Bát Tràng đã trở thành một làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, như lời căn dặn của Bác Hồ

Ngày 20/02/1959, người dân Bát Tràng được tin Bác Hồ về thăm làng để kiểm tra tình hình bà con ổn định đời sống ra sao sau khi hiến ½ đất làng để đào công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Và hơn 60 năm qua đi, những lời Bác căn dặn vẫn còn vẹn nguyên tại nơi đây.

Bác căn dặn: “Bát Tràng là một làng nghề phát triển. Các cô chú phải xây dựng đường sá rộng rãi để xe chở nguyên liệu về làng và chở hàng hóa đi, làng phải có giao thông thuận lợi” và “Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa”.

Và Bát Tràng bây giờ đã trở thành một làng nghề truyền thống, một thương hiệu độc đáo: “Làng nghề - Làng văn hóa - Làng du lịch Hà Nội - Bát Tràng”. Xã Bát Tràng cũng đã lập bàn thờ Bác Hồ tại nơi Bác dừng chân nói chuyện với dân làng để tỏ lòng ngưỡng vọng, ghi nhớ công ơn của Bác truyền lại cho con cháu muôn đời.

Ngày 20/2/59, Bác Hồ lần thứ 2 đã về thăm làng Bát Tràng. Cũng trên mảnh đất này, Bác đứng nói chuyện với nhân dân làng, Bác dặn: Nhân dân làng Bát Tràng xây dựng thành một làng kiểu mẫu, 1 làng của nước Việt Nam mới, nước VN XHCN. Từ đó, nhân dân làng Bát Tràng luôn ghi nhớ lời dặn của Bác, không bao giờ quên.

Tình yêu với nghề gốm như thấm qua da thịt, vào máu, vào huyết quản của những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Cái hay ở làng nghề truyền thống đấy chính là công việc sẽ được nối tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ thời cha ông truyền lại cho con cháu. Từ nền tảng truyền thống cha ông để lại, những người con người cháu của của làng nghề Bát Tràng đang góp phần nối dài mạch nguồn văn hóa của dân tộc.

Nghệ nhân HÀ THỊ VINH - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam : “Bác căn dặn xây dựng làng Bát Tràng thành làng nghề kiểu mẫu. Từ đó đến nay nhân dân làng Bát Tràng luôn ghi nhớ lời dạy của Bác không bao giờ quên”

Chị PHẠM THÙY LINH - Thôn Bát Tràng, xã Bát Tráng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội : “Trong rất nhiều những gia đình của Làng nghề Bát Tràng, có luật bất thành văn là những kỹ thuật chế tác riêng sẽ truyền lại cho con trai. Những người phụ nữ sẽ gắn với công việc quản lý buôn bán chăm sóc gia đình, mỗi gia đình sẽ có những thủ pháp trang trí riêng.”

Làng nghề gốm sứ Bát Tràng hôm nay đã trở thành một trong những làng nghề kiểu mẫu, một làng nghề truyền thống với những bí kíp truyền từ đời ông cha, nhưng được con cháu ngày ngay kế thừa và phát huy một cách sáng tạo và linh hoạt, nỗ lực cho niềm tự hào của một làng nghề có Bác về thăm. Cùng với nghề truyền thống làm gốm sứ, Bát Tràng hôm nay còn khai thác yếu tố văn hóa để làm du lịch.

Nghệ nhân HÀ THỊ VINH - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam : "Chúng tôi xây dựng nên Trung tâm này cống hiến cùng 19 dòng họ trong quê, pháp lí thì cũng đang xin thành lập bảo tàng của làng và sản phẩm thì của 19 dòng họ cũng đã mang đến đây."

Việt Nam có tiềm năng rất to lớn về làng nghề, sản xuất làng nghề và du lịch làng nghề. Đặc biệt, có những làng nghề, phố nghề tồn tại đến cả nghìn năm tuổi. Truyền thống lịch sử về phát triển làng nghề lâu đời, làng nghề truyền thống là nguồn “tài sản” quý giá của dân tộc ta, đất nước ta. “Tài sản” đó không chỉ mang ý nghĩa kinh tế - xã hội mà còn thể hiện nền văn minh độc đáo của dân tộc Việt Nam./.

Thực hiện : Linh Chi Hải Linh Hồng Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/bat-trang-no-luc-xay-dung-mot-thuong-hieu-lang-nghe