Bất ngờ từ sự cố F-35B

Trung tuần tháng 9, dư luận Mỹ xôn xao trước thông tin một máy bay chiến đấu F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ đã hoàn toàn mất dấu vết trên bầu trời bang Nam Carolina, sau khi viên phi công điều khiển quyết định nhảy dù do gặp sự cố.

Căn cứ Charleston đã đăng một thông báo trên mạng xã hội đề nghị người dân cung cấp bất kỳ thông tin nào liên quan tới chiếc F-35B vừa biến mất. Thông báo gây ra sự phẫn nộ trong công chúng Mỹ. “Làm thế nào lại mất dấu một chiếc F-35?... Chúng ta đã đầu tư rất nhiều tiền của vào chương trình này. Vậy mà khi xảy ra sự cố, không ai biết máy bay ở đâu. Điều đó không thể chấp nhận được”, Hạ nghị sĩ Nancy Mace của Đảng Cộng hòa, đại diện bang Nam Carolina bức xúc đăng trên mạng xã hội sau khi nghe tin chiếc máy bay quân sự tối tân mất tích.

Trang Popular Mechanics nhận định, sự cố này nêu bật một tình thế “dở khóc dở cười” đối với các lực lượng không quân: Khả năng tàng hình của F-35B trước radar đối phương cũng có nghĩa là F-35B có thể trở nên tàng hình với hệ thống radar của chính đơn vị sở hữu nó.

Sự cố mới nhất của chiếc F-35B cũng đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao phi công lại nhanh chóng nhảy dù thoát khỏi chiếc chiến đấu cơ tối tân? Tại sao F-35B mất dấu vết, trong khi nó được trang bị bộ phát đáp tín hiệu hiện đại? Làm thế nào nó có thể bay tiếp một quãng đường khá xa mà không có sự điều khiển của phi công, cũng như không có bất kỳ hướng dẫn nào của mặt đất?

Theo thông tin điều tra được công bố, chiến đấu cơ F-35B cất cánh từ Căn cứ Beaufort đang trên đường tới Căn cứ Charleston thì có sự cố xảy ra khiến phi công phải nhảy dù. Tại thời điểm đó, máy bay đang ở độ cao khoảng 1.000 feet (300m) và chỉ cách sân bay Charleston chưa đầy 2km. Người phát ngôn của Căn cứ Charleston Jeremy Huggins cho hay, chiếc F-35B đang bay ở chế độ lái tự động khi viên phi công nhảy dù. Điều đó lý giải vì sao nó có thể tiếp tục bay thêm quãng đường dài tới 100km mà không cần người điều khiển.

 Chiến đấu cơ F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ có thể cất, hạ cánh theo phương thẳng đứng (ảnh minh họa). Ảnh: Military.com.

Chiến đấu cơ F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ có thể cất, hạ cánh theo phương thẳng đứng (ảnh minh họa). Ảnh: Military.com.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, bộ phát đáp tín hiệu trên chiếc F-35B đã bị ngắt, khiến nó thoát khỏi tầm kiểm soát của kíp điều khiển mặt đất. Phải mất hơn một ngày nỗ lực tìm kiếm, các lực lượng chức năng mới xác định được địa điểm F-35B bị rơi tại một cánh đồng gần Indiantown, bang Nam Carolina.

Popular Mechanics dẫn thông tin từ nhà sản xuất ghế phóng Martin-Baker cho hay, biến thể F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ là biến thể duy nhất có chức năng tự động đẩy ghế phóng trong trường hợp phát hiện trục trặc. Điều đó làm dấy lên nghi ngờ liệu sự cố mà phi công gặp phải có phải chính do ghế phóng của máy bay này hay không.

Sự cố F-35B đánh dấu vụ tai nạn máy bay thứ 3 trong vòng 6 tuần của Thủy quân lục chiến Mỹ. Tháng trước, một chiếc F-18 bị rơi trong chuyến bay huấn luyện gần San Diego khiến phi công thiệt mạng. Tiếp đó, một chiếc MV-22B Osprey bị rơi trong cuộc tập trận chung ở Australia khiến 3 lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng, 20 người khác bị thương. Những sự cố này được phân loại là rủi ro hạng A, tức dẫn đến tử vong hoặc gây thiệt hại tài sản từ 2,5 triệu USD trở lên.

F-35 là dòng máy bay chiến đấu được thiết kế với tính năng tàng hình-thuật ngữ bao hàm tất cả các kỹ thuật làm giảm lượng tia bức xạ phát ra từ máy bay, khiến radar khó có thể phát hiện, trong đó phổ biến nhất là kỹ thuật sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar. Ngoài ra, hiệu quả hơn là sử dụng thiết kế hình dạng đặc biệt cho máy bay để giảm tia bức xạ. Nghiên cứu khoa học cho thấy, hình dạng vật thể-chứ không phải kích thước của nó-quyết định lượng tia bức xạ mà sóng radar bắt được. Có nghĩa là vật thể lớn chỉ xuất hiện như một chấm nhỏ hoặc biến mất hoàn toàn khỏi màn hình radar nếu có hình dạng thích hợp. Công nghệ tàng hình tích hợp nhiều kỹ thuật tiên tiến đã giúp nhà sản xuất Lockheed Martin trang bị cho F-35 tính năng tàng hình vượt trội.

F-35 hiện là dòng máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Mỹ. Đã có 972 chiếc F-35 các loại được xuất xưởng, so với kế hoạch sản xuất hơn 3.500 chiếc trên toàn cầu. F-35 có 3 biến thể: F-35A của Không quân-phiên bản được sản xuất nhiều nhất, được bán phổ biến nhất cho các đồng minh của Mỹ; F-35B của Thủy quân lục chiến có khả năng cất, hạ cánh theo phương thẳng đứng; F-35C của Hải quân có thể hạ cánh trên tàu sân bay.

Tới nay, Lockheed Martin đã bàn giao 190 chiếc F-35B cho Thủy quân lục chiến Mỹ, với giá thành khoảng 100 triệu USD mỗi chiếc.

Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện, chương trình này đã nhiều lần chậm tiến độ với chi phí bị đẩy lên đáng kể tới 1,7 nghìn tỷ USD, khiến nhiều người nộp thuế tại Mỹ lo lắng.

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/bat-ngo-tu-su-co-f-35b-744250