nước lớn. Nhưng dù lựa chọn thế nào, thì tự lực, tự cường, củng cố vị thế quốc gia, duy trì sự nhất quán trong chính sách đối ngoại và an ninh vẫn luôn là “bệ đỡ” vững chắc trong một môi trường an ninh nhiều biến động. Điều đó giúp đất nước tránh khỏi bị phụ thuộc hay trở thành tuyến đầu trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn.

Tự lực không có nghĩa đứng ngoài cuộc, nhưng tham gia cần đề cao trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và khu vực, đặc biệt là nước lớn. Trong bối cảnh cạnh tranh, việc tăng cường tiềm lực quốc phòng là xu thế không thể tránh khỏi. Để tránh xu thế đó trở thành một cuộc chạy đua vũ trang, giữ gìn hòa bình thực sự, các bên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong chính sách quốc phòng, nhằm tránh gây nghi kỵ, hiểu lầm, mất lòng tin chiến lược, dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm.

Quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 khẳng định chính sách quốc phòng “4 không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/be-do-trong-moi-truong-an-ninh-nhieu-bien-dong-725590

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/576485-be-do-trong-moi-truong-an-ninh-nhieu-bien-dong.html