'Bẫy' lừa đảo chuyển tiền: Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng tuy không mới nhưng rất nhiều người bị mắc 'bẫy'. Một trong những cách để tránh là người dân không hoang mang, không vội vàng chuyển tiền mà hãy đến trụ sở công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, giải thích.

Ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo

Trưa 12/10 vừa qua, ông V.V.Q (SN 1955) ở thôn Đông, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) nhận được cuộc điện thoại từ số máy 02477710146 giới thiệu tên là Hoàng Thị Hiển yêu cầu ông Q đổi sim điện thoại (vì số điện thoại của ông bị đánh cắp).

Sau đó bà Hiển đưa máy cho một nam thanh niên tự xưng là cán bộ điều tra án ma túy (Bộ Công an) hỏi ông Q ngày, tháng, năm sinh. Ông Q đọc theo yêu cầu xong thì người “công an” này yêu cầu ông phối hợp điều tra để bắt 3 nhân viên ngân hàng trong một vụ lấy cắp tiền trong tài khoản.

Hơn hai tháng qua, Công an xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) đã ngăn chặn hai vụ lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản.

Hơn hai tháng qua, Công an xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) đã ngăn chặn hai vụ lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản.

Đối tượng bảo ông có phiếu nhận tiền 3 tỷ đồng, yêu cầu ông đọc rõ ngày gửi và ngày rút, thời hạn, số ký hiệu từng sổ tiết kiệm để xác minh. Ông Q đã đọc nội dung số tiền và ký hiệu 3 sổ tiết kiệm của gia đình với tổng số tiền là 285 triệu đồng. Sau đó, các đối tượng yêu cầu ông Q một mình lên ngay ngân hàng rút số tiền đó và chuyển sang Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), gửi vào số tài khoản 1903743182501 của Hoàng Thị Hiển để xác minh, điều tra.

Cầm 3 sổ tiết kiệm, ông Q tần ngần không biết thực hư việc này thế nào, nếu mình không làm theo yêu cầu liệu có bị liên lụy? Còn nếu làm theo thì có bị lừa, vì ông cũng chẳng biết người đó là ai. Vậy là ông Q đến hỏi công an, nếu đúng thì ông sẽ rút và chuyển tiền theo yêu cầu. Tại trụ sở Công an xã, ông được Thiếu tá Lương Hữu Bắc giải thích, phân tích và cho ông xem nhiều thông tin về những vụ lừa đảo tương tự. Nhờ vậy mà ông không bị mất số tiền cả đời tích cóp.

Cũng tại xã Cảnh Thụy cách đây hơn hai tháng, ông Nguyễn Văn L (SN 1957) nhận được cuộc gọi từ số máy 0943.861.428 của một nam thanh niên tự giới thiệu là cán bộ điều tra Công an tỉnh. Người này nói ông liên quan đến vụ kiện với số tiền gần 46 triệu đồng. Ông L phủ nhận thì đầu dây bên kia đe dọa, yêu cầu ông chuyển số tiền này vào tài khoản của đối tượng để chứng minh.

Sau khi chứng minh vô can, ông L sẽ nhận lại toàn bộ số tiền này. Do hoang mang, lo sợ, ông L đã chuẩn bị số tiền theo yêu cầu để mang ra ngân hàng chuyển. Trên đường đi, ông đến Công an xã Cảnh Thụy để hỏi thực hư. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an xã đã hướng dẫn ông không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng.

Sáng 25/7, tại Phòng giao dịch Tân Dĩnh Agribank huyện Lạng Giang, bà H.T.H (SN 1964), trú tại thôn Cầu Trong, xã Mỹ Thái đến rút 2 sổ tiết kiệm 155 triệu đồng để chuyển tiền đi. Nhận thấy bà H có biểu hiện lo lắng, liên tục ra ngoài nghe điện thoại, cán bộ Phòng giao dịch đã dừng làm thủ tục, giải thích với bà H về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thấy bà H chưa thực sự tin, cán bộ ngân hàng đã liên lạc với Trung tá Nguyễn Vũ Hưng, Trưởng Công an xã Tân Dĩnh. Khi nghe công an trực tiếp đối thoại, chất vấn đối tượng trước sự chứng kiến của bà H, thấy không thể lừa được, đối tượng đã tự động ngắt liên lạc.

Ngày 2/8, chị N.T.N (1981) ở thôn Gai Bún, xã Đào Mỹ (Lạng Giang) cũng nhận được cuộc điện thoại của một người lạ xưng là cán bộ điều tra Công an tỉnh nói tài khoản ngân hàng của chị N liên quan đến vụ án, đề nghị chị N chuyển 1 tỷ đồng để chứng minh vô can, nếu không chị sẽ bị công an về tận nhà bắt tạm giam. Biết chuyện, chồng chị đã can ngăn nhưng chị không tin. Ngay lập tức, chồng chị đã đến Công an xã trình báo. Được nghe giải thích, chị N mới giật mình nhận ra mình suýt mất tiền vì cú lừa.

Công an không giải quyết án qua điện thoại, tin nhắn

Từ đầu năm đến nay Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) đã tiếp nhận, giải quyết 7 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại hơn 31 tỷ đồng. Đơn vị cũng phối hợp triệt phá 3 vụ, 41 đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó công an các địa phương, các ngân hàng cũng ngăn chặn kịp thời hàng chục vụ chuyển tiền khác. Tuy nhiên, cũng có nhiều nạn nhân tin lời đối tượng dọa dẫm đã vội vàng chuyển số tiền lớn.

Theo Công an tỉnh, nguyên nhân chính dẫn tới nhiều người bị lừa đảo là do nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân còn hạn chế. Trong khi thủ đoạn của đối tượng không mới nhưng ngày càng tinh vi, phổ biến nhất là chúng giả danh Công an để thông báo cho bị hại về hành vi liên quan đến bắt giam, tù tội.

Người dân cần lưu ý là lực lượng công an khi mời làm việc hay triệu tập, thông báo liên quan đến vụ án, vụ việc đều bằng giấy mời (có chữ ký, đóng dấu đỏ), có trụ sở làm việc với địa chỉ cụ thể chứ không bao giờ làm việc qua điện thoại hay tin nhắn. Khi người dân bị các đối tượng này gọi cần hết sức bình tĩnh, không nghe và không chấp hành. Tốt nhất là ra trụ sở cơ quan công an xã, phường, thị trấn- nơi lúc nào cũng có người trực ban (24/24 giờ) để hỏi cụ thể.

Thượng tá Trần Huy Việt, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, người dân cần cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi điện thoại cố định mà người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo yêu cầu cung cấp qua điện thoại thông tin phục vụ điều tra. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các trang, tài khoản mạng xã hội. Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của mình cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch của người đó.

Không nhấp vào đường link hoặc mở các tệp đính kèm trong thư điện tử, tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định. Trường hợp nhận được tin nhắn vay mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền, người dân cần xác minh lại thông tin. Kiểm tra kỹ thông tin website khi thực hiện các giao dịch trực tuyến, bởi lẽ các website chính thức của tổ chức, doanh nghiệp sẽ đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu an toàn như dùng giao thức “https”. Tuyệt đối không được cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, không nhận mở tài khoản, chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản ngân hàng cho người không quen biết.

Tuấn Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/413438/bay-lua-dao-chuyen-tien-thu-doan-cu-nan-nhan-moi.html