Bầu cử Mỹ: Siêu thứ Ba gay cấn, cuộc đua vào Nhà Trắng đang định hình rõ nét

Siêu thứ Ba lần này liệu có phải là ngày 'bội thu' để các ứng cử viên Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump và ông Joe Biden tự tin bước vào màn 'song đấu'?

Siêu thứ Ba (ngày 5/3) có thể là “liều doping” mạnh cho các ứng cử viên Tổng thống Mỹ lần này. Trong ảnh, cựu Tổng thống Donald Trump và đương kim Tổng thống Joe Biden. (Nguồn: AP)

Chiến dịch tranh cử tại Mỹ ngày càng trở nên sôi động với liên tiếp các diễn biến mới từ phát biểu của các ứng cử viên, kết quả thăm dò dư luận dự báo nhiều biến số và đặc biệt là các nhận định trước thềm “Siêu thứ Ba” ngày 5/3.

"Được ăn cả"

Theo các trang báo Mỹ, thuật ngữ “Siêu thứ Ba” được sử dụng lần đầu tiên năm 1988, khi lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại các tiểu bang miền Nam nước Mỹ quyết định tổ chức bỏ phiếu trong cùng một ngày để tạo uy thế cho ứng cử viên bảo thủ mà họ ủng hộ.

Lãnh đạo cả 2 Đảng Cộng hòa và Dân chủ sau đó nhận ra rằng việc tổ chức sớm và đồng thời một số lượng lớn các cuộc họp đảng và bầu cử sơ bộ (được gọi là “front-loading”) sẽ giúp cử tri xác định đâu là ứng cử viên tổng thống sáng giá nhất của mỗi đảng, qua đó tăng tính đoàn kết và thống nhất trong nội bộ đảng trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11.

Trong những kỳ bầu cử tổng thống gần đây, khoảng 30-40% số đại biểu của mỗi chính đảng được phân bổ cho các ứng viên riêng trong Siêu thứ Ba. Theo luật bầu cử Mỹ, một ứng viên cần có được sự ủng hộ từ quá nửa số đại biểu để chính thức trở thành ứng viên tổng thống đại diện cho đảng.

Việc thu được kết quả tốt trong ngày Siêu thứ Ba thường là “liều doping” mạnh cho chiến dịch tranh cử của một ứng cử viên tổng thống. Minh chứng gần đây là chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden năm 2020.

Sau những thất bại bước đầu tại Iowa (xếp thứ tư) và New Hampshire (xếp thứ năm), ông Biden đã giành chiến thắng ở 10/15 tiểu bang và vùng lãnh thổ tổ chức bỏ phiếu ngày 3/3, tạo cơ sở vững chắc để ông vượt qua đối thủ “nặng ký” là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (bang Vermont) và trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ.

Ngược lại, màn thể hiện thiếu thuyết phục trong ngày Siêu thứ Ba có thể khiến một ứng cử viên vốn đang rất thành công phải từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng. Một số ví dụ điển hình là các Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Đảng Cộng hòa, bang Texas), Marco Rubio (Đảng Cộng hòa, bang Florida) trong năm bầu cử 2016.

Năm nay, sẽ có 15 bang (Alabama, Alaska, Arkansas, California, Colorado, Maine, Massachusetts, Minnesota, North Carolina, Oklahoma, Tennessee, Texas, Utah, Vermont và Virginia) cùng một vùng lãnh thổ (Samoa) tổ chức bầu cử sơ bộ hoặc họp đảng vào Siêu thứ Ba, ngày 5/3.

Ngoài ra, kết quả bỏ phiếu kín sau cuộc họp của Đảng Dân chủ tại bang Iowa (được tổ chức dưới hình thức bỏ phiếu qua thư) sẽ được công bố vào ngày này.

