Bắt Tổng Giám đốc, Tập đoàn Tâm Lộc Phát làm ăn thế nào?

Cấu trúc tài sản của Tâm Lộc Phát rất đặc biệt khi không có tài sản cố định nào được ghi nhận.

Bắt Tổng Giám đốc Tâm Lộc Phát lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng

Ngày 19/4, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án, tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở làm việc của Công ty Cổ phần tập đoàn Tâm Lộc Phát (địa chỉ số 27 – V5A, khu đô thị mới Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) ra Quyết định tạm giữ, Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với:

Nguyễn Thị Khuyên (SN 1983, trú tại CT5 khu nhà ở và Trung tâm thương mại Hà Đông, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội, là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Tâm Lộc Phát) và Văn Đình Toàn (SN 1982, trú tại: khu chức năng đô thị Đại Mỗ, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, là Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Tâm Lộc Phát) để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan công an tống đạt các quyết định tố tụng. Ảnh: CAHN

Trước đó, tháng 3/2024, qua công tác nắm tình hình trên lĩnh vực tài chính và huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP phát hiện thông tin về vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đầu tư, ký kết Hợp đồng góp vốn kinh doanh, Hợp đồng góp vốn cổ đông với Công ty Tâm Lộc Phát.

Ngay sau khi phát hiện, Phòng Cảnh sát kinh tế đã báo cáo lãnh đạo Công an TP và khẩn trương làm việc với một số nhà đầu tư để thu thập, xác minh thông tin, tổ chức các biện pháp điều tra, làm rõ vụ việc.

Đến nay, căn cứ tài liệu, chứng cứ, thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP xác định: tháng 6/2019, Nguyễn Thị Khuyên và Văn Đình Toàn cùng 1 người khác thành lập Công ty TNHH Truyền thông Tâm Lộc Phát (sau đó đổi tên thành Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát).

Sau đó, các đối tượng đã dựng lên mô hình công ty kinh doanh siêu thị tiện ích, công ty sản xuất, kinh doanh quần áo thời trang, đầu tư bất động sản… và sử dụng pháp nhân Công ty Tâm Lộc Phát để huy động tiền của các nhà đầu tư dưới dạng hợp đồng kinh doanh, hợp đồng góp vốn.

Để tạo lòng tin, thu hút các nhà đầu tư, nhóm của Nguyễn Thị Khuyên đã đưa ra phương thức trả tiền môi giới cao cho những người giới thiệu, trả lãi cho nhà đầu tư theo ngày với mức lãi suất cao hơn nhiều lần lãi suất ngân hàng (khoảng 2,93%/tháng).

Theo đó, khoảng 50 văn phòng đại diện Công ty cấp 1 được hưởng 15% giá trị hợp đồng ngay khi nhà đầu tư ký hợp đồng, nộp tiền tại văn phòng; văn phòng nào giới thiệu mở thêm được văn phòng khác thì được hưởng thêm 2% từ các hợp đồng của văn phòng mới được thành lập; các văn phòng cấp 2, cấp 3, cấp 4 đều được chia lợi nhuận từ 15% giá trị hợp đồng từ văn phòng cấp 1.

Đối với các văn phòng cấp 1 tại miền Nam được hưởng 25% giá trị hợp đồng từ các khách hàng. Nguyễn Thị Khuyên tự đứng ra điều hành hoạt động chung của Công ty, Toàn phụ trách chiến lược tập trung phát triển thị trường, tổ chức sự kiện quảng cáo tại nhiều địa phương để thu hút nhà đầu tư. Ngoài ra, các đối tượng còn mua một số mặt hàng như: quần áo, dầu ăn, mỳ chính… để thể hiện hoạt động kinh doanh của Công ty.

Tiền thu được từ các hợp đồng đầu tư, sau khi trích lại phần trăm cho các văn phòng sẽ được chuyển vào tài khoản của Công ty Tâm Lộc Phát, tài khoản cá nhân của Nguyễn Thị Khuyên để Khuyên căn cứ theo bảng kê lãi suất của các hợp đồng tiến hành thanh toán tiền lãi cho các nhà đầu tư theo ngày. Số tiền còn lại, Khuyên sử dụng cá nhân, mua xe ô tô, bất động sản và trả lương cho bản thân Khuyên, Toàn và nhân viên công ty.

Tính từ năm 2019 đến nay, các đối tượng đã huy động được hơn 5.100 tỷ đồng từ các nhà đầu tư. Từ tháng 9/2023 đến nay, Nguyễn Thị Khuyên không trả được lãi như cam kết, mất khả năng chi trả và chiếm đoạt trên 1.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Trong đó xác định Nguyễn Thị Khuyên, Văn Đình Toàn đã chiếm đoạt hơn 61 tỷ đồng của 18 nhà đầu tư đã có đơn tố giác.

