Bắt nhịp xu thế thời đại

Thông qua truyền bá tôn giáo trên môi trường mạng, tri thức và giáo lý được đưa đến cộng đồng một cách dễ dàng. Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đó cũng là cách các tôn giáo lấy tín đồ làm trung tâm, mời dẫn mọi người đến với tôn giáo và mang tôn giáo đến mọi người.

Từ câu chuyện truyền cảm hứng

Hai năm nay, trên mạng xã hội Tiktok lan truyền kênh “Ẩm thực Phật giáo” của Đại đức Thích Khải Tuấn, Thiền viện Trúc Lâm Phú Yên. Ban đầu, kênh chỉ rất ít lượt xem và có nhiều bình luận tiêu cực, cho rằng những người tu hành không phù hợp với nền tảng này. Tuy nhiên, Đại đức Thích Khải Tuấn tiếp tục cho ra nhiều video giới thiệu những món chay đa dạng theo vùng miền, lồng ghép câu chuyện nhân văn vào công đoạn nấu ăn. Hiện tại, kênh tiktok “Ẩm thực Phật giáo” đã có đến hơn 2,3 triệu lượt theo dõi và gần 45 triệu lượt thích.

Talkshow “Gương sáng", tại chùa Giác Ngộ, thành phố Hồ Chí Minh ngày 2.4 vừa qua đã thu hút hàng nghìn khán giả đến chùa Giác Ngộ, và gần 10.000 lượt theo dõi trực tuyến trên kênh Youtube “Đạo Phật ngày nay”. Nguồn: Trang Facebook Chùa Giác Ngộ

Talkshow “Gương sáng", tại chùa Giác Ngộ, thành phố Hồ Chí Minh ngày 2.4 vừa qua đã thu hút hàng nghìn khán giả đến chùa Giác Ngộ, và gần 10.000 lượt theo dõi trực tuyến trên kênh Youtube “Đạo Phật ngày nay”. Nguồn: Trang Facebook Chùa Giác Ngộ

Ngày 2.4 vừa qua, Đại đức Thích Khải Tuấn trở thành khách mời của Talkshow “Gương sáng", tại chùa Giác Ngộ, TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ về hành trình tu tập, về câu chuyện truyền cảm xúc tích cực cho mọi người thông qua nền tảng mạng xã hội. Buổi nói chuyện thu hút hơn 600 hành giả tham gia khóa tu tại chùa Giác Ngộ, và gần 10.000 lượt theo dõi trực tuyến trên kênh Youtube “Đạo Phật ngày nay”. Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, Trưởng ban tổ chức chương trình cho biết, điều mà Đại đức Thích Khải Tuấn đã làm được chính là giúp cộng đồng Việt Nam biết đến ăn chay như là một văn hóa của từ bi.

“Tôi cũng theo dõi trên kênh Tiktok này và rút ra câu chuyện đi từ thức ăn chay đến thức ăn tinh thần. Nếu chúng ta để ý, trong từng video clip giới thiệu thực phẩm chay đã lồng ghép văn hóa sinh hoạt trong chùa, văn hóa tu tập và nhiều nội dung Phật pháp một cách nhẹ nhàng, đơn giản. Thông qua cách ấy, giới trẻ, những người yêu mến đạo Phật sẽ tiếp cận được đạo Phật một cách dễ dàng”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhìn nhận.

Để giới trẻ, người yêu mến đạo Phật tiếp cận được đạo Phật một cách tự nhiên, dễ dàng cũng chính là lý do Đại đức Thích Khải Tuấn lựa chọn mạng xã hội làm kênh kết nối, lan truyền tình yêu nhà Phật đến với mọi người. Đại đức Thích Khải Tuấn chia sẻ: “Người lớn tuổi và người trẻ tuổi tiếp cận Phật giáo sẽ mang nhiều khía cạnh khác nhau. Trên các nền tảng mạng xã hội khác, đối tượng tiếp xúc với Phật giáo đa số là người lớn tuổi. Tuy nhiên, đa phần những người tiếp xúc với Tiktok lại là người trẻ. Mà Phật giáo phải tiếp cận được với những người trẻ thì mới có thể phát triển, từ đó, cũng hướng họ theo một lối sống lành mạnh và an yên hơn”.

