Bẫy nợ tới từ góp vốn đầu tư

Tìm kênh đầu tư sinh lời là nhu cầu chính đáng của người dân. Lợi dụng nhu cầu này, nhiều doanh nghiệp đã dụ dỗ để kêu gọi huy động vốn. Và, chỉ khi các doanh nghiệp này công bố mất khả năng chi trả, thì những người góp vốn mới biết mình đã thành nạn nhân. Không ít hoàn cảnh đã trở nên khốn cùng sau khi có nguy cơ mất hết tài sản tích góp.

Không chỉ cá nhân đầu tư, góp vốn, mà nhiều người còn giới thiệu những người thân tham gia đầu tư để rồi cùng nhận “trái đắng”.

Lãi suất cao luôn là "miếng bánh" hấp dẫn nhất mà thường các công ty muốn huy động vốn sẽ sử dụng để lôi kéo nhà đầu tư. Hàng nghìn người vì nhẹ dạ, cả tin vướng vào bẫy lãi suất ảo của doanh nghiệp. Không ít người lao đao khi vay ngân hàng để đầu tư và ôm món nợ lớn chưa biết bao giờ mới trả được. Dù đã có nhiều bài học nhãn tiền cảnh báo người dân cần thận trọng tham gia vào các hành vi huy động vốn dưới nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên, vẫn có quá nhiều người nhận lại hậu quả tiêu cực.

Qua các vụ việc nêu trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà đầu tư phải tỉnh táo. Tiền của ai người đấy phải lo giữ. Đấy là nguyên tắc của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, về phía quản lý của cơ quan Nhà nước cũng cần phải có sự vào cuộc để từ đó có những quy định phù hợp. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điều 504 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên, loại hình này sẽ tiềm ẩn rủi ro không thể tránh khỏi đối với nhà đầu tư, vì bản chất “lãi ăn, thua chịu”. Do đó, trước khi quyết định hợp tác kinh doanh, nhà đầu tư phải xem xét, đánh giá và phân tích kỹ doanh nghiệp và dự án.

Việc người dân chủ động sử dụng tiền nhàn rỗi để tham gia ủy thác đầu tư kinh doanh là điều cần khuyến khích. Đáng lẽ, dòng tiền này sẽ trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Điểm chung qua hàng loạt vụ việc đã xảy ra là việc doanh nghiệp vẽ dự án, rồi triển khai huy động vốn lãi suất cao khiến nhiều nhà đầu tư thiếu thông tin, dồn tiền góp vốn và dẫn đến mất trắng, cho thấy rõ ràng hiện đang thiếu đi cơ chế giám sát, cấp phép cho hoạt động huy động vốn.

Hiện nay, đã có hành lang pháp lý cụ thể, chi tiết, công khai, minh bạch tiệm cận luật pháp quốc tế trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán. Đã đến lúc cần có quy chuẩn pháp luật cho hoạt động huy động vốn thông qua hình thức ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính tiếp cận nguồn vốn, cũng như ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/bay-no-toi-tu-gop-von-dau-tu-203923.htm