Bất ngờ với những con số độc đáo ở Asian Cup

Nhà đương kim vô địch Qatar sẽ gặp Lebanon trong trận khai mạc Asian Cup 2023 vào ngày 12-1 và giải đấu cấp châu lục lần thứ 18 quy tụ 24 đội bóng mạnh nhất châu Á với những dấu ấn mang tính kỷ lục.

Sau hai mùa đăng cai Asian Cup vào các năm 1988 và 2011, chỉ hơn một năm kể từ FIFA World Cup 2022, quốc gia vùng Vịnh này lại tổ chức một lễ hội bóng đá khác. AFC nhìn lại sự kiện Asian Cup qua các con số.

Nhà vô địch bốn lần: Á quân năm 2019, Nhật Bản là đội thành công nhất tại AFC Asian Cup, với bốn lần vô địch giải đấu này vào các năm 1992, 2000, 2004 và 2011. Samurai xanh đã xuất hiện ở 5 trong 8 trận chung kết vừa qua, với trận thua Qatar ở UAE nhất cách đây 5 năm là lần duy nhất họ phải chịu thất bại.

Ba lần vô địch liên tiếp: Trong khi Nhật Bản tự hào về nhiều danh hiệu nhất, không đội nào có thể sánh được với ba lần vô địch liên tiếp của đội tuyển Iran. Họ đăng quang năm 1968 và sau đó bảo vệ thành công danh hiệu tại các giải đấu năm 1972 và 1976.

Nhật Bản đang giữ kỷ lục bốn lần vô địch Asian Cup. Ảnh: GETTY.

Hàn Quốc đã giành chức vô địch lần đầu tiên vào năm 1956 và giữ chiếc cúp này bốn năm sau đó, trong lúc Saudi Arabia cũng liên tiếp nâng cao danh hiệu này vào các năm 1984 và 1988.

Lợi thế sân nhà: Có 5 đội chủ nhà vô địch trong 7 kỳ AFC Asian Cup đầu tiên nhưng chỉ có 2 quốc gia lên ngôi vô địch trên quê hương trong 10 kỳ tiếp theo. Nhật Bản giành chức vô địch đầu tiên khi đánh bại Saudi Arabia ở Hiroshima vào năm 1992 và 23 năm sau, Úc vượt qua Hàn Quốc sau hiệp phụ ở Sydney.

Ghi nhiều bàn thắng nhất: Huyền thoại người Iran Ali Daei dẫn đầu về số bàn thắng ghi được tại AFC Asian Cup, khi tiền đạo này có 14 bàn trong ba giải đấu từ năm 1996 đến năm 2004. Bốn bàn thắng trong hiệp hai của anh trước Hàn Quốc năm 1996 là một trong những chiến công đặc biệt của giải đấu.

Almoez Ali của Qatar đã ghi 9 bàn thắng ở Asian Cup mùa trước. Ảnh: GETTY.

Xếp sau Daei là chân sút Lee Dong-gook của Hàn Quốc với 10 bàn thắng, trong khi Naohiro Takahara của Nhật Bản, Ali Mabkhout của UAE và Almoez Ali của Qatar đều có 9 bàn.

Almoez nổi dậy: Daei có thể bị lung lay vị trí số một nếu Almoez Ali có một phong độ cao như anh đã làm vào năm 2019, khi tiền đạo người Qatar ghi 9 bàn sau 7 trận để đưa đội bóng của mình giành danh hiệu đầu tiên. Giống như Daei, Almoez cũng ghi 4 bàn trong một trận đấu – vào lưới CHDCND Triều Tiên ở vòng bảng – nhưng dấu ấn lớn nhất là pha nhào lộn trên không mở điểm vào lưới Nhật Bản trong trận chung kết sẽ sống mãi trong ký ức.

Bàn thắng nhanh nhất: Một cầu thủ khác ghi 9 bàn là Ali Mabkhout đang giữ kỷ lục ghi bàn nhanh nhất tại AFC Asian Cup khi mở tỉ số vào lưới Bahrain chỉ sau 14 giây ở vòng bảng 2015. UAE tiếp tục về đích ở vị trí thứ ba trong khi tiền đạo này giành được danh hiệu Vua phá lưới.

Ali Mabkhout giữ kỷ lục ghi bàn thắng nhanh nhất, chỉ sau 14 giây. Ảnh: GETTY.

Mabkhout vẫn là lựa chọn hàng đầu của UAE ở hàng tiền đạo, anh sẽ cùng với Almoez tìm cách bám sát kỷ lục của Daei khi cuộc chơi diễn ra từ ngày 12-1.

Tham gia nhiều vòng chung kết Asian nhất: Một số cầu thủ đã góp mặt tại 4 kỳ AFC Asian Cup trong những năm qua, bao gồm các huyền thoại như Yasuhito Endo, Mehdi Mahdavikia, Younis Mahmoud và Zheng Zhi, nhưng không ai có thể sánh bằng Ignatiy Nesterov. Thủ môn người Uzbekistan đã chơi ở cả 5 kỳ AFC Asian Cup từ năm 2004 đến 2019, lần nào cũng có mặt tại vòng loại trực tiếp và có thành tích tốt nhất từ trước đến nay là vào trận bán kết năm 2011.

Vua trên chấm luân lưu: Chỉ có hai trận chung kết AFC Asian Cup được phân định trên chấm luân lưu 11 mét và trong cả hai lần này, Saudi Arabia đều là nhà vô địch khi vượt qua Hàn Quốc vào năm 1988 và trước UAE vào năm 1996 – cả hai lần đều sau trận hòa 0-0.

Saudi Arabia có hai lần vô địch đều sau loạt sút luân lưu cân não. Ảnh: GETTY.

Saudi Arabia cùng với Iran, là một trong hai quốc gia đều có ba lần nâng cao chức vô địch AFC Asian Cup. Tuy nhiên, thành công năm 1996 là lần cuối cùng và Saudi Arabia mong muốn chấm dứt 27 năm chờ đợi dưới thời tân HLV nổi tiếng Roberto Mancini.

Thắng kỷ lục: Iran đã thắng nhiều trận hơn bất kỳ đội nào khác trong lịch sử AFC Asian Cup, thắng 41 trong 68 trận kể từ khi ra mắt với tư cách chủ nhà ở giải đấu thứ tư năm 1968. Tuy nhiên, sau khi giành được danh hiệu thứ ba vào năm 1976, Iran đã không trở lại trận chung kết nào, với sáu lần thất bại ở vòng bán kết, và gần đây nhất là thua Nhật Bản vào năm 2019.

Tân binh Asian Cup: 36 quốc gia trên khắp châu Á đã góp mặt tại AFC Asian Cup trong những năm qua, khi cuộc chơi mở màn từ năm 1956 và đây cũng là giải đấu châu lục lâu đời thứ hai sau Copa America của Nam Mỹ. Mùa này đánh dấu con số 37 với tân binh Tajikistan, đội ra mắt lần đầu tiên ở vòng chung kết trên sân Abdullah bin Khalifa ở Doha gặp Trung Quốc vào ngày 13-1.

HÙNG VĂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-ngo-voi-nhung-con-so-doc-dao-o-asian-cup-post771393.html