Bầu trời Ukraine được 'phủ kín' bởi hệ thống phòng không FrankenSAM

FrankenSAM là hệ thống phòng không 'lai ghép' đặc biệt, được tạo ra bằng cách đưa tên lửa đánh chặn RIM-7 do Mỹ sản xuất lên bệ phóng Buk.

Sơ đồ triển khai hệ thống phòng không bảo vệ bầu trời Ukraine có hình dáng khá đặc biệt. Theo nhận xét, lưới lửa bảo vệ bầu trời tin cậy chỉ hiện diện ở 7 thành phố lớn: Kyiv, Lviv, Kharkiv, Odessa, Dnieper, Zaporozhye và Krivoy Rog.

Toàn bộ lãnh thổ còn lại của đất nước, bao gồm cả tiền tuyến, được bao phủ trên diện rộng bởi các hệ thống phòng không Buk-M1 chế tạo từ thời Liên Xô, nhưng đã được điều chỉnh để sử dụng tên lửa của phương Tây.

Những tổ hợp "lắp ghép" như vậy có tên gọi FrankenSAM, chúng được đánh dấu trên bản đồ bằng những vòng tròn màu đỏ, tổng cộng có 44 vòng tròn

Bản đồ hệ thống phòng không Ukraine cũng hiển thị những vòng tròn màu vàng, đó là các khu vực được bảo vệ bởi 3 hệ thống phòng không Patriot và 1 hệ thống SAMP-T.

Trong khi đó các vòng tròn màu xanh xám biểu thị vị trí của 4 hệ thống phòng không NASAMS, bên cạnh đó các vòng tròn màu xanh lá cây biểu thị 4 hệ thống phòng không IRIS-T.

Trên thực tế, lãnh thổ Ukraine chưa thể được che phủ hoàn toàn bởi các hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp. Đương nhiên Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga tận dụng rất tốt điều này.

Máy bay và tên lửa Nga đã di chuyển trong không phận qua những khoảng hở và tấn công các mục tiêu mong muốn bằng cách sử dụng máy bay không người lái cảm tử cũng như nhiều loại tên lửa khác nhau.

Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng phải ghi nhận việc tích hợp tương đối thành công tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow của Mỹ vào tổ hợp Buk-M1 mà Ukraine thừa hưởng từ Liên Xô.

Ukraine không còn quá nhiều tên lửa do Liên Xô sản xuất, chính vì vậy nên Mỹ đã giúp đỡ họ bằng cách tạo ra thứ vũ khí rất đặc biệt, thậm chí còn mở ra hướng đi mới trên thị trường quốc tế sau này.

Theo thông báo từ phía Mỹ, công việc được thực hiện trong 7 tháng, “một số công trình lắp đặt” đầu tiên đã được gửi đến Ukraine, và những gì diễn ra cho thấy mọi thứ đang tiến triển rất tốt.

Có thông tin cho biết Kyiv dự kiến sẽ sửa đổi thêm 17 xe phóng của tổ hợp Buk-M1 theo cách tương tự trong thời gian tới, nhưng các kỹ sư Mỹ chỉ có thể nâng cấp 5 tối đa hệ thống mỗi tháng.

Ngoài công việc điều chỉnh hệ thống Buk, việc thử nghiệm tổ hợp phòng không cỡ lớn như S-300 cũng đang được tiến hành để phóng tên lửa Mỹ. Các kỹ sư hy vọng có thể kết hợp các bệ phóng Patriot với những trạm radar do Liên Xô hoặc Ukraine sản xuất.

"Các quan chức và kỹ sư quân sự Mỹ cũng tiếp tục thử nghiệm loại FrankenSAM mạnh nhất cho đến nay - bệ phóng tên lửa Patriot, hoạt động với các hệ thống radar cũ do Ukraine sản xuất trong nước", tờ New York Times nhấn mạnh.

Hiệu quả của các hệ thống vũ khí lai ghép như vậy trước hàng không hiện đại của Nga còn nhiều nghi vấn, nhưng Mỹ có lẽ không còn lựa chọn nào khác để tăng cường khả năng phòng không của Ukraine.

Tuy nhiên câu trả lời dự kiến sẽ sớm được biết, nhất là khi tần suất giao tranh trên không giữa hai bên đang trở nên dày đặc trở lại.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bau-troi-ukraine-duoc-phu-kin-boi-he-thong-phong-khong-frankensam-post559485.antd