Hiện Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP tiếp tục củng cố tài liệu chứng cứ, điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Thị Khuyên, Văn Đình Toàn và các đối tượng liên quan khác để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Chân dung Tập đoàn Tâm Lộc Phát

Tập đoàn Tâm Lộc Phát có tên ban đầu là Công ty TNHH Truyền thông Tâm Lộc Phát, thành lập ngày 28/06/2019, có trụ sở chính ở Khu Đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội. Ngành nghề hoạt đông chính là tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại.

Vốn điều lệ ban đầu của Tập đoàn Tâm Lộc Phát là 20 tỷ đồng, đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc là bà Nguyễn Thị Khuyên (SN 1983).

Tới ngày 30/9/2020, doanh nghiệp đổi tên thành CTCP Truyền thông và Tổ chức sự kiên Tâm Lộc Phát. Đồng thời thực hiện tăng vốn điều lệ lên 30 tỷ đồng, trong đó bà Nguyễn Thị Khuyên góp 70%, Bùi Thị Minh Nguyệt góp 15% và Văn Đình Toàn góp 15%.

Tới tháng 6/2021, doanh nghiệp đột ngột tăng vốn lên 100 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố. Tới tháng 12/2022, Công ty đổi tên thành CTCP Tập đoàn Tâm Lộc Phát, đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc vẫn là bà Nguyễn Thị Khuyên.

Theo quảng bá trên website: http//tamlocphat.com.vn và daututamlocphat.com được giới thiệu là website chính thức của doanh nghiệp này, Công ty Tâm Lộc Phát đã xây dựng được nhiều cơ sở kinh doanh trên cả nước với kinh doanh chuỗi cafe, nhà hàng nghệ sĩ, hệ thống gian hàng tiện ích, quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp, truyền thông và tổ chức sự kiện, kênh truyền hình và báo điện tử, bất động sản…Công ty cũng xây dựng được hệ thống các tòa nhà, văn phòng giao dịch trên nhiều tỉnh, thành khắp cả nước nhằm thuận tiện giao dịch hơn cho nhà đầu tư.

Thông qua quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội và trên website của doanh nghiệp, Công ty Tâm Lộc Phát từng tung ra các gói đầu tư dao động từ 5 triệu đồng đến 5 tỷ đồng. Nếu đầu tư gói 2 tỷ đồng, mỗi ngày nhà đầu tư sẽ được nhận lợi nhuận 8 triệu đồng, sau 18 tháng sẽ nhận tổng lợi nhuận 2,88 tỷ đồng.

Trong năm 2020, Công ty Tâm Lộc Phát không ghi nhận doanh thu, nhưng chi phí quản lý kinh doanh đã đạt 4,7 triệu đồng, dẫn đến tổng lỗ trong năm là 4,7 triệu đồng. Tổng tài sản của công ty trong năm này đạt 22,2 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền chiếm đến 99%, tức là 22,1 tỷ đồng, với 100 triệu đồng còn lại từ các khoản phải thu ngắn hạn.

Năm 2021, công ty không có doanh thu, nhưng các chi phí khác vẫn tiếp tục phát sinh, dẫn đến lỗ 4,24 triệu đồng. Tổng tài sản của công ty giảm nhẹ 4 triệu đồng, vẫn ở mức 22,2 tỷ đồng, với tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 99%.
Trong năm tài chính 2022, doanh thu đạt 467,5 triệu đồng; doanh thu từ hoạt động tài chính là 273.000 đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại cao bất thường, gấp đôi doanh thu cả năm, đạt 1,03 tỷ đồng, dẫn đến tổng lỗ 565,7 triệu đồng. Tổng tài sản của công ty tăng lên 24,5 tỷ đồng vào cuối năm 2022, tăng 10,3% so với đầu năm.
Cấu trúc tài sản của Tâm Lộc Phát rất đặc biệt khi không có tài sản cố định nào được ghi nhận. Trong tài sản ngắn hạn, tiền và các khoản tương đương tiền chiếm tỷ trọng lớn, lên đến 84,7%, với mức 20,7 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Hàng tồn kho cuối năm đạt 2,6 tỷ đồng, chiếm 10,4%. Các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng hoặc trả trước cho người bán chỉ ở mức 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tin-tuc/bat-tong-giam-doc-tap-doan-tam-loc-phat-lam-an-the-nao-122163.html