Bê bối rúng động khi TikToker ào ào viết sách

Sau khi ra mắt tự truyện, hồi ký, sách self-help, nhiều người có ảnh hưởng dính vào lùm xùm đạo văn, thuê người viết hộ.

Christopher Hitchens, nhà phê bình nổi tiếng, người đã xuất bản hơn 30 cuốn sách trước khi qua đời vào năm 2011, từng tuyên bố: "Mọi người đều có một cuốn sách bên trong mình, nhưng hầu hết trường hợp, đó là nơi nó nên ở lại".

Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram, Facebook, X... đang làm suy yếu câu nói của Hitchens. Nhiều nhà sáng tạo nội dung thu hút hàng triệu người theo dõi vì "cuốn sách bên trong họ" và các nhà xuất bản không muốn chỉ để nó ở đó.

Ai hưởng lợi?

Các nhà xuất bản luôn tìm kiếm người nổi tiếng và nhân vật của công chúng để giao dịch sách, nhưng những người có ảnh hưởng cũng đang trở thành đối tượng tiềm năng. Thay vì thu hút đại chúng, sách của người có ảnh hưởng nhắm đến một nhóm độc giả cụ thể. Các tác giả thường không phải là những cái tên quen thuộc nhưng họ có lượng fan trung thành.

Năm 2020, Charli D’Amelio, một trong những người được follow nhiều nhất trên TikTok, đã ra mắt hồi ký Essentially Charli. Cuốn sách nhanh chóng lọt top bán chạy của The New York Times.

Influencer 4,8 triệu follower Mrs Hinch ra mắt sách "Hinch Yourself Happy". Ảnh: gleamtitles/Instagram.

Mrs Hinch, người nổi tiếng với tài dọn dẹp và có 4,8 triệu follower trên Instagram, đã phát hành Hinch Yourself Happy nhằm "hướng dẫn toàn diện để có được ngôi nhà cũng như tâm hồn hạnh phúc" vào năm 2019. Cuốn sách đã bán được hơn 2 triệu bản, theo nhà xuất bản Penguin Michael Joseph của Anh.

Họa sĩ minh họa có ảnh hưởng Florence Given xuất bản cuốn sách về nữ quyền Women Don't Owe You Pretty vào năm 2020. Tác phẩm này nhanh chóng đứng đầu danh sách bán chạy nhất và đã bán được hơn 200.000 bản.

Sách của Mrs Hinch và Florence Given đều được phát triển bởi Gleam Titles, công ty đào tạo tài năng chuyên biến những người có ảnh hưởng thành tác giả.

Emma Nolan, biên tập viên sách phi hư cấu tại Simon & Schuster, cho biết: "Việc thu hút những tên tuổi lớn trong lĩnh vực có ảnh hưởng là động thái rõ ràng. Những người sáng tạo nội dung này đã có sẵn khán giả và có mức độ tương tác cao. Khán giả của họ sẽ đặt trước cuốn sách ngay khi trang bìa được tiết lộ".

"Women Don't Owe You Pretty" trở thành sách bán chạy trong năm 2020. Ảnh: florencegiven/Instagram.

Hull, người có cuốn sách đã bán được hơn 10.000 bản, từng không hề có chút tham vọng nào trong viết lách. "Tôi hoàn toàn hiểu vì sao nhà xuất bản muốn hợp tác với mình. Đó là vì tôi đã dành nhiều năm qua để xây dựng hàng triệu người theo dõi".

Hull cũng nhanh chóng đồng ý hợp tác vì viết một cuốn sách mang lại cơ hội kết nối ở cấp độ mới với những người theo dõi anh.

"Đó chỉ là khả năng chia sẻ điều gì đó mang tính cá nhân sâu sắc theo định dạng mà tôi không thể thực hiện trên Facebook, TikTok hay Instagram. Vì vậy, theo cách này, nó là cơ hội để tôi cho những người theo dõi thấy nhiều hơn về bản thân mình", anh nói.