Phương tiện truyền giáo “mềm”

Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức tôn giáo đã nhanh chóng bắt nhịp sự phát triển của truyền thông mạng xã hội để lan tỏa vẻ đẹp của tri thức và đạo giáo. Đó được ví như phương tiện truyền giáo “mềm” để quan điểm, tư tưởng cũng như giá trị tôn giáo đến với đông đảo tín đồ một cách tự nhiên, dễ dàng tại chính nơi họ ở. Không chỉ vậy, việc khai thác, sử dụng mạng xã hội để “sinh hoạt tôn giáo online”, quy tụ nhiều tín đồ cùng một thời điểm, một không gian cũng ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Dẫn chứng rõ là giai đoạn Covid-19, do các quy định về giãn cách xã hội vì lo ngại lây lan dịch bệnh, nhiều tổ chức tôn giáo đã đưa ra giải pháp để hỗ trợ tín đồ, cộng đồng tham gia hoạt động tôn giáo mà không phải trực tiếp tới cơ sở tôn giáo. Việc thuyết pháp, những buổi tụng kinh, hay các nghi lễ khác… đều được tổ chức trực tuyến, đến các hình thức quyên góp hỗ trợ cũng được thực hiện dưới hình thức này. Giờ đây, khi xã hội bình ổn trở lại, các tôn giáo vẫn tiếp tục duy trì, kết hợp hai cách thức truyền bá, sinh hoạt tôn giáo trực tiếp và trực tuyến, vì nhận thấy việc tham gia trực tuyến đã giúp họ tiếp cận với nhiều tín đồ mới và giới trẻ hơn.

Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với kênh Phật sự Online (ra đời năm 2019) cho thấy ý thức coi trọng truyền bá tôn giáo trên không gian mạng. Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết, hoằng pháp là công tác Phật sự mũi nhọn hàng đầu của Giáo hội, là sứ mệnh thiêng liêng của tăng ni. Do vậy luôn phải gắn chiến lược hoằng pháp với thời đại đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của Cách mạng 4.0. Có thể nói, việc thuyết giảng online, chia sẻ các bài giảng, khóa tu trực tuyến có thể truy cập hàng ngày, hàng giờ trên môi trường mạng giúp cho công tác hoằng pháp trở nên vượt không gian và thời gian.

Hay đối với Hội thánh Công giáo, từ nhiều năm nay, truyền thông trên không gian mạng được đặc biệt lưu ý, để thuận tiện trong tương tác cũng như thông báo Tin Mừng. Trang web của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã xây dựng mục suy niệm lời Chúa hàng ngày, là cách để tín đồ Công giáo có thể thực hiện thánh lễ mà không cần phải trực tiếp đến nhà thờ. Bên cạnh truyền bá giáo lý Công giáo, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tăng cường tuyên truyền giúp tín đồ ý thức về ảnh hưởng lớn lao của các phương tiện truyền thông xã hội, tận dụng các lợi ích cũng như phòng tránh tai hại khó lường trong hoạt động tôn giáo trên môi trường mạng.

Đơn cử năm 2021, Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chia sẻ sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông xã hội, đề cập đến vấn đề bản quyền trên các trang mạng. Từ đó, mời gọi các tín hữu cảnh giác và biết phân định đối với những thông tin trên các trang web, đặc biệt các trang mạng xã hội. Khi có những nghi ngờ, hay có vấn đề ảnh hưởng đến đức tin truyền thống thì hãy tìm hỏi những người có hiểu biết chuyên môn, cũng như tìm cách đối chiếu thông tin đó trên các trang mạng chính thức của Giáo hội Việt Nam.

Có thể thấy, một mặt các tôn giáo thúc đẩy hoạt động truyền bá tôn giáo trên không gian mạng, mặt khác coi trọng giáo dục tín đồ ý thức về việc sử dụng một cách đúng đắn các phương tiện truyền thông. Hướng đi này cũng là cách đưa các tôn giáo đến gần với đời sống, phù hợp với thời đại. Từ đó, lấy tín đồ làm trung tâm, cùng nhau xây dựng những giá trị tích cực, mời dẫn mọi người đến với tôn giáo và mang tôn giáo đến với mọi người.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/bat-nhip-xu-the-thoi-dai-i324243/