Bất ngờ tung 'đòn hiểm' vào động lực kinh tế châu Âu, cờ về tay Nga?

Giữa thời điểm châu Âu sắp bước vào mùa Đông lạnh giá, Nga bất ngờ tung lệnh cấm vô thời hạn đối với việc xuất khẩu xăng và dầu diesel. Các nhà phân tích nhận thấy, đây là ví dụ mới nhất về việc Moscow 'vũ khí hóa' hoạt động xuất khẩu năng lượng để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Một địa điểm khoan dầu gần Almetyevsk, Nga. (Ảnh: Andrey Rudak/Bloomberg)

Một địa điểm khoan dầu gần Almetyevsk, Nga. (Ảnh: Andrey Rudak/Bloomberg)

Liên minh châu Âu (EU) đã tạm dừng nhập khẩu nhiên liệu bằng đường biển của Nga vào đầu năm nay - một phần của các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow vì chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine. Nhưng EU vẫn cần một lượng dầu diesel của Nga để giữ giá ổn định.

Ngày 21/9, chính phủ Nga công bố lệnh cấm vô thời hạn đối với việc xuất khẩu xăng và dầu diesel sang hầu hết các quốc gia. Động thái có thể gây gián đoạn nguồn cung xăng dầu toàn cầu ngay trước mùa Đông, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt vốn đang đẩy giá dầu thô thế giới về mốc 100 USD/thùng.

Reuters cho hay, các hạn chế sẽ được duy trì cho đến chừng nào chính phủ thấy cần thiết.

Đến ngày 25/9, Nga điều chỉnh các hạn chế xuất khẩu nhiên liệu, dỡ bỏ lệnh cấm tạm thời xuất khẩu dầu diesel và nhiên liệu hàng hải chất lượng thấp. Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại xăng và dầu diesel chất lượng cao vẫn được áp dụng.

"Đòn" mới của Nga?

Quyết định của Nga cấm xuất khẩu dầu diesel sang hầu hết các nước được đưa ra vào thời điểm quan trọng của châu Âu.

Dầu diesel là động lực kinh tế của châu Âu, cung cấp năng lượng cho phần lớn xe tải chở hàng hóa và nguyên liệu thô trên khắp châu lục. Đây cũng là nhiên liệu sưởi ấm chính ở một số quốc gia trong khu vực và mùa Đông lạnh giá đang đến gần.

Hành động của Moscow cũng mang đến một mối đe dọa kinh tế lớn hơn - khả năng lạm phát gia tăng. Giá năng lượng đã tăng mạnh trong những tuần gần đây, khi Nga và Saudi Arabia tuyên bố sẽ tiếp tục hạn chế nguồn cung dầu thô cho đến cuối năm nay.

Theo công ty dữ liệu Vortexa, Nga là nước xuất khẩu dầu diesel lớn nhất thế giới, chiếm hơn 13% nguồn cung toàn cầu từ đầu năm đến nay.

Kể từ khi lệnh cấm nhập khẩu của EU được ban hành vào tháng 1, Moscow đã tìm được người mua mới cho các thùng dầu ở Nam Mỹ, Trung Đông và Bắc Phi.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng, việc thắt chặt nguồn cung có thể làm tăng sự cạnh tranh toàn cầu về nhiên liệu trong những tháng tới, khiến giá xăng, dầu tăng cao ở mọi nơi, kể cả ở châu Âu.

Giá bán buôn dầu diesel châu Âu đã tăng 5%, ngay sau thông báo về hạn chế xuất khẩu của Nga. Giá giảm trở lại giao dịch quanh mức 990 USD một ngày sau đó (22/9) nhưng vẫn cao hơn mức trước khi có tin tức từ Nga.

Ông Jorge Léon, Phó chủ tịch cấp cao của Rystad Energy - công ty tình báo kinh doanh và nghiên cứu năng lượng độc lập nhận định rằng: "Quyết định của Nga đến vào thời điểm quan trọng của châu Âu. Khu vực này có nhu cầu rất lớn về dầu diesel vào mùa Đông. Các ngành như xây dựng, nông nghiệp và sản xuất cũng rất cần dầu diesel trong quý IV năm nay".

Không chỉ thế, những khách hàng mới của Nga, bên ngoài châu Âu, cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh cấm.

Nguồn cung dầu diesel toàn cầu đã chịu áp lực nặng nề trước khi lệnh cấm xuất khẩu của Nga được công bố. Trước chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các thùng dầu diesel xuất khẩu bằng đường biển của Nga chủ yếu được vận chuyển sang các quốc gia châu Âu.