Còn với nhà xuất bản, động lực lớn nhất là lợi nhuận. Xuất bản những cuốn sách của người có ảnh hưởng không tốn quá nhiều chi phí mà vẫn đảm bảo số lượng bán ra. Các bản hợp đồng an toàn giúp bù đắp chi phí cho nhà xuất bản khi đầu tư vào những tựa sách rủi ro hơn, chẳng hạn như tiểu thuyết văn học hoặc thơ.

Jemma Birrell, người thành lập nhà xuất bản văn học Tablo Tales, cho biết: "Các nhà xuất bản sẽ luôn muốn xuất bản tựa sách thương mại và những người có ảnh hưởng đã có sẵn thị trường riêng".

Bê bối rúng động

Thế nhưng khi các TikToker, Influencer, Facebooker ồ ạt tham gia lĩnh vực viết lách, xuất bản, nhiều vấn đề đã nảy sinh.

Đầu tiên, nội dung của nhiều cuốn sách bị chê bai, thậm chí là chỉ trích vì nhảm nhí. Ngay sau khi ra mắt, hồi ký của TikToker Charli D’Amelio đã gây tranh cãi. Tác giả James Marriott nói rằng cuốn sách này "dở một cách khó tin".

"Tôi đã đọc cuốn sách kinh khủng của Charli D'Amelio nên bạn không cần phải đọc nó nữa. Đó gần như là cuốn sách của JoJo Siwa (vũ công đã viết một số cuốn sách dành cho trẻ em và thanh thiếu niên), tất cả đều tệ đến mức khó tin, chỉ khác nhau về khuôn mặt trên trang bìa", Marriott nói trong một clip thu hút 1,2 triệu lượt xem.

Charli D'Amelio thừa nhận thuê người viết hộ sách. Ảnh: Charli D’Amelio/X.

Nhiều độc giả khác cũng để lại bình luận chê bai, trong khi một số người nói rằng họ không thất vọng vì vốn đã không mong chờ gì ở cuốn sách này. "Chỉ vì bạn là người có ảnh hưởng không có nghĩa là bạn có thể viết sách", một người viết. Người khác bình luận: "Nói sách của Charli D'Amelio dở thì cũng như nói nắng thì nóng thôi".

Không chỉ dừng lại ở vấn đề nội dung, hồi ký của TikToker này còn bị tẩy chay vì sử dụng "nhà văn ma". Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi "Nếu có một điều ước, bạn sẽ ước gì?", D'Amelio đã trả lời khác với những gì từng viết trong sách.

Trước nghi vấn của công chúng, D'Amelio giải thích sách được viết hơn một năm trước nên cô không nhớ rõ. Tuy nhiên, không lâu sau đó, cô thừa nhận không thực sự viết cuốn hồi ký của mình. "Tôi nói chuyện điện thoại với một phụ nữ, cô ấy viết ra những gì tôi nói thành sách", D'Amelio thừa nhận.

Vào năm 2014, Zoella, người có ảnh hưởng hàng đầu về mỹ phẩm trên YouTube, cũng bị nghi ngờ sử dụng "nhà văn ma" cho loạt sách Girl, Online của cô. Cuốn đầu tiên trong bộ sách đã bán được hơn 78.000 bản trong tuần đầu xuất bản.

Nhiều tác phẩm của người có ảnh hưởng cũng dính vào bê bối đạo văn. Một trong những vụ việc gây rúng động ngành xuất bản liên quan đến Influencer Florence Given. Dù bán rất chạy, cuốn sách Women Don't Owe You Pretty của Given được cho có nhiều điểm tương đồng với What a Time to Be Alone, cuốn sách được xuất bản trước của tác giả Eggerue.

Eggerue cáo buộc Given, nhà xuất bản và đồng quản lý của họ ăn cắp, sử dụng ý tưởng từ cuốn sách ra mắt năm 2018 của cô cho cuốn sách self-help được xuất bản năm 2020 của Given.

Lê Vy

Ảnh minh họa: Abby Chung/Pexels

Nguồn Znews: https://znews.vn/be-boi-rung-dong-khi-tiktoker-ao-ao-viet-sach-post1461185.html