Bát nháo lấn chiếm ao hồ, hành lang đường bộ

Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm ao hồ, hành lang an toàn đường bộ diễn ra rất phức tạp tại Lâm Đồng và Bình Thuận. Điều đáng nói, việc phát hiện vi phạm của đơn vị quản lý còn chậm, chế tài xử lý trong công tác giải tỏa, cưỡng chế chưa đến nơi, đến chốn.

Hồ thủy lợi Próh có dung tích 3,2 triệu m3 nằm trên địa bàn xã Próh (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) có nhiệm vụ tưới nước cho 515ha rau màu của người dân. Vài năm trở lại đây, tình trạng vi phạm hành lang an toàn hồ này diễn ra hết sức nghiêm trọng.

Tại khu vực gần đập tràn xả lũ hồ Próh, Công ty TNHH Du lịch Próh đã làm sàn thép hộp lát gỗ và xây dựng hàng rào, làm lều, quán, tường, công trình tạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi với diện tích 258m2; đắp đập ngăn nước và làm cầu phao chắn ngang khe suối chính đổ về hồ Próh. Ngoài ra, nhiều người dân còn tiến hành đào, cuốc, xới, gieo trồng các loại cây rau màu trong phạm vi bảo vệ hồ với diện tích hàng ngàn m2.

Hàng loạt công trình không phép lấn chiếm hành lang hồ thủy điện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận). Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Hàng loạt công trình không phép lấn chiếm hành lang hồ thủy điện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận). Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Tương tự, tại khu vực hồ Nam Phương 1 (xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc), người dân đã tự ý cải tạo, đổ đất đắp bờ kè hình thành đường đi, làm những ao hồ nhỏ, làm nhà tạm tạo cảnh quan du lịch với diện tích là 22.860m2. Còn tại kênh N1-9 thuộc hệ thống thủy lợi Đạ Đờn đi qua thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà), có gần 400m (trong tổng số 1.800m) kênh bị người dân xây dựng nhà ở, công trình phụ trên hành lang kênh.

Trên tuyến quốc lộ 28B nối giữa tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận, tình trạng người dân lấn chiếm đất hồ thủy điện, đất rừng, vi phạm hành lang an toàn đường bộ cũng diễn ra rất phức tạp. Theo Phòng TN-MT huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận), đến thời điểm hiện tại, tổ kiểm tra liên ngành của huyện đã phát hiện 78 trường hợp xây dựng công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất hành lang an toàn giao thông dọc tuyến quốc lộ 28B.

Còn tại khu vực hồ thủy điện Bắc Bình (xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), hàng loạt hàng, quán mọc lên, xâm phạm nghiêm trọng đến hành lang hồ. Không chỉ lấn chiếm đất hành lang hồ thủy điện, đoạn quốc lộ 28 từ hồ thủy điện Bắc Bình kéo dài tới cuối đèo Đại Ninh (huyện Bắc Bình) còn xuất hiện hơn 10 công trình hàng quán, điểm dừng chân không phép, vi phạm hành lang an toàn đường bộ, gây mất an toàn giao thông. Đặc biệt, tại khu vực đèo Đại Ninh, tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng, đất hành lang đường bộ để xây trạm dừng chân phục vụ khách du lịch đã diễn ra trong thời gian dài, nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xâm lấn hồ, đập thời gian qua là do sự phối hợp giữa đơn vị quản lý vận hành công trình và chính quyền địa phương trong kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ công trình thủy lợi, chưa thực sự quyết liệt vào cuộc, còn xem đó là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, đơn vị quản lý vận hành công trình. Bên cạnh đó, việc phát hiện vi phạm của đơn vị quản lý chậm, chế tài xử lý trong công tác giải tỏa, cưỡng chế và khung phạt hành chính chưa đủ mạnh; người dân vi phạm không bị xử lý, có xử lý cũng không kiên quyết...

Ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, nhiều công trình thủy lợi đã được xây dựng từ lâu, không có hồ sơ thiết kế và chưa được triển khai công tác cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ, cũng như xác định và xử lý vi phạm.

Còn theo ông Trần Duy Hùng, Trưởng phòng TN-MT huyện Bắc Bình, tình trạng lấn, chiếm đất trên địa bàn huyện diễn ra phức tạp; việc quản lý, sử dụng quỹ đất ở một số địa phương chưa chặt chẽ; công tác quản lý trật tự xây dựng ở các xã, thị trấn chưa tốt.

Trước thực trạng trên, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Bắc Bình đề nghị các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình xây dựng trái phép, theo dõi việc chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính và nếu các trường hợp vi phạm không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định phê duyệt danh mục 279 hồ, ao, đầm được xếp vào danh sách không được phép san lấp. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh có 24 hồ chứa, kênh dẫn nước đang bị người dân và tổ chức lấn chiếm với nhiều hình thức khác nhau, ảnh hưởng tới dung tích chứa nước, hạn chế khả năng dẫn nước tưới tiêu.

ĐOÀN KIÊN - NGUYỄN TIẾN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bat-nhao-lan-chiem-ao-ho-hanh-lang-duong-bo-post684736.html