Như vậy, Siêu thứ Ba sắp tới phân bổ 854/2.429 đại biểu của Đảng Cộng hòa và 1.429/3.933 đại biểu của Đảng Dân chủ cho các ứng cử viên. Cuộc đua giữa các ứng cử viên Đảng Cộng hòa phần nào gay cấn hơn, do phần lớn các cuộc bỏ phiếu của Đảng Cộng hòa trong Siêu thứ Ba năm nay áp dụng cơ chế “được ăn cả”, trong khi phe Dân chủ sẽ phân bổ đại biểu theo tỷ lệ phiếu bầu mà mỗi ứng cử viên nhận được.

Trả lời 3 câu hỏi lớn

Các trang báo Mỹ cho rằng “Siêu thứ Ba” năm nay giúp trả lời 3 câu hỏi lớn.

Thứ nhất, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley có tiếp tục tham gia cuộc đua giành ghế ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa hay không?

Sau chuỗi thất bại liên tiếp của bà Haley trước cựu Tổng thống Donald Trump tại các bang Iowa, New Hampshire, South Carolina, Michigan... nội bộ Đảng Cộng hòa gây sức ép ngày càng lớn để buộc bà phải sớm khép lại chiến dịch tranh cử. Một số nhà tài trợ chủ chốt của bà Haley, trong đó có tổ chức Americans For Prosperity, tuyên bố dừng ủng hộ sau cuộc bầu cử sơ bộ tại South Carolina.

Tuy nhiên, bà Haley vẫn tiếp tục thể hiện khả năng gây quỹ khá bền bỉ (12 triệu USD chỉ trong tháng 2 này). Các trang báo Mỹ dự đoán nếu có thể trụ vững được qua Siêu thứ Ba, có khả năng bà Haley tiếp tục tranh cử cho đến Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa tổ chức vào tháng 7. Tại Đại hội, bà Haley sẽ vận dụng sự ủng hộ từ số đại biểu của mình để tác động đến cương lĩnh tranh cử của Đảng.

Câu hỏi thứ hai mà truyền thông Mỹ muốn giải đáp là chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump có thể lấp được những “khoảng trống” trong ngày Siêu thứ Ba sắp tới hay không?

Tuy có uy tín rất cao đối với đại bộ phận cử tri Cộng hòa, ông Trump nhìn chung vẫn khó thu hút lá phiếu của một số nhóm quan trọng như số cử tri có bằng đại học (được coi là “giọt nước làm tràn ly” khiến ông Trump thất bại trước ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020) và bộ phận cử tri trung dung. Trong các cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua tại New Hampshire và South Carolina, 2/3 số cử tri có bằng đại học và 3/4 số cử tri trung dung đã bỏ phiếu cho cựu Đại sứ Haley thay vì cựu Tổng thống Trump.

Câu hỏi lớn cuối cùng là liệu Tổng thống Biden có giải tỏa được tâm lý bất mãn của cử tri Đảng Dân chủ xoay quanh cuộc xung đột Israel-Hamas hay không?

Báo chí Mỹ nhận định rằng, khác cựu Tổng thống Trump, ông Biden thực sự “không có đối thủ” trong cuộc đua giành ghế ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, ông đứng trước nguy cơ hiện hữu là một số cử tri Dân chủ có thể lựa chọn không đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới để phản đối chính sách của chính quyền Biden đối với Trung Đông.

Theo thông lệ các năm, công tác kiểm đếm phiếu bầu của Siêu thứ Ba năm nay sẽ cơ bản được hoàn tất vào rạng sáng 6/3, mặc dù một số bang có thể công bố người chiến thắng ngay trong tối 5/3.

Cuộc khảo sát mới nhất của tờ The New York Times và Đại học Siena (Mỹ) công bố hôm 2/3 cho thấy 48% số người dự kiến đi bầu vào tháng 11 sẽ chọn cựu Tổng thống Donald Trump, trong khi 44% chọn đương kim Tổng thống Joe Biden.

(theo AP, New York Times)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-my-sieu-thu-ba-gay-can-cuoc-dua-vao-nha-trang-dang-dinh-hinh-ro-net-262919.html