Bất ngờ thú vị quanh chuyện thoái vị của Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II

Sự kiện diễn ra vào ngày 14-1 tại Đan Mạch sẽ là lần đầu tiên một quốc vương Đan Mạch tự nguyện thoái vị sau gần 900 năm. Dưới đây là những bất ngờ thú vị liên quan đến sự thoái vị của Nữ hoàng Margrethe II, hiện là vị vua trị vì lâu nhất ở châu Âu.

Nữ hoàng Margrethe II (người ngoài cùng bên phải) là vị quân vương đầu tiên của Đan Mạch trong gần 900 năm qua tự nguyện thoái vị

Tiết lộ ý định thoái vị trước 3 ngày

Nữ hoàng Margrethe II, quốc vương của Đan Mạch trong hơn nửa thế kỷ, đã khiến cả đất nước choáng váng khi tuyên bố vào đêm Giao thừa 2024, bà sẽ trao lại ngai vàng cho con trai cả - Thái tử Frederik. Tin này không chỉ gây ngạc nhiên cho thế giới mà còn cho cả Thái tử Frederik và Hoàng tử Joachim. Theo tờ Berlingske (Đan Mạch), các con của bà biết kế hoạch mẹ mình thoái vị vào ngày 28-12-2023, chỉ 3 ngày trước khi có thông báo chính thức. Ngay cả Thủ tướng Mette Frederiksen cũng không biết ý định của nữ hoàng cho đến ngay trước khi thông báo.

Nữ hoàng Margrethe (83 tuổi) xuất hiện lần cuối trước công chúng với tư cách quốc vương vào tuần trước khi được các thành viên của Trung đoàn Hussar hộ tống qua các đường phố Thủ đô Copenhagen. Vào ngày 14-1, Nữ hoàng sẽ ký tuyên bố thoái vị tại Cung điện Christiansborg ở Copenhagen trong cuộc họp của Hội đồng Nhà nước. Sau đó, con trai 55 tuổi của bà sẽ trở thành Vua Frederik X. Người vợ gốc Australia của ông là Mary (51 tuổi) sẽ trở thành Hoàng hậu Đan Mạch và con trai lớn nhất của họ - Christian (18 tuổi) - sẽ kế vị tước hiệu Thái tử. Nhà vua mới sẽ tổ chức tiệc chiêu đãi tại cung điện để đánh dấu sự kiện này, tuy nhiên sẽ không có lễ đăng quang chính thức như đã từng diễn ra với Vua Charles của Anh vào tháng 5-2023. Hoàng tử Joachim đang sống ở Washington DC dự kiến sẽ trở lại Đan Mạch để đón anh trai lên ngôi.

Tại sao Nữ hoàng Đan Mạch thoái vị?

Trước khi Nữ hoàng Margrethe tuyên bố sẽ thoái vị, hầu hết mọi người đều cho rằng bà sẽ sống những ngày cuối đời trên ngai vàng như truyền thống ở Đan Mạch. Cho đến gần đây, bà vẫn khẳng định coi việc làm nữ hoàng là một công việc suốt đời. Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe rõ ràng đã khiến bà phải xem xét lại. Nữ hoàng Margrethe đã trải qua cuộc phẫu thuật lớn vào tháng 2 năm ngoái và phải đến tháng 4 mới trở lại làm việc. Trong bài phát biểu của mình, bà cho biết cuộc phẫu thuật đã gợi lên “những suy nghĩ về tương lai” và thời điểm chuyển giao vương miện. Người ta cho rằng, Nữ hoàng cũng muốn truyền ngôi để phù hợp với xu thế của chế độ quân chủ hiện đại.

Chế độ quân chủ của Đan Mạch có nguồn gốc từ vua Viking Gorm the Old vào thế kỷ thứ 10. Quyền lực của quốc vương từng là tuyệt đối, nhưng ngày nay nhiệm vụ của hoàng gia phần lớn mang tính nghi lễ và được xác định bởi hiến pháp. Quốc vương là nguyên thủ của Đan Mạch và là biểu tượng của quốc gia, nhưng việc ra quyết định chính trị thuộc về Chính phủ và Quốc hội. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 70% người Đan Mạch ủng hộ Nữ hoàng và chế độ quân chủ này. Bà Margrethe vẫn sẽ giữ lại danh hiệu Nữ hoàng sau khi từ chức.

Di sản để lại

Nữ hoàng Margrethe lên ngôi vào ngày 14-1-1972 khi mới 31 tuổi, vài giờ sau khi cha bà (Vua Frederik IX) qua đời do biến chứng nhiễm trùng phổi. Nữ hoàng nhanh chóng được người Đan Mạch quý mến bằng sự hóm hỉnh và cách cư xử thực tế. Bà đi khắp đất nước và thường xuyên đến thăm các vùng lãnh thổ bán tự trị của Đan Mạch là Greenland và quần đảo Faroe. Là một nghệ sĩ tài năng, bà đã vẽ và thiết kế trang phục múa ba lê, lễ phục nhà thờ và đồ ăn. Phu quân của Nữ hoàng Margrethe là Hoàng thân Henrik (gốc Pháp) đã qua đời năm 2018. Họ có 2 người con là Thái tử Frederik và Hoàng tử Joachim cùng 8 người cháu.

Mặc dù triều đại của Nữ hoàng Margrethe hầu như không có tai tiếng, nhưng bà đã gây chấn động vào năm 2022 khi tước bỏ tước hiệu hoàng gia của 4 người cháu là con của Hoàng tử Joachim. Quyết định của bà phù hợp với các hoàng gia châu Âu khác và phù hợp với thời đại. Hoàng tử Joachim cho biết ông rất buồn và đã chuyển gia đình sang Mỹ sống vào đầu năm 2023. Nữ hoàng Margrethe sau đó đã xin lỗi, nhưng vẫn giữ nguyên quyết định của mình.

Với các hoàng gia châu Âu, việc các vị vua lớn tuổi trao lại vương miện cho thế hệ trẻ không phải là điều hiếm gặp. Tại Hà Lan, Nữ hoàng Beatrix đã nối bước mẹ và bà mình (là Nữ hoàng Juliana và Nữ hoàng Wilhelmina) để thoái vị vào năm 2013. Không lâu sau, Vua Albert II của Bỉ và Vua Juan Carlos I của Tây Ban Nha cũng nhường quyền kế vị cho con trai cả. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy một số chế độ quân chủ ở bán đảo Scandinavia sẽ làm theo. Vua Harald V (86 tuổi) của Na Uy, người đã phải nhập viện nhiều lần trong những tháng gần đây, chưa đề cập đến việc cân nhắc thoái vị. Cả Vua Carl XVI Gustaf (77 tuổi) của Thụy Điển, người năm ngoái đã kỷ niệm 50 năm lên ngôi cũng vậy. Nhưng động thái bất ngờ của Nữ hoàng Margrethe cho thấy mọi điều đều có thể xảy ra.

Theo AP/New York Post

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bat-ngo-thu-vi-quanh-chuyen-thoai-vi-cua-nu-hoang-dan-mach-margrethe-ii-post564255.antd