Bầu cử Mỹ 2020: Trước giờ G, Tổng thống Trump bất ngờ nhận 'bom tấn' kinh tế

Chỉ còn vài ngày trước thềm bầu cử Mỹ, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump bất ngờ nhận được tín hiệu vui từ kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, dù ai đắc cử trong cuộc đua này cũng phải đối mặt với thách thức lớn. CNN nhận định.

Vài ngày trước bầu cử Mỹ 2020, kinh tế Mỹ nhận được tín hiệu vui trong quý III/2020. (Nguồn: Getty Images)

“Bom tấn” trước giờ G

Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố, GDP quý III/2020 của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 33,1% (đã điều chỉnh về cơ sở hàng năm).

Số liệu trên được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ đối mặt với cuộc khủng hoảng "chưa từng có tiền lệ" do đại dịch Covid-19. Trong quý II/2020, nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận mức giảm kỷ lục 31,4%, khi hàng loạt hoạt động kinh tế bị đình trệ.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, tiêu dùng, vốn đóng góp 2/3 vào tăng trưởng GDP của Mỹ đang bật tăng trở lại. Dù phần lớn địa điểm tại Mỹ vẫn đang mở cửa lại một cách thận trọng, người tiêu dùng đã bắt đầu quay trở lại các cửa hàng, quán bar.

Ngành nhà hàng cũng dần khôi phục hoạt động kinh doanh, bất chấp bị giới hạn về công suất.

Hoạt động của ngành bất động sản cũng tương đối mạnh. Trong nhiều khảo sát, bất chấp đại dịch Covid-19, lãnh đạo doanh nghiệp và người tiêu dùng đều tự tin vào tương lai của ngành này.

Số liệu GDP quý III/2020 được công bố ngay trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ. Điều này được đánh giá là có lợi cho Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump. Đây cũng có thể là cơ hội cuối để kéo sự chú ý của cử tri về lại vấn đề kinh tế trong giai đoạn nước rút.

Kết quả này sẽ giúp ông chủ hiện tại của Nhà Trắng chứng minh rằng, ông là lựa chọn tốt cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cơ hội "lung lay"

Theo trang CNN, sự phục hồi mạnh mẽ trong quý III/2020 đã nước Mỹ đi khoảng 2/3 chặng đường phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, 1/3 chặng đường gian nan nhất vẫn chưa đến.

Đại dịch Covid-19 sẽ khiến chặng đường phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới bị chậm lại trong mùa Thu và mùa Đông này. Khách sạn, nhà hàng, rạp chiếu phim, hãng hàng không và các doanh nghiệp hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề sẽ không thể phục hồi hoàn toàn khi diễn biến của đại dịch ngày càng tồi tệ.

Bên cạnh đó, việc Quốc hội Mỹ không đạt được gói kích thích kinh tế mới, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp khó, tình trạng sa thải công nhân tại các bang và địa phương có thể sẽ tăng. Đặc biệt, không điều gì có thể nhanh chóng xoa dịu nỗi đau cho người tiêu dùng.

Nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Oxford Economics Gregory Daco nhận định, nếu không có thêm viện trợ tài chính cho đến năm 2021, cùng với việc đại dịch Covid-19 khó kiểm soát và bầu cử Mỹ không chắc chắn, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ phải đối mặt với một mùa Đông dài và u ám.

Ông Gregory Daco cho hay, các nhà kinh tế đang chuẩn bị cho kịch bản tăng trưởng kinh tế suy giảm, điều không thể tránh khỏi đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý IV/2020.

Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ước tính, tăng trưởng GDP của quốc gia này trong Quý IV/2020 sẽ là 3,5%. Con số này đánh dấu sự giảm tốc mạnh so với “bom tấn” Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố.

Ngân hàng đầu tư Jefferies thậm chí còn bi quan hơn, dự báo tăng trưởng quý IV/2020 chỉ đạt 2%. "Gói kích thích kinh tế mới không được thông qua có thể sẽ giáng một đòn mạnh vào chi tiêu của người tiêu dùng - động lực lớn nhất của nền kinh tế Mỹ và là điểm sáng cuối cùng vào thời điểm này", Ngân hàng này cảnh báo.

Aneta Markowska, nhà kinh tế tài chính trưởng tại Jefferies cho hay, triển vọng kinh tế trong quý IV/2020 rất lung lay. Nền kinh tế đã mất nhiều động lực trong quý III/2020.

Cuộc đấu tranh đầy khó khăn

Nhận định về chặng đường phục hồi kinh tế Mỹ trong thời gian tới, Seemah Shah, chiến lược gia trưởng tại Global Investors khẳng định, con đường phía trước chắc chắn sẽ là một cuộc đấu tranh khó khăn. Khi các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng và một gói kích thích kinh tế mới chưa được công bố, những lo ngại về nền kinh tế một lần nữa lại nổi lên.

Trang CNN cho biết, một số nhà kinh tế cũng tin rằng, quá trình phục hồi kinh tế sẽ bị đình trệ.

Đơn cử như Danielle DiMartino Booth, Giám đốc điều hành và chiến lược gia trưởng của Quill Intelligence dự đoán, kinh tế Mỹ có thể trượt trở lại suy thoái.

Hay Jeoff Hall, nhà kinh tế quản lý tại Refinitiv IFR cảnh báo, nền kinh tế lớn nhất thế giới còn có khả năng tăng trưởng âm trong quý IV/2020, thậm chí, tăng trưởng GDP có thể giảm hai con số, khi các trường hợp nhiễm Covid-19 tăng lên và các biện pháp hạn chế mới được áp dụng.

Ngay cả thị trường nhà đất, phần “nóng” nhất của nền kinh tế Mỹ, cũng đang có dấu hiệu giảm nhiệt. Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán nhà đang chờ xử lý đã bất ngời giảm trong tháng 9, đánh dấu sự sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 4.

Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics lại lo lắng về đầu năm 2021 hơn là cuối năm nay.

“Quý I/2020 có thể chứng kiến mức tăng trưởng bằng 0, trừ khi các biện pháp kích thích mới được thông qua ngay lập tức sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1”, ông Ian Shepherdson bày tỏ quan điểm.

Trang CNN nhận thấy, kết quả của cuộc bầu cử Mỹ 2020 sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phục hồi kinh tế của quốc gia này.

Dù vậy, bất cứ ai nắm quyền sẽ phải đối mặt với một thách thức to lớn: Nền kinh tế Mỹ vẫn đang giảm gần 11 triệu việc làm so với trước đại dịch Covid-19. Công ty JPMorgan cho rằng, thị trường việc làm khó phục hồi hoàn toàn trước năm 2022.

"Bởi phần dễ dàng của quá trình phục hồi kinh tế đã qua”, Lauren Goodwin, nhà kinh tế tại New York Life Investments khẳng định.

(theo CNN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-my-2020-truoc-gio-g-tong-thong-trump-bat-ngo-nhan-bom-tan-kinh-te-127707.html