Bất thường tại một dự án nhà ở và dịch vụ đô thị

Theo bạn đọc phản ánh, Dự án Khu nhà ở và dịch vụ đô thị, công nghiệp Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) có nhiều dấu hiệu sai phạm trong quá trình thực hiện.

Dự án Khu nhà ở và dịch vụ đô thị, công nghiệp Như Quỳnh sau nhiều năm vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Dự án Khu nhà ở và dịch vụ đô thị, công nghiệp Như Quỳnh sau nhiều năm vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Dự án Khu nhà ở và dịch vụ đô thị, công nghiệp Như Quỳnh được UBND tỉnh Hưng Yên chấp thuận cho Công ty cổ phần thương mại (CPTM) Hoàng Vương làm chủ đầu tư (Văn bản số 1392/UBND-KT1 ngày 30/8/2011). Ðến ngày 20/12/2011, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Văn bản số 2156/UBND-TH chấp thuận thay đổi chủ đầu tư Dự án bằng Công ty cổ phần Hoàng Vương Hưng Yên. Chủ đầu tư mới cũng được kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ thực hiện Dự án mà UBND tỉnh Hưng Yên đã giao cho chủ đầu tư cũ.

Ngày 25/3/2015, UBND tỉnh Hưng Yên cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu số 05101000682 cho Công ty cổ phần Hoàng Vương Hưng Yên để thực hiện Dự án. Theo đó, tổng diện tích để thực hiện Dự án là 37,09ha (trong đó có 27,14ha là đất trồng lúa); có gần 15ha (40% trên tổng số diện tích) được Công ty cổ phần Hoàng Vương quy hoạch làm đất ở (chủ yếu là đất biệt thự, liền kề, nhà ở kết hợp trung tâm thương mại). Mục tiêu đầu tư của doanh nghiệp này cũng được nêu rất rõ tại Giấy chứng nhận đầu tư là: "Xây dựng nhà ở liền kề, biệt thự, chung cư để bán; xây dựng khu hỗn hợp thương mại, dịch vụ văn phòng; xây dựng các công trình công cộng, giáo dục".

Như vậy, có thể thấy rất rõ, mục tiêu đầu tư của Công ty cổ phần Hoàng Vương Hưng Yên là xây dựng nhà ở để bán. Ðiều này hoàn toàn khác mục tiêu UBND huyện Văn Lâm phê duyệt tại Quyết định số 3626/QÐ-UBND ngày 17/10/2011 về quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của Dự án là: "Ðáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân thị trấn Như Quỳnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thị trấn Như Quỳnh…".

Bất chấp tiến độ đã được ghi rõ tại Giấy chứng nhận đầu tư là phải "giải phóng mặt bằng trong vòng một tháng kể từ thời điểm được cấp chứng nhận đầu tư (ngày 25/3/2015); từ tháng thứ 5 bắt đầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật…; tháng thứ 60, hoàn thành tất cả các hạng mục công trình kỹ thuật, đưa toàn bộ Dự án vào hoạt động", Công ty cổ phần Hoàng Vương Hưng Yên không có bất kỳ động thái nào ngoài việc cho người đi thương lượng thu mua lại đất trồng lúa của các hộ dân. Cần phải nói thêm rằng, kể từ tháng 2/2012, UBND huyện Văn Lâm đã có quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng Dự án. Vì nhiều lý do, Hội đồng này hoạt động không hiệu quả, cho nên Dự án chưa hoàn thành công tác kiểm đếm tài sản và đền bù để thu hồi đất.