Nhưng việc áp đặt các lệnh trừng phạt đã làm đảo lộn dòng chảy thương mại toàn cầu - các chuyến hàng đến Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng vọt. Các điểm đến gần đây khác của hàng hóa bao gồm Brazil, Saudi Arabia và Tunisia.

Điều đó không nhất thiết có nghĩa là các quốc gia này sẽ phải chịu toàn bộ gánh nặng do Nga cắt giảm nguồn cung. Thị trường dầu diesel mang tính toàn cầu. Ví dụ, nếu Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Brazil thiếu hụt nguồn cung đột ngột, hàng hóa từ các nhà cung cấp không phải của Nga có thể chuyển đến đó thay vì châu Âu.

Nhà phân tích thị trường cấp cao tại Vortexa Pamela Munger chỉ ra rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua “khối lượng lớn” dầu diesel của Nga kể từ đầu năm nay.

Bà Pamela Munger nhấn mạnh: "Trước khi châu Âu áp đặt lệnh cấm nhập khẩu, Nga đã cung cấp 40% lượng dầu diesel cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trong 9 tháng qua, tỷ lệ đó đã tăng lên 80%".

Dầu diesel là động lực kinh tế của châu Âu, cung cấp năng lượng cho phần lớn xe tải chở hàng hóa và nguyên liệu thô trên khắp châu lục. (Nguồn: Reuters)

Dầu diesel là động lực kinh tế của châu Âu, cung cấp năng lượng cho phần lớn xe tải chở hàng hóa và nguyên liệu thô trên khắp châu lục. (Nguồn: Reuters)

"Dùng năng lượng làm vũ khí"

Một số nhà phân tích cho rằng, động thái này có thể là ví dụ mới nhất về việc Moscow "vũ khí hóa" hoạt động xuất khẩu năng lượng để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ông Callum Macpherson, trưởng bộ phận phân tích thị trường hàng hóa cơ bản của công ty Investec cho rằng, lệnh cấm của Nga nhằm giải quyết tình trạng thắt chặt nguồn cung và giá xăng dầu tăng cao tại thị trường nội địa.

Ông chỉ rõ: “Tuy nhiên, lệnh cấm này cũng có những điểm tương đồng với sự gián đoạn nguồn cung khí đốt mà Nga cung cấp cho châu Âu từ năm 2021. Sự gián đoạn nguồn cung khí đốt ban đầu cũng chỉ được cho là tạm thời trong lúc Moscow tăng dự trữ trong nước.

Tuy nhiên, sau đó, nguồn cung khí đốt đã bị cắt hoàn toàn. Đây có thể là sự mở rộng của chính sách ‘dùng năng lượng làm vũ khí’ để phản ứng với những khó khăn mà Nga đang gặp phải”.

Henning Gloystein, Giám đốc của Công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group cho hay, các giới hạn xuất khẩu đã được đưa ra “gần như chính xác” trước mùa sưởi ấm ở châu Âu.

Mặc dù có bằng chứng về tình trạng thiếu nhiên liệu ở Nga, nhưng ông Gloystein nói rằng, có lẽ đây không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên hay hoàn toàn xuất phát từ vấn đề trong nước.

Ông nói: “Không có gì ngạc nhiên khi Nga đang thực hiện một nỗ lực khác để gây ra tổn thất kinh tế cho phương Tây, khi mùa Đông đến gần. Tôi kỳ vọng, thiệt hại đối với châu Âu trong lệnh cấm này sẽ 'hạn chế hơn nhiều' so với thiệt hại do Moscow cắt giảm xuất khẩu khí đốt tự nhiên vào năm ngoái.

Bởi châu Âu đã có một năm rưỡi để điều chỉnh thị trường trước các mối đe dọa của Nga và việc cắt giảm nguồn cung gây nên nguy cơ thiếu năng lượng trong mùa Đông này là rất thấp”.

Tuy nhiên, giá dầu diesel tăng trùng với thời điểm giá dầu thô tăng. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, lạm phát có thể tăng trở lại ở châu Âu và Mỹ.

Giá dầu thô Brent đã tăng 30% kể từ mức thấp vào cuối tháng 6, chủ yếu do việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga.

Ông Léon tại Rystad Energy khẳng định: “Chúng tôi đang nhìn thấy 'ánh sáng cuối đường hầm' khi lạm phát đang dần giảm xuống. Nhưng nếu lượng dầu diesel - vốn được sử dụng rộng rãi ở châu Âu - tăng đột biến, điều đó có nghĩa là lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng tới".

(theo CNN, Reuters, Bloomberg)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bat-ngo-tung-don-hiem-vao-dong-luc-kinh-te-chau-au-co-ve-tay-nga-243698.html