Bẩy lăm năm ấy không quên

Đúng 75 năm trước, ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng về ATK Định Hóa lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là sự kiện quan trọng ghi dấu quá trình trường kỳ kháng chiến và đi đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, là dấu ấn không thể quên đối với đồng bào ATK Định Hóa nói riêng và quê hương Thái Nguyên nói chung.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở ATK Định Hóa, năm 1950.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở ATK Định Hóa, năm 1950.

Ngay từ khi chưa về nước, Thái Nguyên đã là “địa chỉ đỏ” mà Bác dự định lựa chọn để chuẩn bị cho cách mạng Việt Nam sau này. Và đúng như Người dự tính, Định Hóa đã trở thành trung tâm của ATK kháng chiến, bảo vệ, chở che cho cách mạng hoạt động.

Còn nhớ, ngày 20/5/1947, Người đã di chuyển từ Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đến ở và làm việc tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Trong quá trình hoạt động tại ATK, để đảm bảo bí mật, Bác và các đồng chí lãnh đạo cao cấp thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc. Có lúc, Người ở huyện Định Hóa rồi sang Võ Nhai (Thái Nguyên), có lúc di chuyển đến Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang), rồi lên Chợ Đồn (Bắc Kạn). Đặc biệt, tại mảnh đất Định Hóa giàu truyền thống cách mạng, Người đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ ban hành nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước, trong đó có quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…

Gần 2/3 thế kỷ đã trôi qua, sự kiện Bác Hồ về ATK Định Hóa lãnh đạo kháng chiến vẫn luôn in đậm trong tâm trí mỗi người con Thái Nguyên. Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thái Nguyên đã ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng. Từ một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, giờ đây Thái Nguyên đã vươn lên trở thành tỉnh tăng trưởng nhanh trong khu vực và cả nước. Giai đoạn 2015-2020, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà phát triển, cơ cấu chuyển dịch nhanh và bứt phá mạnh ở khu vực công nghiệp; môi trường đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp đồng bộ.

Những năm gần đây, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, song hằng năm, tỉnh vẫn hoàn thành “mục tiêu kép” đề ra. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,56%, cao gấp 2 lần so với bình quân chung cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,7% so với năm trước đó; giá trị xuất khẩu tăng gần 18%; thu ngân sách vượt trên 7% dự toán; thu nhập bình quân đầu người đạt 95,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,17%; 75% số xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới… Tỉnh Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư và trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Riêng đầu tư trực tiếp nước ngoài, đến nay đã có 170 dự án với tổng vốn đầu tư trên 9,6 tỷ đồng. Thái Nguyên cũng chủ động trong công tác chuyển đổi số để tạo đột phá kinh tế. Hiện tỉnh đang đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số.

Với ATK Định Hóa, từ một huyện miền núi đặc biệt khó khăn, đến nay, quê hương cách mạng đã "thay da đổi thịt". Giai đoạn 2015- 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của huyện giảm trên 4%/năm. Những năm gần đây, Định Hóa tập trung phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững, phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, thu hút đầu tư... Đặc biệt, Định Hóa đã mạnh dạn đăng ký và phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2023.

Mặc dù cách nay hơn 7 thập kỷ, nhưng sự kiện Bác Hồ về ATK Định Hóa cùng Trung ương Đảng lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn còn nguyên giá trị. Đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của người dân Thái Nguyên và các địa phương vùng ATK mà còn có ý nghĩa to lớn trong giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ con dân đất Việt.

Thái Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/chinh-tri/bay-lam-nam-ay-khong-quen-301224-97.html