Bắt sỏi đá 'nở hoa'

Từ những vùng đất cằn sỏi đá, với sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, các đoàn viên thanh niên đã phát huy sức trẻ, nhiệt huyết tình yêu lao động để xây dựng quê hương khởi sắc, ngày càng giàu đẹp. Đó là những câu chuyện được ghi lại tại các làng thanh niên lập nghiệp.

Bản Khoòng đổi mới

Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp Lý Quốc, nay là xóm Bản Khoòng, xã Lý Quốc (huyện Hạ Lang, Cao Bằng) được triển khai từ năm 2008 với diện tích 720ha, tổng nguồn đầu tư hơn 21 tỷ đồng do Tỉnh đoàn phụ trách và quản lý, gồm các hạng mục: Điện, đường, nước, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, nhà ở hộ dân, sân chơi thể thao...

Một góc Làng Thanh niên lập nghiệp Bản Khoòng, xã Lý Quốc (Hạ Lang, Cao Bằng).

Dự án được kỳ vọng xây dựng mô hình kinh tế phát triển bền vững, giúp ổn định cuộc sống cho thanh niên lập nghiệp, xóa đói giảm nghèo vùng biên giới; xây dựng cơ sở đoàn thanh niên vững mạnh, góp phần tích cực bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ môi trường sinh thái và mở ra con đường thoát nghèo cho nhiều thế hệ thanh niên - những người tiên phong lên khai hoang, lập nghiệp trên vùng đất mới.

Để giúp người dân khắc phục khó khăn, yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, Dự án có nhiều chính sách hỗ trợ cư dân làng thanh niên như: Mở các lớp tập huấn tuyên truyền phương pháp chăn nuôi, hỗ trợ máy cày bừa để bà con làm đất đổi mới cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Đến nay, đa phần các hộ trong làng đều chăn nuôi lợn, bò, trồng rau, đỗ tương cho thu nhập cao.

Anh Mã Nông Tuân, một trong những thanh niên chuyển đến làng thanh niên lập nghiệp nay là Trưởng xóm Bản Khoòng vẫn nhớ như in những khó khăn của ngày đầu trở thành cư dân làng thanh niên lập nghiệp.

Từ một bãi đất hoang cằn cỗi bao quanh bởi những ngọn núi đá vôi dựng đứng, những thanh niên về làng lập nghiệp như những người khởi đầu của hành trình “gieo mầm trên những đồi trọc”.

Vốn liếng ban đầu trông cậy vào khoản hỗ trợ của Nhà nước, còn lại ai cũng tay trắng như nhau...

Nhưng tin tưởng vào chính sách, anh cùng những gia đình trẻ khác quyết tâm học tập, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả nhằm phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Nay cuộc sống của bà con được cải thiện, không hộ nào ở nhà tạm hoặc thiếu ăn, nhà nào cũng mua được xe máy, tivi, tủ lạnh, con cái được học hành đàng hoàng, không còn hộ thuộc diện đói.

Anh Nông Văn Thuận, Bí thư Chi bộ xóm cho biết, xóm có 58 hộ đều là dân tộc Nùng, Tày. Để xóa nghèo và làm giàu, xóm tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất.

Cuộc sống ngày càng đổi thay, 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia, nhiều hộ tự khoan giếng lấy nước sạch phục vụ sinh hoạt...

Cả xóm có hơn 200 con trâu, bò, 97% hộ có máy cày kéo, có 4 xe ô tô vận chuyển vật liệu hàng hóa. Đến nay, xóm chỉ còn 5 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo.

Vườn ổi nhà anh Vương được đầu tư hệ thống tưới nước tự động.

Ngôi làng của sức trẻ

Dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua do Tỉnh đoàn Quảng Ngãi triển khai xây dựng đầu năm 2019. Đây là 1 trong 15 làng thanh niên lập nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Làng được đầu tư khoảng 55 tỷ đồng, với đầy đủ hạ tầng đất ở, đất sản xuất, đường, điện, nước…

Anh Đỗ Minh Vương (36 tuổi, quê ở xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) có hơn 10 năm sinh sống và làm việc tại xã Sơn Bua. Năm 2019, khi Tỉnh đoàn Quảng Ngãi triển khai dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua (huyện Sơn Tây), vợ chồng anh Vương tiên phong đăng ký vào ở trong làng.

Khởi đầu, gia đình anh Vương được Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cấp 1.200m2 đất, trong đó có 300m2 đất ở; được hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà, cấp 1 con bò, 20 con gà, 3 con heo và các giống cây ăn quả... Đến nay, vườn nhà anh Vương có nhiều loại cây ăn quả đã cho thu hoạch. Vợ chồng anh nuôi 200 cặp chim bồ câu Pháp, đem lại thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ chi phí.

