Bảy chuyện kể Gothic: Điệu vũ Bảy tấm mạng của Isak Dinesen

Bảy chuyện kể Gothic là một tác phẩm khó nhằn nhưng vô cùng hấp dẫn, được viết bởi một cây bút tài danh trên văn đàn thế giới nhưng còn khá xa lạ với độc giả Việt Nam. Bởi gần đây, chúng ta chỉ mới biết tới Isak Dinesen, nữ nhà văn Đan Mạch, qua hồi ký Châu Phi nghìn trùng – một sự hoài nhớ về thiên đường đã mất của bà.

Là tác phẩm được xuất bản trước Châu Phi nghìn trùng (1937), khi Isak chưa có tên tuổi, phải nhờ tới sự giúp đỡ của một nhà văn, nhà hoạt động xã hội người Mỹ (Dorothy Canfield) và một nhà xuất bản nhỏ tại Mỹ (Harrison Smith & Robert Hass), Bảy chuyện kể (1933) là màn “chào sân” đầy ấn tượng. Bản thân tác giả đã không nhận tạm ứng và chấp nhận cú đặt cược này với điều kiện duy nhất: để bút danh thay cho tên thật trên bìa sách, trong đó Isak nghĩa là “tràng cười” và Dinesen là họ của cha bà cũng là họ thời con gái của bà. Cuốn sách lọt vào danh sách Câu lạc bộ Sách Của Tháng và bán được với số lượng lớn ở Mỹ trước khi nó quay lại Anh (nơi nhiều nhà xuất bản đã từ chối in trước đó) và Đan Mạch (tác giả tự dịch lại sang tiếng Đan Mạch).

Không phải vô cớ khi tác phẩm này ban đầu bị các nhà xuất bản Anh từ chối. Bảy chuyện kể thực sự khó đọc nếu ta quen với cách kể chuyện một ngôi kể hay chỉ có một người kể từ đầu chí cuối, trong khi tất cả bảy chuyện trong tác phẩm này đều có nhiều người kể, thậm chí liên tục có sự đổi vai người kể. Như vậy, một chuyện sẽ gồm nhiều chuyện; nói cách khác, ta có chuyện trong chuyện. Đây là kỹ thuật từng xuất hiện trong Đỉnh gió hú của Emily Bronte, còn được biết dưới cái tên “kỹ thuật Matryoshka” (dựa theo cấu tạo của loại búp bê nổi tiếng này của Nga) – nhiều lớp truyện, nhiều lớp nghĩa, hay, truyện chồng truyện, nghĩa chồng nghĩa. Nếu là người yêu mến văn chương và có phổ đọc rộng, hẳn độc giả sẽ nhớ tới một nhà văn lưu vong nổi tiếng khác của Nga cũng rất thông thạo kỹ thuật này – Vladimir Nabokov.

Quay lại với sự khó đọc của Bảy chuyện kể, ta không thể bỏ qua vốn sống và nền tảng gia đình của tác giả. Trước tác phẩm này, Isak vốn dĩ không chọn văn chương. Cha mất sớm, thay vì theo đuổi văn nghiệp (bà đã có vài truyện ngắn được xuất bản ở tuổi đôi mươi), Isak đã chọn kết hôn và theo chồng sang châu Phi. Năm 1931, sau khi li dị, rời châu Phi, người tình mất, đồn điền bị bán tháo, bản thân lâm trọng bệnh, bà quay về Đan Mạch như một đứa con hoang tay trắng, một phụ nữ ở tuổi 46 bắt đầu làm lại cuộc đời từ số 0 tròn trĩnh. Với Bảy chuyện kể, bà dành nhiều tâm huyết, có thể nói là đánh cược với số mệnh, và cược lớn: viết tác phẩm bằng tiếng Anh để nhắm tới độc giả nói tiếng Anh, kể bằng lối kể ít người dùng, và đan cài vào tác phẩm vô số điển tích Kinh Thánh lẫn truyện kể dân gian. Từ đó, bà đã tạo ra một thế giới rất riêng, rất Isak, mà nhà văn John Updike trong bài viết trên báo New York Times[1] đã ca ngợi là “một sự trưng trổ thần thánh”.

Riêng tôi, đọc Bảy chuyện kể, tôi không khỏi nhớ tới Salome của Oscar Wilde, một vở kịch cũng có số phận ly kỳ khi ban đầu được viết bằng tiếng Pháp rồi về sau được bạn của tác giả dịch lại sang tiếng Anh. Nếu nàng Salome với điệu vũ kỳ ảo, điệu vũ Bảy tấm mạng, làm mê hoặc vua Herod Antipas, thì Isak trong vai nàng Scheherazade cũng làm mê hoặc người đọc với điệu vũ của bà. Mỗi câu chuyện trong Bảy chuyện kể giống mỗi lớp mạng dần buông xuống để cuối cùng, ta nhìn rõ nàng Salome hay Scheherazade đầy quyến rũ. Nói cách khác, sau từng tấm mạng, ta đều trông thấy một Nghệ Sĩ đầy quyền năng – Đấng Sáng Tạo. Chính Đấng Sáng Tạo khai mở thiên đàng và địa ngục, sự thật và giả trá trước con mắt phàm nhân (“Thế giới của chúng ta như thể trò chơi ú tim của con trẻ, luôn có thứ gì đó bên dưới – sự thật, lừa gạt; sự thật, lừa gạt.” – Bảy chuyện kể, trang 327). Cũng chính Đấng Sáng Tạo gợi nhắc ta một sự thật lớn lao: sự thật về sự sống và cái chết, về tưởng tượng và hiện thực (“Vẻ tĩnh mịch và thinh lặng của màn đêm lan tỏa sức sống sâu thẳm, như thể trong khoảnh khắc, cả vũ trụ rũ bỏ vẻ huyền bí của nó.” – sđd, trang 736). Và đây có lẽ cũng là câu hỏi mà nhiều nghệ sĩ nhắm tới: làm thế nào để sáng tạo, để nuôi dưỡng óc tưởng tượng, giữa thế gian suy đồi, giữa hiện thực tàn khốc, giữa bao trắc trở khó khăn của cuộc đời? Xin được trích lời gợi ý sau từ tác phẩm: “Đó là bài học sâu sắc cho mọi nghệ sĩ! Đừng e sợ làm điều ngờ nghệch, đừng chùn bước trước điều kỳ quái. Khi ở thế tiến thoái lưỡng nan, hãy chọn lấy giải pháp chưa ai nghe nói đến, giải pháp liều lĩnh nhất. Hãy can đảm lên, can đảm lên!” (sđd, trang 373).

Chín mươi năm trước, khi nói về Bảy chuyện kể, nhà văn Dorothy Canfield đã khuyên độc giả Mỹ: “Cứ nếm thử đi, bạn sẽ ngấu nghiến thôi mà!” Chín mươi năm sau, với độc giả Việt Nam, tôi cũng khuyên các bạn nếm thử và tìm thấy sự ngon bổ của thứ “quả lạ” này.

[1] John Updike (23/02/1986) “‘Seven Gothic Tales’: the divine swank of Isak Dinesen”, The New York Times.

Dịch giả Nguyễn Vân Hà

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/bay-chuyen-ke-gothic-dieu-vu-bay-tam-mang-cua-isak-dinesen-a24780.html