Do không bảo đảm tiến độ Dự án, ngày 12/12/2018, Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết số 186/NQ-HÐND, đưa Dự án ra khỏi danh mục thu hồi đất. Tuy nhiên, UBND tỉnh Hưng Yên không có quyết định thu hồi Dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty cổ phần Hoàng Vương Hưng Yên. Bằng cách nào đó, sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên thông qua Nghị quyết số 244/NQ-HÐND ngày 6/12/2019, chấp thuận cho thu hồi đất để tiếp tục thực hiện Dự án, Công ty cổ phần Hoàng Vương Hưng Yên nghiễm nhiên lại được giao thực hiện Dự án, mà không cần thông qua bất cứ thủ tục pháp lý nào. Từ ngày 5/3/2021, UBND huyện Văn Lâm ban hành thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất đối với 20 hộ dân với tổng diện tích thu hồi hơn 24.158m2. Ðây là diện tích các hộ dân chưa đồng thuận giao đất hoặc đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Hoàng Vương.

Ðể làm rõ những vấn đề nêu trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm Ðỗ Hoàng Tùng, Công ty cổ phần Hoàng Vương Hưng Yên vẫn tiếp tục được giao thực hiện Dự án là do UBND tỉnh Hưng Yên không thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp này. Ngoài ra, Dự án chậm tiến độ có lý do khách quan là ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chờ chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Cho đến ngày 16/7/2020, UBND tỉnh Hưng Yên mới có Tờ trình số 94/TTr-UBND trình Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Ngày 29/12/2020, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1864/TTg-NN đồng ý cho tỉnh Hưng Yên chuyển mục đích sử dụng 27,14ha đất trồng lúa để thực hiện Dự án. Như vậy, cho đến khi có Văn bản số 1864/TTg-NN, việc các cấp chính quyền tỉnh Hưng Yên, huyện Văn Lâm chấp thuận chủ trương đầu tư (năm 2011), cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Hoàng Vương Hưng Yên (năm 2015); ban hành các quyết định thu hồi đất; và chủ đầu tư tự ý mua bán, chuyển đổi quyền sử dụng đất trồng lúa và các cá nhân… là "tiền trảm hậu tấu" và trái Luật Ðất đai năm 2013.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phú, do đây là dự án phát triển kinh tế-xã hội, cho nên việc chính quyền thành lập Ban bồi thường giải phóng mặt bằng và áp dụng giá đền bù theo mức giá quy định đối với đất nông nghiệp là đúng. Cũng theo ông Quý, hiện nay UBND tỉnh Hưng Yên chưa định giá sử dụng đất đối với dự án này. Số tiền để giải phóng mặt bằng do chủ đầu tư ứng và sẽ được khấu trừ vào tiền sử dụng đất sau này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm UBND tỉnh Hưng Yên thông báo lựa chọn chủ đầu tư thực hiện Dự án vào năm 2011, Công ty cổ phần Hoàng Vương là doanh nghiệp duy nhất đăng ký tham gia, do đó được chọn và được giao khảo sát diện tích, vị trí khu đất và quy hoạch chi tiết để thực hiện Dự án (Thông báo số 233/TB-UBND ngày 29/6/2012 của UBND tỉnh Hưng Yên). Mã số thuế doanh nghiệp cho thấy đăng ký ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp này là "Sản xuất thực phẩm" và tư vấn, môi giới, đấu giá, kinh doanh… bất động sản. Sau khi được giao Dự án, doanh nghiệp này mới thành lập Công ty cổ phần Hoàng Vương Hưng Yên để quản lý Dự án. Ðiều đó cho thấy Công ty cổ phần Hoàng Vương Hưng Yên chưa có kinh nghiệm thực hiện một dự án đô thị lớn, có tầm vóc "góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương", như mục tiêu của Dự án đặt ra.

Ngoài ra, theo phản ánh của bạn đọc, việc doanh nghiệp tự ý san lấp đất trồng lúa khi chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về chuyển mục đích sử dụng; tự ý rào chắn, phá dỡ diện tích đất thuộc quản lý của người dân khi chưa thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng cần phải xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm…

Bài, ảnh: Thường Ðức và Phạm Hà

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bat-thuong-tai-mot-du-an-nha-o-va-dich-vu-do-thi-post739410.html