Theo anh Vương, Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua có nhiều hộ làm kinh tế rất tốt, đã áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm tải sức người và làm tăng chất lượng, sản lượng của cây trồng và vật nuôi.

“Khi mới vào làng sinh sống, các gia đình gặp nhiều khó khăn do đây là vùng đất mới, chưa quen khí hậu, thổ nhưỡng... Về sau, các gia đình đã thích nghi được với khí hậu, thời tiết nên việc chăn nuôi và trồng trọt dần phát triển và ổn định”, anh Vương cho biết.

Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn nên cuộc sống của gia đình chị Sang đã khấm khá hơn.

Chị Nguyễn Thị Thu Sang (37 tuổi, quê ở huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) cũng là một trong số những thanh niên xung phòng vào Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua. Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn nên cuộc sống của gia đình chị Sang ngày càng ổn định. Sau khi đi làm ở trường mầm non về, chị lại tất bật với công việc chăn nuôi và trồng trọt.

Chồng chị Sang đi làm tại các công trình trên địa bàn huyện Sơn Tây. Nhờ vậy, kinh tế gia đình chị đứng ở vị trí tốp đầu của làng. Biết vùng đất mới không phụ người có công, vợ chồng chị Sang bàn nhau phát triển số lượng đàn dê, mở rộng việc nuôi heo…

Khởi sắc ở làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ

Những ngôi nhà khang trang được dựng lên dưới những sườn núi, tô thắm thêm cảnh sắc núi rừng ở Nam Giang (Quảng Nam). Đó chính là làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ, một điểm sáng được tạo nên bởi ý chí lập nghiệp của thanh niên.

Năm 2018, làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ được thành lập. Thời điểm đó, ở làng chưa có gì ngoài cây cỏ và đất đồi hoang hóa. Ngày ấy, những thanh niên về làng lập nghiệp như những người khởi đầu của hành trình gieo mầm trên đá.

Gia đình anh ARất Bước tham gia dự án trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế.

Qua hơn 6 năm, 60 hộ thanh niên được di dời về làng đã xây dựng đời sống mới. Hộ anh Hiên Chưu là một trong nhiều hộ khá giả của làng. Ngày đầu mới về làng, Hiên Chưu chỉ có cặp heo giống, đến nay đã có đàn heo hàng chục con.

Hơn 6 năm trước, ARất Bước cùng vợ là Bloong Thị Vàng là 1 trong số 20 hộ dân đầu tiên xung phong lên lập làng. Lên định cư, được hỗ trợ tiền làm nhà, có vốn làm ăn, lại được hướng dẫn cách trồng trọt chăn nuôi, đến nay vợ chồng Bước đã có thu nhập ổn định. Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình Bước là điển hình của làng thanh niên.

Anh được tham gia mô hình “Vườn cây sinh kế” lồng ghép trong các chương trình hỗ trợ giảm nghèo. “Tham gia mô hình tôi được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, được cán bộ hướng dẫn tỉ mỉ từng bước, từng công đoạn trong trồng trọt chăn nuôi. Mong cây sẽ phát triển để gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định”, anh ARất Bước nói.

Nhiều gia đình của làng đã có nguồn thu nhập ổn định, với mức bình quân 40 - 50 triệu đồng/người/năm. Đây là mức thu nhập khá mà nhiều người ngày đầu lên làng không dám nghĩ tới. Điều đáng mừng là thanh niên trong làng không chỉ cần cù, siêng năng làm ăn phát triển kinh tế, mà còn hết sức giúp đỡ, hỗ trợ và học tập lẫn nhau trong cuộc sống.

Ở giữa làng, sân bóng đá mini được xây dựng, tạo không gian vui chơi, sinh hoạt cho cộng đồng. Làng đã xây dựng cổng chào, khu vui chơi cho thanh thiếu nhi, tuyến đường nội bộ thắp sáng năng lượng mặt trời… màu xanh của cây cối, hoa màu đã phủ khắp các khu vườn trong làng.

Sự đổi thay đang hiện hữu từng ngày dưới bàn tay lao động hăng say của những cặp vợ chồng trẻ. Các hộ dân trong làng cũng nhân rộng mô hình nuôi gà thả đồi, hướng tới thành lập tổ hợp tác để đăng ký tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP”.

Cùng với việc phát triển sản xuất, Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ từng bước xây dựng nếp sống văn hóa mới. Các thành viên trong làng cam kết gương mẫu chấp hành pháp luật, không mắc tệ nạn xã hội, không lạm dụng rượu bia.

Sự đổi thay ở các làng thanh niên lập nghiệp đã làm nên những thôn xóm ngày càng giàu có, góp phần ổn định tình hình an ninh biên giới và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số.

Khánh Vân

Báo Lao động Xã hội số 51

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/bat-soi-da-no-hoa-20240428130359538.htm